Ông Nguyễn Trọng Nghĩa dự họp mặt kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Bến Tre
Sáng nay 24/4, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận TW, dự họp mặt kỉ niệm 50 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, kỉ niệm 50 năm Ngày Bến Tre giải phóng (1/5/1975-1/5/2025) và trao tặng giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu
Dự kỷ niệm còn có bà Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội, ông Mai Văn Chính, ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Ban, Bô, Ngành TW, các tỉnh lân cận, cán bộ lão thành cách mạng, các tướng lính quân đội, cựu chiến binh, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình có công cách mạng cùng đông đảo cán bộ và nhân dân Bến Tre.

Quang cảnh buổi họp mặt kỉ niệm 50 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, kỉ niệm 50 năm Ngày Bến Tre giải phóng
Diễn văn họp mặt kỉ niệm do bà Hồ Thị Hoàng Yến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Bến Tre trình bày, đã ôn lại lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nêu bật vai trò, ý nghĩa to lớn của Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất là thực hiện tốt lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Các đại biểu dự lễ kỉ niệm
Cùng với cả nước, Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre đã vùng lên mạnh mẽ, tiêu biểu là phong trào “Đồng Khởi” dưới sự lãnh đạo của nữ tướng Nguyễn Thị Định. Phong trào đã giành thắng lợi vang dội, trở thành biểu tượng của tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất. Đồng Khởi không chỉ là dấu mốc quan trọng ở Bến Tre mà còn ảnh hưởng rộng khắp, thúc đẩy phong trào kháng chiến trong toàn miền Nam, góp phần to lớn vào việc đánh bại đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, lập nên những chiến công oanh liệt, đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào. Đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc bằng sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, tại Bến Tre, các lực lượng vũ trang phối hợp với quần chúng khởi nghĩa tiến công vào hầu hết các đồn bót, phân khu, chi khu và căn cứ quan trọng ở các huyện, cũng như các đồn bót ven thị xã.

Bà Hồ Thị Hoàng Yến, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre phát biểu ôn lại truyền thống quê hương
Lực lượng chính trị, binh vận cũng được triển khai vào các khu vực nội ô thị trấn, thị xã, gây sức ép buộc địch phải đầu hàng. Mặc dù, tên tỉnh trưởng Phạm Chí Kim ngoan cố tử thủ, ra lệnh bắn pháo khắp nơi; nhưng với sức tiến công của hàng nghìn quần chúng vũ trang từ các hướng kéo về, phối hợp với lực lượng an ninh và bộ đội, ta đánh chiếm sân bay Tân Thành, hạ cờ ngụy, treo cờ cách mạng, chiếm Dinh tỉnh trưởng và các cơ quan đầu não khác. Cùng lúc đó, tại các thị trấn Mỏ Cày, Ba Tri, Giồng Trôm, Bình Đại, Thạnh Phú, Châu Thành, Chợ Lách và khắp các vùng nông thôn, lực lượng du kích cùng hàng chục vạn quần chúng tiến vào, chiếm các phân khu, chi khu, công sở, đồn bót, thực hiện khẩu hiệu “huyện giải phóng huyện”, “xã giải phóng xã” một cách triệt để.
Đến sáng 1/5/1975, toàn tỉnh Bến Tre đã hoàn toàn giải phóng, trật tự trị an nhanh chóng được thiết lập. Cuộc sống độc lập, tự do đã thực sự trở lại với Nhân dân tỉnh nhà sau bao năm kháng chiến gian khổ. Để có được nền hòa bình độc lập như hôm nay, Bến Tre phải có nhiều đau thương, mất mát vô cùng to lớn. Hơn 70 nghìn người ra trận thì đã có hơn 35 nghìn người anh dũng hy sinh; trên 15 nghìn người trở thành thương, bệnh binh; gần 20 nghìn người bị bắt bớ, tra tấn, tù đày, bị đánh đập đến tàn phế, nhiều gia đình bị địch sát hại cùng lúc 5 - 7 người; hơn 30 nghìn người nhiễm chất độc da cam, di chứng kéo dài nhiều thế hệ.

Sau 50 năm kể từ ngày giải phóng, từ một vùng đất chịu nhiều đau thương của chiến tranh, Bến Tre đã vận dụng sáng tạo và phát huy truyền thống Đồng khởi năm 1960, bằng nhiều chủ trương, nghị quyết, các chương trình hành động cách mạng. Nổi bật là phong trào thi đua “Đồng khởi mới”, đã kết nối thành một dòng chảy liên tục giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, từng bước đưa tỉnh vươn lên mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Đến dự họp mặt kỉ niệm Anh hùng LLVT Nguyễn Thị Hồng (TP.Bến Tre) chia sẻ :‘ Hôm nay, dự lễ kỉ niệm tôi rất là vui, đất nước ra đã giải phóng 50 năm rồi, xây dựng, phát triển rất là tiến bộ, đàng hoàng đúng như lời Bác Hồ đã nói : đất nước ta yên bình rồi phải xây dựng cho tươi đẹp, đàng hoàng hơn. Cô rất tâm trạng vì nhiều người đã hy sinh, trong khoảng 2 tuần nay hình như đêm nào tôi cũng nằm nhớ lại đồng đội".

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thứ TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận TW phát biểu
Phát biểu tại họp mặt kỉ niệm 50 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, kỉ niệm 50 năm Ngày Bến Tre giải phóng, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận TW cho rằng giải phóng Miền Nam vào 1975 là minh chứng cho tinh thần yêu nước, sự anh dũng chiến đấu của quân- dân ta, phát huy chủ nghĩa Anh hùng cách mạng và là bản Anh hùng ca bất diệt. Đối với Bến Tre vùng quê giàu truyền thống cách mạng, quê hương "Đồng Khởi" đã có nhiều đóng góp, hy sinh, mất mát góp phần giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Gần đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bến Tre đã cố gắng, nỗ lực ra sức thi đua lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, nhất là phong trào "Đồng khởi mới", cần được phát huy và tăng tốc hơn nữa trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, nhấn mạnh: "Trước hết, tập trung triển khai thực hiện các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11, xác định đây là một "cuộc cách mạng" về sắp xếp bộ máy tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính và cải cách, đổi mới để phát triển đất nước. Thống nhất về nhận thức, tư tưởng; phải vượt lên chính mình, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của đất nước; vượt qua những băn khoăn, lo lắng, tâm lý, thói quen bình thường; vượt qua những tâm lý, tâm trạng vùng miền để hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn".