Ông Lê Bá Thông - nguyên TGĐ TTT Corporation; Thành viên sáng lập và Cố vấn DNXH Mã Nguồn Hạnh Phúc: 'Chỉ người lãnh đạo hạnh phúc mới xây dựng được doanh nghiệp hạnh phúc!'
Hơn 30 năm 'chinh chiến' thương trường, ông Lê Bá Thông - Thành viên sáng lập, nguyên Tổng giám đốc TTT Corporation; nguyên Chủ tịch Cộng đồng Nhà lãnh đạo Tỉnh thức; Thành viên sáng lập và Cố vấn Doanh nghiệp xã hội Mã Nguồn Hạnh Phúc hiểu rõ hơn ai hết, người đứng đầu doanh nghiệp rất khó để hạnh phúc.
Thế nên, từ một tổng giám đốc bận rộn, ông dần học hỏi, chiêm nghiệm để “buông” và tìm ra hạnh phúc cho chính mình. Bởi, với ông, chỉ khi người lãnh đạo hạnh phúc mới xây dựng được doanh nghiệp hạnh phúc! Trò chuyện với Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, ông cho biết mình đang thực hiện phần còn lại của sứ mệnh cuộc đời, vốn đã được ông đặt ra từ hơn 30 năm trước, đó là làm cho cuộc đời đẹp hơn.
Nếu hai, ba thập niên trước, tên tuổi ông Lê Bá Thông - đồng sáng lập TTT Corporation, công ty thiết kế và thi công nội thất hàng đầu Việt Nam gắn với hàng loạt công trình nổi tiếng như khách sạn Pullman, Sheraton, Trung tâm thương mại Takashimaya, hay Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Tòa nhà Quốc hội Việt Nam… thì những năm gần đây, ông thường xuất hiện trong vai trò giảng viên, diễn giả trong cộng đồng những nhà lãnh đạo tỉnh thức. Những buổi chia sẻ, giảng dạy văn hóa doanh nghiệp (DN), những chương trình hợp tác, kết nối giúp các lãnh đạo DN tìm thấy sự bình an, hạnh phúc. Dù sáng lập nhiều DN, cộng đồng nhưng hiện ông không đảm nhận bất cứ vị trí điều hành nào để đi chia sẻ được nhiều hơn nhằm xây dựng cộng đồng doanh nghiệp hạnh phúc, qua đó, góp phần phát triển quốc gia hạnh phúc và thịnh vượng.

* Là một doanh nhân thành công trong lĩnh vực thiết kế và thi công nội thất, vậy điều gì dẫn ông đến với thiền và lãnh đạo tỉnh thức, vốn là khái niệm còn khá xa lạ với nhiều doanh nhân tại Việt Nam?
- Cách đây 20 năm, tôi được nhà báo Minh Hiền - cố Tổng biên tập báo Doanh Nhân Sài Gòn (tiền thân của Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn) giao tổ chức chương trình “Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu năm 2004” mừng ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Sự kiện ghi dấu ấn rất lớn với cộng đồng doanh nhân lúc bấy giờ.
Từ sự kiện đó, tôi may mắn được kết nối để tổ chức chương trình đưa Thiền sư Thích Nhất Hạnh về Việt Nam sau 39 năm xa quê. Nghe có vẻ không liên quan lắm nhưng lý do là vì sư ông Thích Nhất Hạnh muốn bài chia sẻ đầu tiên trên quê hương mà ông rất yêu thương và trăn trở chính là với cộng đồng doanh nhân Việt.
Lúc đó, tôi làm Tổng giám đốc TTT Corporation, chưa biết gì về Thiền sư Thích Nhất Hạnh và phải bắt đầu tìm hiểu sư ông là ai, tìm sách của sư ông đọc… Buổi chia sẻ đầu tiên của sư ông tại Văn Thánh quy tụ hơn 600 doanh nhân và trí thức TP.HCM. Và sau 39 năm rời xa quê hương, câu đầu tiên sư ông nói là: “Hôm nay, chúng ta bàn chuyện đầu tư”. Trong sự ngạc nhiên của hàng trăm doanh nhân, trí thức, sư ông đã chỉ cho các doanh nhân biết cách đầu tư làm ra rất nhiều lợi nhuận và bền vững, đó là đầu tư cho… chính bản thân mình. Câu nói đó của sư ông đã khiến cuộc đời tôi thay đổi.
