Ông Obama lần đầu 'xung trận' cùng bà Harris

Ứng cử viên đảng Dân chủ lần đầu tiên xuất hiện trên đường đua vận động tranh cử cùng cựu Tổng thống Barack Obama và tuyên bố 'cuộc chiến của chúng ta là vì tương lai'.

 Khi cựu Tổng thống Barack Obama đang đứng trên cùng sân khấu với Phó Tổng thống Kamala Harris hôm 24/10 tại Clarkston, nứ ứng viên đảng Dân chủ đã cùng đám đông hô vang "Có, chúng ta có thể", khẩu hiệu chiến dịch tranh cử năm 2008 của ông Obama. Ảnh: New York Times.

Khi cựu Tổng thống Barack Obama đang đứng trên cùng sân khấu với Phó Tổng thống Kamala Harris hôm 24/10 tại Clarkston, nứ ứng viên đảng Dân chủ đã cùng đám đông hô vang "Có, chúng ta có thể", khẩu hiệu chiến dịch tranh cử năm 2008 của ông Obama. Ảnh: New York Times.

Phó tổng thống Kamala Harris lần đầu tiên xuất hiện cùng cựu Tổng thống Barack Obama trong một cuộc vận động tranh cử, đưa ra những lập luận rõ nét nhắm vào các cử tri da đen ở vùng ngoại ô phía đông Atlanta, một khu vực sôi động và mang tính biểu tượng của bang Georgia, theo Guardian.

"Cuộc chiến của chúng ta là vì tương lai", bà Harris phát biểu tại cuộc vận động tranh cử ở Clarkston. Nữ ứng viên đảng Dân chủ đề cập đến những chủ đề quen thuộc - giảm chi phí thuốc men, nhà ở và hàng hóa tiêu dùng. "Tôi xuất thân từ tầng lớp trung lưu và tôi sẽ không bao giờ quên nơi mình sinh ra", bà Harris khẳng định, đồng thời bà tin rằng "chăm sóc sức khỏe phải là quyền chứ không chỉ là đặc quyền của những người có khả năng chi trả". Phó tổng thống nói rằng ông Trump sẽ cắt giảm Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng và bãi bỏ mức giới hạn 35 USD cho insulin.

Ứng cử viên đảng Dân chủ cũng tái khẳng định sự ủng hộ của mình đối với quyền phá thai, ám chỉ đến cái chết gần đây của một phụ nữ Georgia có tên Amber Nicole Thurman được phát hiện là do lệnh cấm phá thai của tiểu bang.

"Donald Trump vẫn từ chối thừa nhận nỗi đau và sự đau khổ mà ông ta đã gây ra... phụ nữ đang bị từ chối chăm sóc trong thời gian sảy thai", bà Harris nhấn mạnh. Giới thăm dò ý kiến và chuyên gia cho rằng chiến dịch của bà Harris đã mất đi sự ủng hộ của cử tri nam da đen. Tuy nhiên, các nhà hoạt động phe Dân chủ không cảm thấy thuyết phục với kết luận này, họ cho rằng phe bảo thủ đang phóng đại những bất thường trong cuộc thăm dò ý kiến để gây ảnh hưởng chính trị.

"Tôi không tin rằng sẽ có nhiều người bỏ phiếu cho những người như ông Donald Trump", Mục sư Raphael Warnock, Thượng nghị sĩ Dân chủ bang Georgia, nhận định. Ông nêu lại những quan điểm phân biệt chủng tộc và hành vi cố chấp công khai của ông Trump.

"Chúng tôi không phải là một khối thống nhất. Sẽ có một số người... nhưng chúng tôi biết ông Donald Trump là ai. Chúng tôi không nhầm lẫn đâu", ông nói.

Tuy nhiên, chiến dịch của bà Harris đang tập trung hơn vào thông điệp của mình tới cử tri da đen trong những ngày cuối chặng đua.

 Georgia là một tiểu bang chiến trường hàng đầu và các cuộc thăm dò cho thấy cuộc đua tại đây đang rất căng thẳng. Ảnh: New York Times.

Georgia là một tiểu bang chiến trường hàng đầu và các cuộc thăm dò cho thấy cuộc đua tại đây đang rất căng thẳng. Ảnh: New York Times.

