Ông lớn ngành y tế châu Á nhắm đến Việt Nam và Indonesia

IHH Healthcare - tập đoàn sở hữu loạt bệnh viên tư nhân nổi tiếng châu Á - cách đây không lâu đã ký biên bản ghi nhớ với FPT Long Châu để phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

 Mount Elizabeth Novena - bệnh viện flagship của IHH Healthcare tại Singapore. Ảnh: IHH.

Mount Elizabeth Novena - bệnh viện flagship của IHH Healthcare tại Singapore. Ảnh: IHH.

Theo Nikkei Asia, CEO Prem Kumar Nair của IHH Healthcare (Malaysia) - một trong những tập đoàn bệnh viện lớn nhất châu Á - đang xem xét cơ hội thâm nhập Indonesia và Việt Nam thông qua các thương vụ M&A. Động thái này diễn ra trong bối cảnh các thị trường hiện tại của tập đoàn đang dần bão hòa.

IHH Healthcare có hơn 12.000 giường bệnh tại 10 thị trường, bao gồm Malaysia, Singapore, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Các bệnh viện của công ty thuộc những tên tuổi uy tín nhất Đông Nam Á, như Mount Elizabeth ở Singapore và Gleneagles ở Malaysia. Tại Ấn Độ, công ty đã mua lại Fortis, công ty lớn thứ 2 ở đất nước tỷ dân vào năm 2018.

Vị CEO cho biết các bệnh viện của IHH ở Singapore đang trở thành lựa chọn phổ biến cho du lịch y tế của những người nước ngoài giàu có. Gần đây nhu cầu du lịch y tế của tầng lớp trung lưu về bệnh ung thư, tim mạch... ở các nước láng giềng như Indonesia cũng đang tăng lên. Theo ông, đây là dấu hiệu tốt để công ty thâm nhập các thị trường như vậy.

Vào năm 2022, IHH đã tìm cách mua lại toàn bộ liên doanh giữa Ramsay Health Care của Australia và tập đoàn Sime Darby của Malaysia nhưng thương vụ thất bại. IHH cho biết việc mua lại sẽ củng cố vị thế dẫn đầu của họ tại Malaysia nhưng một số nhà phân tích coi đây là bước đệm để thâm nhập Indonesia.

Tại Việt Nam, công ty con IHH Singapore mới đây đã ký biên bản ghi nhớ với FPT Long Châu để phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh của IHH đã vào Việt Nam thông qua các thương vụ M&A. Tháng 10/2023, Tập đoàn Y tế Raffles (Singapore) cho biết sẽ mua phần lớn cổ phần của Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) tại TP.HCM. Trong khi đó, Thomson Medical Group (Singapore) mua lại Bệnh viện FV với giá hơn 381 triệu USD.

"Chúng tôi tất nhiên sẽ phải xem xét thị trường Việt Nam. Các tiêu chí giữa các thị trường không có nhiều khác biệt, đó là đáp ứng đủ đội ngũ bác sĩ và y tá giỏi, khả năng tiếp cận thiết bị và thuốc men...", CEO IHH Healthcare cho biết.

 CEO Prem Kumar Nair của IHH Healthcare. Ảnh: Nikkei Asia.

CEO Prem Kumar Nair của IHH Healthcare. Ảnh: Nikkei Asia.

Được niêm yết ở cả Singapore và Malaysia từ năm 2012, IHH đã liên tục mở rộng chủ yếu nhờ M&A. Tập đoàn này ghi nhận lợi nhuận ròng 2,95 tỷ ringgit (625 triệu USD) vào năm 2023, tăng 91% so với năm trước đó do nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng của khu vực.

Trong khi xem xét cơ hội tại các thị trường mới, chiến lược cốt lõi của tập đoàn vẫn là tăng cường sự hiện diện tại các thị trường hiện tại. Nair cho biết IHH đang có kế hoạch bổ sung gần 4.000 giường, tương đương hơn 30% công suất trên toàn cầu trong 5 năm tới. Trong đó, riêng Ấn Độ là 1.860 giường, nâng tổng số giường bệnh ở nước này lên khoảng 7.000.

CEO IHH cho biết M&A vẫn là chiến lược chính, còn việc thành lập bệnh viện từ đầu sẽ là "ưu tiên cuối cùng" vì thông thường phải mất 3-5 năm mới hòa vốn.

Singapore - nơi chiếm khoảng 40% lợi nhuận của tập đoàn, sẽ vẫn là thị trường lớn nhất trong nhiều năm tới. Nhưng CEO của IHH cũng nói thêm rằng Ấn Độ sẽ bắt đầu tiến lên để trở thành một trong những động lực chính của doanh nghiệp.

Diệu Thanh

Nguồn Znews: https://znews.vn/ong-lon-nganh-y-te-chau-a-nham-den-viet-nam-va-indonesia-post1482579.html
Zalo