Tôi bắt đầu ăn chay trường, tìm hiểu thiền, tìm hiểu làm sao để đầu tư cho bản thân mình. Qua đó, thực hành tỉnh thức. Tôi tổ chức nhiều chương trình cho doanh nhân gặp mặt rất nhiều vị thiền sư lớn trên thế giới để mong họ sẽ tìm được con đường đầu tư cho chính bản thân mình.
* Lúc đó, ông đang điều hành một DN lớn, vậy điều cốt lõi gì trong câu nói “đầu tư cho chính bản thân mình” đã “chạm” đến ông, khiến ông rẽ sang bước ngoặt mới như vậy?
- Lúc đó TTT Corporation đã có vị thế lớn trong ngành. Và tôi còn rất trẻ, nhưng tôi thấy rõ ràng là mình không hạnh phúc. Mình quá bận rộn, không có nhiều thời gian dành cho bản thân và gia đình. Ngay sau đó, khi tôi tổ chức những chương trình Doanh nhân vượt qua biến cố, Doanh nhân vượt qua nỗi sợ hãi, Doanh nhân vượt qua nỗi cô đơn, thì có rất nhiều bạn bè doanh nhân chia sẻ “nỗi đau”.
Có doanh nhân từng 4 lần tự tử và tôi nhận ra rằng cuộc đời doanh nhân nếu không biết cách nuôi dưỡng bản thân mình quay về bên trong thì đầy khổ đau. Bao nhiêu sự tan rã trong gia đình mất hạnh phúc, những đứa con oán trách cha mẹ, tự tử, bao nhiêu khổ đau kèm theo khi họ chỉ biết kiếm tiền, chạy theo doanh số và không nhìn thấy giá trị tích cực trong đời sống hằng ngày.

Ông Lê Bá Thông trong một sự kiện do CLB (nay là Hội) Doanh nhân Sài Gòn tổ chức
* Rất nhiều doanh nhân thành công nhưng không hạnh phúc. Vậy con đường lãnh đạo tỉnh thức này đã thay đổi ông như thế nào để ông theo đuổi và lan tỏa triết lý này cho các DN Việt Nam?
- Đó là cả một hành trình không đơn giản. Tôi tự học hỏi, tự chiêm nghiệm, trải nghiệm và chia sẻ. Tôi thấy mỗi ngày, hạnh phúc của doanh nhân càng thay đổi, thú vị, và càng mang lại những giá trị. Nhìn lại những bước đi đầu tiên, ví dụ như khái niệm “buông”, vậy doanh nhân phải buông cái gì? Buông DN, sự nghiệp hay buông gia đình? Và tôi cứ đi tìm câu trả lời cho tất cả những câu hỏi như vậy.
Khi đi tìm hạnh phúc cho doanh nhân, cho chính bản thân mình, tôi phát hiện ra là doanh nhân không thể nào hạnh phúc được. Nó có một cái tam giác đều, có 3 góc, trong đó một góc là doanh nhân tỉnh thức, tức là nhận ra, hiểu được vai trò của cá nhân và sự đóng góp của mình trong xã hội như thế nào? Góc thứ hai là DN phải hạnh phúc, và thứ ba là gia đình phải hòa hợp. Khi thỏa mãn được 3 yêu cầu đó, thì người doanh nhân mới thật sự có được một cuộc sống bình an và hạnh phúc.
Và tôi và các bạn cùng học với Thiền Sư Ginny Whitelaw cùng sáng lập Cộng đồng Nhà lãnh đạo Tỉnh thức với các hoạt động mở rộng ra cả 3 hướng: Doanh nhân tỉnh thức, DN hạnh phúc và gia đình hòa hợp.
* Khi điều hành TTT Corporation, ông đã thực hành tỉnh thức chưa và đội ngũ công ty hưởng ứng ra sao?
- TTT khi bắt đầu chưa thực hành tỉnh thức, nhưng đã rất nổi tiếng với văn hóa kết nối “làm tới nơi, chơi tới bến”. Và rõ ràng, sau 33 năm, ba người chữ “T” chúng tôi (ba nhà sáng lập gồm các ông: Trần Minh Tâm, Trần Khánh Trung và Lê Bá Thông - PV) vẫn còn làm việc chung với nhau. Đó là một điều hiếm hoi trên thương trường. Và may mắn, tôi đã nhận ra con đường tỉnh thức mà người ta nghĩ là rất phức tạp, là cái gì đó trừu tượng, tu tập, thì đối với TTT rất đơn giản. Đó chính là lòng biết ơn và hiểu và thương. Trong đó, chúng tôi hiểu rất rõ vai trò không thể thiếu của người đồng hành.
Các bạn ở trong tập thể TTT sẽ được tỏa sáng năng lực cốt lõi của mình. Và năng lực nào yếu kém thì sẽ có những người đồng hành hỗ trợ và bổ sung. Không chỉ luôn tôn trọng người đồng hành mà còn phải hiểu rõ là người kia giỏi hơn mình rất nhiều. Do đó, mình luôn phải xứng đáng với người bạn đồng hành bằng cách phải ngày càng giỏi hơn, càng chuyên, càng tinh hơn trong lĩnh vực mình giỏi để có thể bổ sung và giúp người kia hoàn chỉnh. Chính tinh thần hiểu biết trong công việc, trong sinh hoạt hằng ngày, trong mối quan hệ ở DN tạo nên chất keo gắn bó của TTT.
* Vậy khi áp dụng lòng biết ơn và hiểu và thương ở TTT thì Công ty có sự chuyển hóa như thế nào, thưa ông?
TTT có một công thức là “khi nào cổ phần ngày càng ít đi thì tiền mang về càng nhiều hơn”. Ngày trước, mỗi thành viên sáng lập TTT có 33,33% cổ phần và sau một mùa Tết, sau khi trả hết nợ cho những nhà cung cấp, trả lương công nhân và thưởng cho nhân viên rồi thì chúng tôi có thể ôm nhau khóc vì đã huề vốn, và vẫn còn ít tiền mặt mang về nhà. Bây giờ, cổ phần của tôi chỉ còn hơn 12% nhưng số tiền hằng năm tôi mang về nhà nhiều hơn. Đó chính là công thức cụ thể hóa các giá trị hiểu và thương và lòng biết ơn thành tài chính thật sự chứ không phải chỉ là hiểu biết và yêu thương theo kiểu giúp cho mối quan hệ hoặc là cảm xúc tốt hơn.
Tại sao phải hiểu và thương? Vì tất cả mọi khó khăn, đổ vỡ trong một tổ chức, một DN 76% nằm ở việc đứt gãy truyền thông, tức là sếp nói nhân viên nghe không hiểu; nhân viên nói, sếp không nghe và tất cả mọi người bằng mặt nhưng không bằng lòng, không được chia sẻ cảm xúc của mình. Nó dẫn đến việc những người cộng sự luôn đổ lỗi, oán trách nhau. Khi DN bắt đầu xuất hiện nhiều sự đổ lỗi và những lời oán trách thì đã đi tới bờ vực của sự phá sản.
Trong gia đình và bất kỳ tổ chức nào cũng vậy. Đối trị lại với việc đổ lỗi và oán trách chính là lòng biết ơn và hiểu và thương. Và sư ông Thích Nhất Hạnh không chỉ dạy hiểu và thương mà còn chỉ ra rất rõ là lắng nghe để hiểu, nhìn kỹ để thương. Lắng nghe chính là thực hành thiền định. Khi lắng tâm xuống mới thật sự nghe, nhìn cho kỹ thì mới thương.

