Ông Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân: Chuyển đơn là việc bình thường của Đại biểu Quốc hội

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân khẳng định, việc chuyển đơn đến các cơ quan chức năng là việc bình thường của một Đại biểu Quốc hội khi được HĐXX hỏi.

Sáng 8-1, TAND tỉnh Thái Bình tiếp tục phiên tòa sơ thẩm vụ án Cưỡng đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi đối với các bị cáo, trong đó có 2 ông Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân.

Trong buổi sáng nay, HĐXX hỏi các bị cáo Nguyễn Văn Vương, Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân và những người có liên quan về cáo buộc 3 bị cáo này Lợi dụng chức vụ quyền hạn can thiệp việc phê duyệt dự án khu dân cư dịch vụ phía Bắc kênh làm mát nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh để hưởng lợi.

Sau khi hỏi bị cáo Nguyễn Văn Vương, HĐXX hỏi hai bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân về các nội dung trong vụ việc này.

Đất không phải được cho mà được rủ đầu tư

HĐXX hỏi ông Lưu Bình Nhưỡng về việc được Nguyễn Văn Vương (cựu chuyên viên Vụ pháp luật - Văn phòng Chủ tịch nước) cho đất để cảm ơn đã nhiệt tình giúp đỡ trong việc chuyển đơn của công ty Hạ Long đến các cơ quan có thẩm quyền.

Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng cho biết lần đầu tiên được Vương đưa sang xem đất là khi Vương đang nhờ xem xét một số khó khăn của Hợp tác xã Hồng Vân ở Đông Anh, Hà Nội nên đưa mình sang (đất được hứa cho theo lời của Vương nằm trong Hợp tác xã Hồng Vân).

Theo bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Vương giục mình nhiều về việc gửi căn cước công dân để làm thủ tục. Ông Nhưỡng cho biết: “Cho suất này là để suất rẻ, tham gia đầu tư ngay từ đầu” chứ không phải là cho không đất. Ông Nhưỡng nói biết đầu tư chỗ đất này vì nghe dự kiến đây sẽ là dự án kết hợp thương mại du lịch.

“Tuy nhiên, mức độ quan tâm của tôi với đất chỗ này là không cao” – ông Nhưỡng trình bày.

 Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng tại tòa. Ảnh: TB

Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng tại tòa. Ảnh: TB

Bị cáo Lê Thanh Vân cũng cho biết, có một lần ông Nhưỡng rủ mình sang Đông Anh câu cá, dẫn ra bờ hồ và cho biết mấy anh em đang làm dự án làng nghề và hỏi có tham gia không. “Tôi nói nếu có dự án thì tôi tham gia” – bị cáo Vân nói.

Theo ông Vân, bản thân và Vương không thỏa thuận gì với nhau về việc cho đất suất ngoại giao. Sau đó một thời gian, ông Nhưỡng bảo ông Vân phải có một người đứng ra cho tên vào hồ sơ nên ông Vân mới gửi căn cước công dân của con trai mình cho. Vẫn còn nghi ngờ, ông Vân khai cũng đã bảo phải cẩn thận và nói con trai tìm hiểu về dự án.

“Đến giờ tôi cũng không biết mảnh đất được nói tới nằm cụ thể ở đâu” – ông Vân khai.

Hai bị cáo Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân đều bày tỏ sự cảm kích đối với Vương khi ngày hôm nay tại tòa, “trước thanh thiên bạch nhật”, Vương đã thừa nhận lừa dối hai ông này.

Chuyển đơn là việc bình thường của một Đại biểu Quốc hội

Về việc ông Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân đã chuyển đơn nhiều lần (ông Nhưỡng gửi 2 văn bản kiến nghị, ông Vân gửi 4 văn bản), HĐXX hỏi ông Nhưỡng và ông Vân để làm rõ về việc vì sao phải chuyển đơn nhiều lần đến vậy để làm rõ việc có tư lợi gì không.

Ông Lưu Bình Nhưỡng thừa nhận đã chuyển đơn hai lần vì lần đầu tiên đọc văn bản trả lời của tỉnh Quảng Ninh không thấy thỏa đáng nên tiếp tục chuyển đơn đến Thủ tướng Chính phủ để Thủ tướng nắm được do Thủ tướng từng làm lãnh đạo tại tỉnh Quảng Ninh.

 Bị cáo Lê Thanh Vân tại tòa. Ảnh: TB

Bị cáo Lê Thanh Vân tại tòa. Ảnh: TB

Làm rõ hơn, luật sư hỏi ông Nhưỡng. Ông Nhưỡng cho biết việc chuyển đơn là luật định, là việc bình thường của một đại biểu quốc hội, có quy định trong Hiến pháp. “Đại biểu Quốc hội phải đeo bám đến cùng với việc chuyển đơn” – ông Nhưỡng khẳng định.

Nói rõ hơn, ông Nhưỡng cho biết Đại biểu Quốc hội cũng có thể được dùng mọi thiết bị (gọi điện) để giám sát về việc chuyển đơn. Đại biểu Quốc hội cũng có thể chuyển đơn đến các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền.

Làm rõ việc chuyển đơn của bị cáo Lê Thanh Vân, HĐXX hỏi vì sao ông Vân lại chuyển đơn cho ông Nguyễn Xuân Ký (Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh thời điểm đó), trong khi Đại biểu Quốc hội phải chuyển đơn đến cơ quan chức năng có thẩm quyền (đối với dự án này là UBND tỉnh Quảng Ninh).

Ông Vân cho biết do đã gọi điện cho một lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, được biết việc xem xét dự án còn phải do chủ trương chung, ở đây có vai trò của Bí thư nên mới chuyển đơn như vậy.

Về việc vì sao chuyển đơn đến 4 lần, ông Vân khai rằng do không nhớ có nhận được phản hồi của tỉnh Quảng Ninh hay không. Chuyển đơn nhiều lần là theo nguyên tắc, khi có đơn thì chuyển đơn. “Mỗi năm tôi chuyển hàng nghìn đơn” – ông Vân nói và khẳng định đây là việc thường ngày của bản thân.

Theo cáo trạng, ông Lê Thanh Vân từ tháng 8/2020 đến tháng 11/2023 là Đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV. Mặc dù không thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh và không thuộc lĩnh vực phụ trách của Ủy viên thường trực Ủy ban ngân sách Quốc hội nhưng đã có hành vi chuyển đơn như nêu trên.

Về việc này, ông Vân khẳng định cáo trạng sai, buộc tội không đúng. Cầm theo lên bục các quy định, ông Vân dẫn giải trước tòa các điều quy định Đại biểu Quốc hội được làm và khẳng định Đại biểu Quốc hội là đại diện cho cử tri cả nước, vì vậy, có quyền chuyển đơn đến các nơi không phải đoàn đại biểu Quốc hội của bản thân.

Ông Vân khẳng định, bản thân chuyển đơn theo tư cách Đại biểu Quốc hội còn vai trò Ủy viên thường trực Ủy ban ngân sách Quốc hội chỉ là được phân công, không phải chức danh.

Việc một Đại biểu Quốc hội được phép chuyển đơn đến những nơi không thuộc đoàn đại biểu Quốc hội của bản thân cũng được ông Lưu Bình Nhưỡng xác nhận khi được luật sư hỏi trước đó.

NGỌC SƠN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ong-luu-binh-nhuong-le-thanh-van-chuyen-don-la-viec-binh-thuong-cua-dai-bieu-quoc-hoi-post829093.html
Zalo