Trong khi đó, ông Obama hướng sự phẫn nộ của mình vào ông Trump, chỉ trích gay gắt ứng viên đảng Cộng hòa vì những thất bại của ông trong đại dịch Covid-19, và sự thiếu năng lực nói chung. Cựu tổng thống cũng bất bình với suy nghĩ của ông Trump được tiết lộ gần đây từ John Kelly, cựu chánh văn phòng Nhà Trắng. Trong cuộc phỏng vấn gần đây trên tờ The Atlantic, ông Kelly nói rằng khi còn đương nhiệm ông Trump nói rằng ông muốn quân đội trung thành giống như các vị tướng của Hitler.

Hành vi thất thường của ông Trump đã "trở nên quá thường xuyên đến nỗi mọi người không còn coi trọng nữa. Chỉ vì ông ấy hành động ngớ ngẩn không có nghĩa là nhiệm kỳ tổng thống của ông ấy sẽ không nguy hiểm", ông Obama nhấn mạnh.

Chiến dịch tranh cử của bà Harris đang đẩy mạnh sự hiện diện của các ngôi sao da đen trong những ngày "chạy nước rút", đưa nam diễn viên Samuel L Jackson và các đạo diễn Spike Lee và Tyler Perry đến để hâm nóng đám đông.

"Đây là nơi tôi tìm thấy giấc mơ Mỹ cho chính mình", Tyler Perry nói và kể lại con đường mà Atlanta đưa ông vươn lên từ nghèo khó đến thành công.

Vị đạo diễn từng là người vô gia cư này hiện là một triệu phú, sở hữu phần lớn Fort McPherson, nơi mà ông lưu ý rằng từng là căn cứ quân sự của Liên minh miền Nam. "Tất cả chúng ta đều có hình dạng, kích thước và màu da khác nhau. Nhưng chúng ta là một".

Rocker Bruce Springsteen cũng biểu diễn một loạt ca khúc acoustic như Promised Land, Land of Hopes and Dreams Dancing in the Dark trước khi ông Obama và bà Harris phát biểu.

"Ông Donald Trump đang chạy đua để trở thành một lãnh đạo lạnh lùng của nước Mỹ", ông Springsteen chỉ trích.

 Phó tổng thống Kamala Harris trò chuyện với ca sĩ Bruce Springsteen ở hậu trường tại cuộc vận động tranh cử ở Atlanta, hôm 24/10. Ảnh: New York Times.

Phó tổng thống Kamala Harris trò chuyện với ca sĩ Bruce Springsteen ở hậu trường tại cuộc vận động tranh cử ở Atlanta, hôm 24/10. Ảnh: New York Times.

Thành phố Clarkston thường được gọi là nơi đa dạng nhất của Mỹ ở từng mét vuông. Là một địa điểm trung tâm để tái định cư người tị nạn, ở thành phố này, người ta thường thấy phụ nữ Iraq mặc abaya đi bộ đến cửa hàng bên cạnh những người nhập cư Nepal, trong khi trẻ em từ Haiti và Somalia mua một lon Coke tại trạm xăng trên phố từ Sân vận động James R Hallford, nơi cuộc vận động tranh cử được lấp đầy toàn bộ 15.000 chỗ ngồi.

Chiến dịch của bà Harris cho biết có 20.000 người tham dự.

"50 quốc gia khác nhau có đại diện ở đây, trong số những người dân của quận này. Họ là những người chăm chỉ. Họ là anh chị em của chúng tôi", Hạ nghị sĩ Hank Johnson, người đại diện cho thành phố, cho biết. "Họ là chúng tôi. Họ là một phần của nền tảng nước Mỹ".

Khoảng 584.000 cư dân ở bang Georgia là công dân nhập tịch, tỷ lệ lớn nhất trong số 8 tiểu bang dao động. Cứ 6 người Georgia ở vùng đô thị Atlanta thì có một người sinh ra bên ngoài nước Mỹ. Công dân nhập tịch có xu hướng có tỷ lệ đi bỏ phiếu thấp hơn trong khi tỷ lệ đi bỏ phiếu sẽ quyết định cuộc bầu cử ở Georgia.

Trong một diễn biến được đánh giá là thay đổi mang tính lịch sử, cuộc bỏ phiếu sớm tại bang Georgia năm nay đã lập kỷ lục với gần một phần ba cư tri đã bỏ phiếu. Một số quận đã vượt qua ngưỡng tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 50%.

Chiến dịch tranh cử của bà Harris đã gửi tin nhắn văn bản một cách rõ ràng đề nghị mọi người ủng hộ trong tiểu bang tình nguyện dành hai giờ để gõ cửa từng nhà hoặc gọi điện thoại.

Phương Hải

Nguồn Znews: https://znews.vn/ong-obama-lan-dau-xung-tran-cung-ba-harris-post1506219.html
Zalo