Ông Nguyễn Quang Hiếu thông tin về việc nho sữa Trung Quốc có dư lượng thuốc sâu vượt ngưỡng cho phép

Ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, năm 2024, không phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm đối với nho sữa Trung Quốc nhập khẩu.

Trước thông tin nho sữa Trung Quốc bị phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở Thái Lan, nhiều ý kiến lo ngại, nho sữa từ Trung Quốc cũng có dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá giới hạn cho phép nhập khẩu vào Việt Nam. Ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có cuộc trao đổi với phóng viên, báo chí xung quanh vấn đề này.

Về tin tức kết quả kiểm tra nho sữa Trung Quốc phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ Thái Lan, nhiều ý kiến lo ngại, nho sữa Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam cũng có dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá giới hạn cho phép. Ông có thể chia sẻ cụ thể về việc này?

Chúng tôi đã kiểm tra thông tin và thấy đây là một tổ chức phi Chính phủ và họ là một đơn vị đánh giá độc lập đưa ra phát hiện của mình để kịp thời làm việc với các cơ quan chức năng của phía Thái Lan để có cảnh báo chính thống hơn.

Thực hư thông tin nho sữa Trung Quốc nhập khẩu có dư lượng vượt ngưỡng cho phép. (Ảnh: NVCC)

Thực hư thông tin nho sữa Trung Quốc nhập khẩu có dư lượng vượt ngưỡng cho phép. (Ảnh: NVCC)

Ngay sau khi nhận được thông tin này, Cục Bảo vệ thực vật đã liên hệ với đại diện Bộ Nông nghiệp Thái Lan và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan, trên cơ sở kết quả phân tích và cảnh báo chính thức từ Thái Lan, Cục sẽ xem xét và áp dụng phương thức kiểm tra chặt đối với các lô hàng nho nhập khẩu từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Cục sẽ làm việc với các hệ thống bảo vệ thực vật mà Cục đang tham gia, đặc biệt với Trung Quốc để đánh giá, thu thập thêm thông tin để thực hiện việc đánh giá nguy cơ. Đấy chính là những căn cứ quan trọng nhất để có thể đưa ra được đề xuất kiểm tra tăng lên hoặc đưa ra những đề xuất nâng mức độ nguy cơ cao hay thấp.

Chúng tôi cũng lưu ý, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về vấn đề này cần được cung cấp chính thức từ các cơ quan quản lý (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để tránh gây dư luận không chính xác trong xã hội.

Vậy công tác kiểm tra an toàn thực phẩm đối với lô hàng trái cây nhập khẩu vào Việt Nam được triển khai ra sao, thưa ông?

Công tác kiểm tra an toàn thực phẩm đối với lô hàng trái cây nhập khẩu hiện nay đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ ban hành quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm (sau đây gọi là Nghị định 15).

Nghị định 15 quy định 3 phương thức kiểm tra an toàn thực phẩm bao gồm: kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm. Áp dụng phương thức nào là dựa trên các đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm với các lô hàng/mặt hàng nhập khẩu.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Cụ thể, với phương thức kiểm tra giảm, đơn vị chức năng sẽ kiểm tra hồ sơ tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng 01 năm do cơ quan Hải quan lựa chọn ngẫu nhiên; phương thức kiểm tra thông thường, theo đó chỉ kiểm tra hồ sơ của lô hàng nhập khẩu; phương thức kiểm tra chặt, theo đó kiểm tra hồ sơ kết hợp lấy mẫu kiểm nghiệm.

Từ số liệu giám sát, hậu kiểm, cảnh báo an toàn thực phẩm trong nước và quốc tế, vi phạm an toàn thực phẩm qua các năm, cơ quan quản lý chuyên ngành quyết định áp dụng phương thức kiểm tra thông thường hay kiểm tra chặt đối với lô hàng, mặt hàng.

Bên cạnh công tác kiểm tra an toàn thực phẩm đối với trái cây nhập khẩu trước thông quan, hàng năm, cơ quan chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Cục Bảo vệ thực vật thực hiện Chương trình giám sát an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nguồn gốc thực vật nhập khẩu.

Hoạt động chính của chương trình này là lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, đặc biệt tập trung các chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên trái cây nhập khẩu.

