Tiền vào chứng khoán nhiều chưa từng có
Trong ngày VN-Index lập đỉnh lịch sử, thanh khoản toàn thị trường lập kỷ lục mới với 52.000 tỷ đồng, vượt cả giai đoạn bùng nổ năm 2021.

Giá trị giao dịch trên cả 3 sàn lần đầu tiên chạm mốc 52.000 tỷ đồng. Ảnh: Phương Lâm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên giao dịch khởi sắc nhất 3 tháng trở lại đây, với việc chỉ số VN-Index tăng 26,29 điểm (+1,7%). Đà tăng giúp chỉ số lớn nhất thị trường chứng khoán trong nước đóng cửa ở mức 1.557,42 điểm, cao nhất từ trước đến nay.
Trước sự hưng phấn từ nhà đầu tư, dòng tiền với quy mô 52.000 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD) cuồn cuộn đổ vào 3 sàn giao dịch. Đây cũng là mức thanh khoản cao kỷ lục của thị trường chứng khoán Việt Nam, cao hơn cả giai đoạn bùng nổ vào tháng 11/2021.
Đáng chú ý, những diễn biến tích cực này xuất hiện đúng vào ngày thị trường chứng khoán Việt Nam kỷ niệm cột mốc 25 năm hình thành và phát triển.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng đồng thuận tăng lần lượt 9,23 điểm (+3,6%) lên 263,79 điểm và 1,17 điểm (+1,1%) lên 106,94 điểm.
Bảng điện tử ngập trong sắc xanh và tím với 611 mã tăng (gồm 74 mã tăng trần), 736 mã giữ tham chiếu và chỉ 257 mã giảm (gồm 9 mã giảm sàn).
Rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 cũng đóng góp 26 mã tăng (gồm SHB tăng trần), 3 mã giảm và duy nhất CTG đứng giá. Chỉ số đại diện rổ nhờ đó tiến sát mốc 1.700 điểm sau khi tăng hơn 26 điểm.
Động lực dẫn dắt thị trường trong phiên đầu tiên của tuần mới đến từ các mã VPB (+4,4%), VHM (+2%), VCB (+1,3%), VIC (+1,3%), SHB (tăng trần), LPB (+3,7%), BID (+1,4%), SSI (+5,3%), GEX (tăng trần) và EIB (+6%).

VN-Index thiết lập mức cao kỷ lục mới trong ngày thị trường chứng khoán Việt Nam tròn "25 tuổi". Ảnh: TradingView.
Phiên hôm nay, bộ đôi cổ phiếu nằm trong hệ sinh thái của gia đình Chủ tịch Đỗ Quang Hiển là SHB và SHS đồng loạt tăng trần.
Cả 2 mã tài chính này cùng ghi nhận thanh khoản giao dịch tăng đột biến, gấp 2-3 lần ngày thường. Trong đó, giá trị khớp lệnh của SHB vượt 2.100 tỷ đồng và là cổ phiếu được giao dịch sôi động thứ 2 trên quy mô toàn thị trường.
Hiện cả SHB và SHS đều đang đứng trước cơ hội vượt qua mức cao kỷ lục thiết lập vào năm 2021. Trong khi SHB cách đỉnh gần 3% thì giá trị SHS vẫn còn kém 20%.
Với trường hợp của SHS, động lực đưa cổ phiếu chứng khoán này lên cao đến từ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm ấn tượng.
Theo đó, công ty báo lãi trước thuế đạt 789 tỷ đồng, hoàn thành 58% kế hoạch năm. Hoạt động tự doanh tiếp tục là đầu tàu tăng trưởng, với khoản lợi nhuận 582 tỷ đồng từ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL). Danh mục đầu tư của SHS tập trung chính vào các cổ phiếu chiến lược thuộc nhóm bluechip ngành ngân hàng, tiêu dùng, năng lượng và hạ tầng, đều là những ngành có sóng mạnh trong giai đoạn thị trường phục hồi.
Ngoài tự doanh, SHS cũng ghi nhận doanh thu môi giới đạt 123 tỷ đồng và doanh thu từ cho vay margin và các khoản phải thu đạt 281 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.
Tổng tài sản của SHS đến cuối quý II đạt 17.328 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt 11.185 tỷ đồng, nền tảng vững chắc giúp công ty mở rộng hoạt động tài chính thời gian tới.
Trong khi đó, SHB mới nhận tin vui về việc được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận kế hoạch phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2024 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 13%.
Sau khi thực hiện chi trả, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng lên mức 45.942 tỷ đồng, giữ vững vị trí top 5 ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất hệ thống.
Chiều ngược lại, áp lực cản bước chỉ số yếu ớt hôm nay đến từ các mã VRE (-0,5%), PLX (-0,7%), FRT (-0,9%), BMP (-1,3%), SIP (-1%), PNJ (-0,5%), VSH (-1%), HVN (-0,2%), REE (-0,3%) và BCM (-0,1%).
Trong bối cảnh dòng tiền nội ào ạt đổ vào thị trường, khối ngoại lại tranh thủ cơ hội này để chốt lời. Tính đến hết phiên, khối ngoại đã bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng, tập trung tại các mã HPG (-416 tỷ đồng), FPT (-149 tỷ đồng), GVR (-106 tỷ đồng).
Ở danh mục mua vào, SHB đang dẫn đầu nhóm thu hút dòng tiền khối ngoại với 334 tỷ đồng, VNM (+75 tỷ đồng), LPB (+58 tỷ đồng).