* Khi điều hành DN trong một ngành nhiều áp lực và cạnh tranh, làm sao ông giữ được sự tỉnh thức?
- Đó chính là giá trị mà tôi và các cộng sự ở TTT mang theo đến bây giờ: Làm đẹp, sống đẹp. Có những năm, TTT không có lợi nhuận, thậm chí lỗ nhưng chúng tôi cố gắng không làm mất phẩm chất của mình, vẫn đảm bảo được đời sống cho nhân viên và duy trì sự cống hiến cho xã hội. May mắn, chúng tôi giữ được điều đó trong bao nhiêu năm nay và bây giờ thế hệ kế thừa ở TTT cứ thế tiếp tục thôi.
* Ông đánh giá thế nào về vai trò của nội lực tinh thần trong việc giúp DN vượt qua các khủng hoảng như đợt đại dịch Covid-19 hay những biến động thị trường gần đây?
- Nếu không có những người lãnh đạo DN hạnh phúc thì đừng mong tìm kiếm DN và tổ chức hạnh phúc. Nói cách khác, những tổ chức thật sự hạnh phúc khi và chỉ khi có những chủ DN hạnh phúc. May mắn thay, chúng ta có cả một học thuyết về hạnh phúc do một người Việt Nam thực hiện và được thế giới công nhận. Đó chính là Giáo sư Hà Vĩnh Thọ - Nguyên Giám đốc Trung tâm Hạnh phúc Quốc gia của Bhutan. Và hiện, thầy Hà Vĩnh Thọ đang đồng hành với chúng tôi để thực hiện dự án công bố các chỉ số đo lường hạnh phúc.
* Sáng lập Cộng đồng Nhà lãnh đạo Tỉnh thức, đến nay, hoạt động của cộng đồng này đã đáp ứng sự kỳ vọng của ông chưa?
- Hiện nay thì chưa bởi vì ngay từ đầu khi thành lập cộng đồng Nhà lãnh đạo Tỉnh thức, tôi mong muốn sẽ giúp các doanh nhân tỉnh thức và hạnh phúc nhưng điều đó là chưa đủ. Như ở trên tôi chia sẻ, một doanh nhân tỉnh thức chưa đủ làm nên một tổ chức hạnh phúc nếu 2 góc còn lại trong tam giác là gia đình và DN của họ không hạnh phúc.
Giáo sư Hà Vĩnh Thọ đã phát triển hệ thống 9 chỉ số đo lường hạnh phúc tổ chức nhưng cái gốc cốt lõi là nếu xây dựng được văn hóa doanh nghiệp hiểu và thương và lòng biết ơn trong DN thì tự động 9 chỉ số đó sẽ phát triển.
Tôi và các cộng sự đang cùng nhau hợp lực xây dựng những chỉ số này một cách cụ thể hơn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Chúng tôi mong muốn các chỉ số hạnh phúc do những người Việt Nam làm ra không chỉ dùng cho Việt Nam mà sẽ là một chỉ số chuẩn cho cả DN thế giới.
* Việc thành lập DN xã hội Mã Nguồn Hạnh Phúc hỗ trợ gì cho việc xây dựng cộng đồng DN hạnh phúc, thưa ông?
- Công ty Mã Nguồn Hạnh Phúc có nhiệm vụ giúp các DN đào tạo lực lượng để xây dựng văn hóa DN hạnh phúc vì muốn xây dựng văn hóa DN hạnh phúc, hiểu và thương, văn hóa DN lòng biết ơn thì trong nội tại DN phải có những người hiểu biết thực hành - có thể gọi là trưởng bộ phận văn hóa DN hạnh phúc. Nếu quan tâm phát triển DN hạnh phúc thì bản thân DN nghiệp phải có một bộ phận gìn giữ, phát triển, đo lường và liên tục cải tiến cho văn hóa DN hạnh phúc trong DN. Và Công ty Mã Nguồn Hạnh Phúc chính là nơi đào tạo và mentor hỗ trợ DN lựa chọn, đào tạo và vận hành các hệ thống văn hóa DN hạnh phúc trong tổ chức.
