'Ông lớn' đường sắt cán mốc doanh thu vận tải 3.723 tỷ đồng
Kết quả kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2024 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam còn có thể tốt hơn, nếu đơn vị này không phải chịu những tác động tiêu cực của cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, sản lượng vận tải hàng hóa của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đạt 3,657 triệu tấn xếp và 2,76 tỷ tấn.km, lần lượt tăng 7% và 1,8% so với cùng kỳ.
Cũng thời gian này, Tổng công ty đã vận chuyển được 5,762 triệu lượt hành khách và 2,24 tỷ lượt hành khách.km, lần lượt tăng 22,6% và 18,1% so với cùng kỳ.
Kết quả vận hành hành khách và hàng hóa nói trên đã mang lại cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam 3.723,6 tỷ đồng doanh thu vận tải, tăng 18,5% so với cùng kỳ.
Trong thời gian vừa qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao sản lượng vận tài hành khách.
Với mong muốn cung cấp dịch vụ đa dạng, linh hoạt hơn, đáp ứng tối đa nhu cầu và ngày càng tiệm cận với thị hiếu của khách hàng, Tổng công ty đã đưa vào khai thác nhiều sản phẩm dịch vụ mới và đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều tầng lớp nhân dân và hành khách đi tàu.
Sự tăng trưởng về sản lượng, doanh thu của các sản phẩm này như: tàu SE 19/20, tàu Đà Lạt - Trại Mát… đã cho thấy sự chuyển biến tích cực trong việc đa dạng hóa sản phẩm của Tổng công ty.
Ngoài ra, Tổng công ty cũng phối hợp Cục Du lịch quốc gia, Sở Du lịch các tỉnh triển khai Kế hoạch quảng bá, phát triển du lịch đường sắt giai đoạn 2024 - 2026.
Về hàng hóa, Tổng công ty tiếp tục các giải pháp nâng cao sản lượng vận tải hàng hóa, đặc biệt là hàng liên vận quốc tế bằng đường sắt, tổng sản lượng hàng hóa xuất nhập qua cửa khẩu bằng 141% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, Tổng công ty tiếp tục tích cực làm việc với UBND một số tỉnh để tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu bằng đường sắt.
Bên cạnh đó, Tổng công ty đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ, nâng cao hiệu quả quản trị hoạt động vận tải, đồng thời cung cấp thêm nhiều các dịch vụ, tiện ích, chương trình khuyến mại cho khách đi tàu thông qua việc hợp tác với đa dạng các đối tác như Vinpearl, Sun World, Momo, VN pay, Halovy, Epay...; tích hợp hệ thống bán vé điện tử với nhiều nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Youtube, ...
Bước đầu thống nhất được giải pháp kết nối và bán vé trên Google Maps, mở cổng cho phép thanh toán vé tàu hỏa cho thẻ quốc tế do ngân hàng quốc tế phát hành (phục vụ mua vé tại nước ngoài) từ ngày 1/8/2024.
Tuy nhiên, trong 9 tháng vừa qua, vận tải đường sắt đã chịu ảnh hưởng lớn từ những yếu tố khách quan và gần nhất là hậu quả của cơn bão số 3 đã khiến Tổng công ty phải dừng chạy tàu trên một số tuyến đường sắt (bãi bỏ 22 đoàn tàu hàng và trên 54 đoàn tàu khách).
Sản lượng và doanh thu vận tải hàng hóa tháng 9/2024 cũng sụt giảm mạnh so với cùng kỳ về tấn xếp khi chỉ đạt 69,8%; tấn.km chỉ đạt 84,3% và doanh thu đạt 80,4%; tổng thiệt hại do bão số 3 là gần 200 tỷ đồng.
Để sớm khôi phục trạng thái kết cấu hạ tầng đường săt và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người lao động bị thiệt hại bởi cơn bão và hoàn lưu cơn bão số 3, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị cấp có thẩm quyền kiến nghị với Thủ tướng và có ý kiến với Bộ Tài chính quan tâm sớm bố trí đầy đủ kinh phí cho công tác sửa chữa, khôi phục trạng thái kết cấu hạ tầng đường sắt để đảm bảo an toàn công trình, an toàn chạy tàu.
Đối với thiệt hại về tài sản do doanh nghiệp đầu tư và doanh thu vận tải đường sắt bị sụt giảm, Tổng công ty đề nghị Bộ GTVT có ý kiến với cấp thẩm quyền xem xét tiếp tục áp dụng chính sách giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt cho các năm tiếp theo và có các chính sách miễn, giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.