Mục tiêu Chương trình là đánh giá mức độ an toàn các thực phẩm nhập khẩu, thể hiện qua sự tuân thủ các quy định an toàn thực phẩm của Việt Nam; phục vụ hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, ngăn chặn các lô hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong nước; kịp thời đề xuất với cơ quan quản lý bổ sung hoặc thay đổi các chỉ tiêu kiểm tra, mặt hàng kiểm tra đối với thực phẩm nhập khẩu để phù hợp với tình hình thực tế.

Có thể thấy kết quả hoạt động giám sát an toàn thực phẩm đóng vai trò chính trong việc đưa ra quyết định áp dụng phương thức kiểm tra lô hàng/mặt hàng nhập khẩu.

Trở lại với mặt hàng nho tươi nhập khẩu vào Việt Nam, phương thức kiểm tra an toàn thực phẩm được tiến hành ra sao, thưa ông?

Hiện tại các lô trái cây trong đó có nho nhập khẩu vào Việt Nam đều đang được áp dụng phương thức kiểm tra an toàn thực phẩm thông thường (chỉ kiểm tra hồ sơ). Trình tự, thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm được thực hiện theo quy định tại Nghị định 15.

Đối với nho nhập khẩu, Cục Bảo vệ thực vật đã đưa vào chương trình giám sát về an toàn thực phẩm. Năm 2024, cơ quan chức năng đã kiểm tra 10 mẫu nho nhập khẩu Trung Quốc, kết quả cho thấy không phát hiện mẫu vi phạm an toàn thực phẩm (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) của Việt Nam. Năm 2023, kết quả giám sát nho Trung Quốc, kiểm tra 77 mẫu phát hiện 1 mẫu (1,3%) vi phạm quy định của Việt Nam.

Xin cám ơn ông!

Mới đây, Mạng lưới cảnh báo thuốc trừ sâu Thái Lan (Thai-PAN) đã đưa ra cảnh báo về tình trạng ô nhiễm nho sữa sau khi phát hiện hầu hết mẫu trái cây thu thập được đều chứa dư lượng hóa chất độc hại vượt quá mức tối đa cho phép.

Cơ quan này đã mua 24 mẫu nho phổ biến từ nhiều địa điểm khác nhau vào đầu tháng 10. Kết quả, 23/24 mẫu nho Shine Muscat (nho sữa) được thử nghiệm đều phát hiện nhiễm chất độc hại. Trong đó, có 9 mẫu nho sữa được xác định là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, 15 mẫu còn lại không xác định được xuất xứ.

Đáng chú ý, 1 mẫu nho sữa phát hiện có thuốc trừ sâu bị cấm ở Thái Lan; 22 mẫu chứa 14 dư lượng hóa chất có hại vượt quá giới hạn an toàn và 50 dư lượng thuốc trừ sâu khác. Nhiều loại thuốc trừ sâu có khả năng thẩm thấu vào nho giúp tươi lâu hơn.

Trong thời gian qua, nho sữa là mặt hàng được nhập khẩu nhiều vào Việt Nam. Nho sữa, với tên tiếng Anh Shine Muscat, vốn xuất xứ từ Nhật Bản và được mệnh danh là “Hermes” của làng nho. Tuy nhiên, giờ đây, loại nho này đã không còn là loại hoa quả được liệt vào hàng “quý tộc” ở Trung Quốc, do được trồng rộng rãi ở nhiều địa phương.

Ở Trung Quốc, nho sữa có tên Sunshine Rose (tạm dịch Ánh nắng hoa hồng) với các vùng trồng chính ở Thiểm Tây, Tân Cương, Vân Nam, Cam Túc, Ninh Hạ... Loại nho sữa này quả to, màu xanh bóng bẩy, có hạt hoặc không có hạt. Khi nho chín ăn có vị ngọt đậm và thơm mùi sữa khá đặc biệt. Hiện nho sữa Trung Quốc đang được bán nhiều tại các siêu thị, cửa hàng, chợ online và phủ khắp hàng rong vỉa hè với giá siêu rẻ, phổ biến từ 50.000 - 80.000 đồng/kg, thậm chí có loại giá chỉ 20.000 - 30.000 đồng/kg.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ong-nguyen-quang-hieu-thong-tin-ve-viec-nho-sua-trung-quoc-co-du-luong-thuoc-sau-vuot-nguong-cho-phep-356039.html
Zalo