DN này đào tạo giúp cho nhân viên và lãnh đạo quay về bên trong, thực hành tỉnh thức và hạnh phúc nội tâm. Nếu những tổ chức khác hỗ trợ, giúp DN tái cấu trúc tổ chức thì Mã Nguồn Hạnh Phúc giúp tái cấu trúc từ con người trước.

* Vậy theo ông, để xây dựng một DN hạnh phúc, nên thay đổi con người trước tiên?
- Đúng vậy! Cũng như triển khai bất cứ chương trình nào trong DN, như ISO, Balanced scorecard (đo lường đánh giá hiệu quả hoạt động DN) hay ERP và ngay cả bây giờ khi DN muốn triển khai AI thì điều đầu tiên phải là sự quyết tâm của lãnh đạo. Người lãnh đạo phải là nhận ra được nhu cầu thay đổi này và đó là bước quan trọng nhất.
* Ông và các cộng sự đang hướng đến thành lập một tổ chức DN hạnh phúc, vậy, theo ông, điều gì sẽ khiến một tổ chức như vậy được xã hội công nhận, thay vì chỉ là một trào lưu tạm thời?
- Trong tuyên ngôn hạnh phúc của Vưu Lệ Quyên - Tổng giám đốc Biti’s viết, có một ý rất xúc động. Đó là cha ông ta đã đổ xương máu để có được độc lập và tự do. Thế hệ doanh nhân trẻ Việt Nam là người phải biết khai phá và giữ gìn hạnh phúc cho đất nước này. Vì độc lập, tự do và hạnh phúc là một trong 3 giá trị bất hủ nằm dưới quốc hiệu Việt Nam.
Và giá trị hạnh phúc là một hướng đi rất hợp lý và đúng đắn. Các DN Việt Nam không thể cạnh tranh với quốc tế về giá trị thương trường và tài chính nhưng giá trị hạnh phúc thì rất “có cửa”. Vì hạnh phúc quay về giá trị nền tảng của phương Đông. Ngay cả phương Tây cũng đang quay về phương Đông.
Giáo trình dạy thiền đang bán chạy nhất thế giới hiện nay có lẻ đó là “Search Inside Yourself” (giáo trình về Lãnh đạo tỉnh thức) của Google. Tỷ phú Bill Gates khi sang Việt Nam đã lên đỉnh Bàn Cờ, ngồi thiền và uống trà với nghệ nhân Hoàng Anh Sướng. Intel toàn thế giới nửa tiếng đều nghe chuông tỉnh thức ở tất cả các nhà máy… Và theo thống kê, hơn 12% người nước ngoài bắt đầu quan tâm thực hành tỉnh thức. Trong khi tất cả điều đó ở phương Đông.
Người Việt Nam chưa bắt đầu thực hiện trong khi, người phương Tây đã nhìn thấy điều đó rất rõ ràng. Nhưng vì là gốc rễ phương Đông nên khi chúng ta quay lại “chạy” thì chúng ta sẽ “chạy” nhanh hơn họ rất nhiều.
“
Một doanh nhân tỉnh thức chưa đủ làm nên một tổ chức hạnh phúc nếu gia đình và doanh nghiệp của họ không hạnh phúc.
Ông Lê Bá Thông
* Ông hình dung như thế nào về tương lai của cộng đồng doanh nhân Việt Nam nếu mô hình DN hạnh phúc được lan tỏa?
- Ngày xưa, Đức Phật Thích Ca đã thuyết pháp cho Cấp Cô Độc (nhà tư sản và nhà buôn) chính là tầng lớp doanh nhân, vì chính họ là tầng lớp sẽ làm thay đổi sự sống và diện mạo quốc gia. Và sư ông Thích Nhất Hạnh cũng làm như vậy. Muốn quốc gia mình hạnh phúc thì phải bắt đầu từ những DN. Nếu làm tốt việc này, đây là một con đường đúng đắn để giúp Việt Nam phát triển và xuất hiện nhiều DN bền vững, vì tận cùng của hạnh phúc chính là hình thành những tổ chức DN hạnh phúc.
