Ông Elon Musk chạy đua xây dựng lá chắn tên lửa Vòm Vàng cho Mỹ
Công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk cùng hai đối tác khác đã nổi lên là những ứng viên hàng đầu để tham gia xây dựng hệ thống lá chắn tên lửa Vòm Vàng do Tổng thống Donald Trump khởi xướng.
Phóng từ 400 đến hơn 1.000 vệ tinh để phát hiện, theo dõi tên lửa
Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin cho hay SpaceX đang hợp tác với hãng phần mềm Palantir và nhà sản xuất thiết bị bay không người lái Anduril để xây dựng các phần then chốt thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Vàng. Đây là dự án thu hút sự quan tâm lớn từ các công ty công nghệ mới nổi trong lĩnh vực quốc phòng.

Tỷ phú Musk (trái) trình bày về tên lửa Starship do SpaceX chế tạo trước Tổng thống Donald Trump và giới chức Mỹ (Ảnh: Reuters).
Đáng chú ý, cả ba công ty trên đều do các doanh nhân từng ủng hộ chính trị cho ông Trump sáng lập. Trong đó, tỷ phú Musk đã đóng góp hơn 250 triệu USD để hỗ trợ ông Trump tái đắc cử và đang giữ vai trò cố vấn đặc biệt cho Tổng thống với mục tiêu cắt giảm chi tiêu công thông qua Ủy ban Hiệu quả Chính phủ (DOGE).
Trong những tuần gần đây, ba công ty này đã gặp gỡ các quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Trump và Lầu Năm Góc để trình bày kế hoạch xây dựng, phóng từ 400 đến hơn 1.000 vệ tinh nhằm phát hiện và theo dõi tên lửa, theo các nguồn tin.
Bên cạnh đó, một đội vệ tinh tấn công riêng biệt gồm 200 thiết bị được trang bị tên lửa hoặc tia laser sẽ đảm nhận tiêu diệt tên lửa đối phương. Tuy nhiên, SpaceX sẽ không tham gia quá trình trang bị vũ khí cho các vệ tinh.
Một số nguồn tin cho hay dù Lầu Năm Góc đã có những tín hiệu tích cực đối với liên minh của SpaceX nhưng quá trình lựa chọn nhà thầu cho dự án Vòm Vàng vẫn còn ở giai đoạn đầu. Kết quả cuối cùng có thể có sự thay đổi đáng kể trong vài tháng tới.

Mỹ: Phóng tên lửa SpaceX đưa phi thuyền tuyệt mật vào không gianĐỌC NGAY
Đáng chú ý, SpaceX đang đề xuất mô hình Đăng ký sử dụng đối với hệ thống lá chắn tên lửa Vòm Vàng, theo đó Chính phủ Mỹ sẽ chi trả tiền để sử dụng công nghệ thay vì sở hữu toàn bộ hệ thống.
Hai nguồn tin cho hay mô hình này có thể giúp rút ngắn thời gian triển khai do tránh được một số thủ tục mua sắm phức tạp của Lầu Năm Góc.
Tuy nhiên, mô hình này có thể khiến Chính phủ Mỹ không thể kiểm soát quá trình phát triển và định giá hệ thống về sau.
Bên cạnh đó, một số nghị sĩ đảng Dân chủ quan ngại việc tỷ phú Musk tham gia đấu thầu hợp đồng liên bang khi đang giữ vị trí trong Chính phủ.
"Việc người giàu nhất thế giới trở thành nhân viên chính phủ đặc biệt và có thể tác động để hàng tỷ USD tiền thuế đổ vào công ty của mình chính là vấn đề nghiêm trọng", Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen, thành viên cấp cao Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, phát biểu.
Bà Shaheen đồng thời đề xuất dự luật nhằm cấm trao hợp đồng liên bang cho các công ty thuộc sở hữu của nhân viên chính phủ đặc biệt như ông Musk.
Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Donald Beyer lại bày tỏ quan ngại việc ông Musk nhận được quyền tiếp cận chưa từng có với thông tin mật và dữ liệu không công khai. Chính vì thế, bất kỳ hợp đồng nào được trao cho tỷ phú Musk hay các công ty của ông đều rất đáng ngờ.
Hơn 180 hồ sơ dự thầu
Nếu nhóm của SpaceX giành được hợp đồng cho dự án Vòm Vàng, đây sẽ là chiến thắng lớn nhất của Thung lũng Silicon trong ngành công nghiệp quốc phòng, đồng thời là đòn giáng mạnh vào các nhà thầu truyền thống.
Tuy nhiên, các nhà thầu kỳ cựu như Northrop Grumman, Boeing và RTX vẫn được cho là sẽ đóng vai trò quan trọng trong dự án. Lockheed Martin thậm chí đã tung trang web riêng để tiếp thị sản phẩm.

Hệ thống lá chắn tên lửa Vòm Vàng được kỳ vọng sẽ có hiệu quả đánh chặn tốt như Vòm Sắt của Israel (Ảnh: LDD).
Ngoài ra, một quan chức Mỹ tiết lộ Lầu Năm Góc đã nhận được sự quan tâm từ hơn 180 công ty muốn tham gia xây dựng Vòm Vàng, bao gồm cả các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực quốc phòng như Epirus, Ursa Major và Armada.
Được biết, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Steve Feinberg sẽ là người ra quyết định then chốt trong dự án Vòm Vàng. Ông Feinberg là đồng sáng lập Cerberus Capital Management, từng đầu tư vào ngành công nghiệp tên lửa siêu thanh.

Ông Trump muốn xây dựng lá chắn tên lửa kiểu Vòm Sắt trên khắp nước MỹĐỌC NGAY
Một số chuyên gia dự đoán chi phí tổng thể cho Vòm Vàng có thể lên tới hàng trăm tỷ USD. Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch triển khai theo từng giai đoạn, bắt đầu từ đầu năm 2026 đến sau năm 2030.
Các nguồn tin cho hay, SpaceX đang tham gia triển khai lớp giám sát, bao gồm một chòm vệ tinh phát hiện, theo dõi và xác định tên lửa đang bay về phía Mỹ.
Chi phí thiết kế kỹ thuật sơ bộ cho lớp vệ tinh này được ước tính từ 6-10 tỷ USD. Trong 5 năm qua, SpaceX đã phóng hàng trăm vệ tinh do thám và gần đây là nhiều mẫu thử có thể được cải tiến cho dự án này.
Theo các nguồn tin, lợi thế về tên lửa Falcon 9 và các vệ tinh hiện có nhiều khả năng giúp SpaceX đi trước các đối thủ trong cuộc chạy đua sở hữu hợp đồng xây dựng Vòm Vàng.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn nghi ngờ liệu nhóm SpaceX có thể triển khai một hệ thống sử dụng công nghệ mới, hiệu quả về chi phí và đủ khả năng bảo vệ nước Mỹ hay không.
Bà Laura Grego, Giám đốc nghiên cứu tại Liên minh Các nhà khoa học nghi ngờ tính khả thi của hệ thống Vòm Vàng với lý do nhiều nghiên cứu trước đó đã kết luận đây là một "ý tưởng tồi, tốn kém và dễ bị tổn thương".
"Chỉ cần đối phương phóng nhiều tên lửa cùng lúc, hệ thống sẽ bị quá tải và yêu cầu số lượng vệ tinh phòng thủ khổng lồ có thể lên đến hàng chục nghìn chiếc", bà Grego nói thêm.