Khi xây dựng DN hạnh phúc, nền tảng đầu tiên chính là DN có được một nguồn nhân lực bền vững, hiểu biết và phát huy tài năng. Thứ hai khi xây dựng một tổ chức hạnh phúc thì quy trình trong DN trở nên rõ ràng, mạch lạc, cảm thông và chạy xuyên suốt.
Khi xây dựng DN hạnh phúc tôn trọng và biết ơn, khách hàng sẽ trung thành với tổ chức đó. Và cuối cùng khi xây dựng một nền tài chính hiểu và thương và lòng biết ơn thì cũng có sự hỗ trợ mạnh mẽ của các tổ chức tài chính, của các nhà đầu tư cho DN đó. Nói trên góc nhìn quản trị hiện đại, khi phát triển văn hóa DN hạnh phúc thì 4 chỉ số (tài chính, khách hàng, quá trình nội bộ, học hỏi và phát triển) của DN đó sẽ phát triển đồng đều. Xây dựng DN hạnh phúc không phải chỉ là khẩu hiệu và giúp cho DN vui vẻ hoặc nhân viên trung thành hơn mà chắc chắn doanh thu, sự bền vững cũng như sự trung tâm của khách hàng sẽ được gia tăng.

* Ông có thông điệp gì muốn gửi đến các lãnh đạo DN về giá trị của một doanh nghiệp hạnh phúc để họ có thể hướng đến?
- Có hai thông điệp tôi muốn nhắn gửi, đó là chỉ có người lãnh đạo hạnh phúc mới xây dựng được tổ chức hạnh phúc, rồi từ những tổ chức hạnh phúc sẽ giúp phát triển một quốc gia hạnh phúc và thịnh vượng.
Các lãnh đạo doanh nghiệp cần thay đổi, tái cấu trúc bản thân, quản lý kỳ vọng theo góc nhìn của một người tỉnh thức.
* Vậy sau nhiều năm thực hành tỉnh thức thì ông đã thay đổi như thế nào trong cách nhìn nhận về thành công và thất bại?
- Những lãnh đạo tỉnh thức vẫn phải có chỉ tiêu và đạt chỉ tiêu. Vấn đề là khi không đạt chỉ tiêu thì thái độ họ như thế nào? Và khi đạt chỉ tiêu thì thái độ như thế nào? Có một thông điệp rất quan trọng chính là không biến khó khăn thành khổ đau. Khi đã điều hành một DN thì thế nào doanh nhân cũng phải đối mặt với khó khăn, nhưng người thực hành tỉnh thức là người không chuyển cái khó khăn thành khổ đau. Nếu không tỉnh thức thì họ luôn ôm cái khó khăn thành khổ đau, bất hạnh, hành hạ bản thân và hành hạ cả gia đình và vợ con vì một chuyện kỳ vọng trong DN. Khi thực hành tỉnh thức chính là thay đổi điều đó, tức là quản lý kỳ vọng.
* Hơn 30 năm điều hành DN, thành tựu lớn nhất mà ông đạt được là gì?
- Điều cụ thể nhất mà tôi tự hào đó là 3 người bạn ở TTT và Công ty vẫn bền vững sau 33 năm. Những năm gần đây, chúng tôi không còn điều hành DN để thực hiện những sứ mệnh còn lại của cuộc đời và TTT vẫn đang từng ngày phát triển bởi một thế hệ trẻ hơn, dù kinh tế thị trường những năm gần đây rất khó khăn. Nhìn lại, tôi rất hài lòng về điều đó.
TTT không gắn với tên cụ thể của chúng tôi mà là tên của một tập thể, chọn cho mình một con đường đi với sứ mệnh rất rõ ràng, đó là không chỉ làm ra những công trình đẹp mà còn khiến cuộc đời đẹp hơn.
Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ “làm ra những công trình đẹp”, còn bây giờ tiếp tục sứ mệnh “khiến cuộc đời đẹp hơn”.