Ông Đinh Thanh Tâm, CEO Địa ốc Đà Lạt sẽ làm gì khi trở thành cổ đông lớn của CIC Group?

Sau khi giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT của CIC Group, ông Đinh Thanh Tâm đã chi hơn trăm tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn thứ hai ở đây.

Địa ốc Đà Lạt thua lỗ triền miên, âm vốn chủ sở hữu, cổ phiếu bị hạn chế giao dịch

Tiền thân của Công ty Cổ phần Địa ốc Đà Lạt (Địa ốc Đà Lạt, DalatReal) là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập vào năm 1993 và cổ phần hóa từ năm 2008. Cổ phiếu DLR của công ty giao dịch tại sàn UPCoM của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) từ 20/5/2010.

Tại thời điểm lên sàn UPCoM, Địa ốc Đà Lạt có 4 cổ đông lớn, gồm: UBND tỉnh Lâm Đồng sở hữu 30% vốn điều lệ, Công ty Cổ phần Địa ốc Chợ Lớn (Cho Lon Res, HNX: CLR) sở hữu 5,65%; Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Sài Gòn Vina (EVN Land Saigon, UPCoM: LSG) sở hữu 6,42%, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB) sở hữu 5,97%.

Do có vốn góp của UBND tỉnh Lâm Đồng nên Địa ốc Đà Lạt là doanh nghiệp trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng. Công ty sở hữu quỹ đất có giá trị rất lớn tại tỉnh Lâm Đồng.

Tại thời điểm 31/12/2009, Địa ốc Đà Lạt sở hữu quỹ đất có diện tích 75.764 m2 gồm 63.273 m2 là đất biệt thự (27 căn biệt thự) và 12.491 m2 là đất nhà phố (8 căn nhà phố), văn phòng, xí nghiệp. Các bất động sản trên được công ty khai thác hoặc cho thuê kinh doanh mang lại nguồn thu cao và ổn định.

Trụ sở Công ty Cổ phần Địa ốc Đà Lạt (Ảnh: DalatReal).

Trụ sở Công ty Cổ phần Địa ốc Đà Lạt (Ảnh: DalatReal).

Công ty cho biết, các bất động sản này có mức giá giao vốn tại thời điểm cổ phần hóa thấp. Do đó, nếu tiến hành đánh giá lại thì giá trị định giá sẽ tạo nên một khoản thặng dư rất lớn so với giá trị sổ sách của các bất động sản hiện nay của công ty.

Nhờ quỹ đất dồi dào nên hoạt động cho thuê bất động sản luôn chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu và lợi nhuận của Địa ốc Đà Lạt. Thậm chí, đây là hoạt động “cứu cánh” cho toàn công ty.

Dù sở hữu lợi thế lớn nhưng hoạt động kinh doanh của Địa ốc Đà Lạt rất trầy trật. Công ty có nhiều năm liên tục từ 2016 - 2022 thua lỗ với số lỗ lũy kế 69 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu 17 tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2022.

Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động kinh doanh của Địa ốc Đà Lạt có khởi sắc nhưng lợi nhuận đạt được chỉ ở mức vài trăm triệu đồng. Năm 2023, công ty báo lãi 376 triệu đồng; trong 6 tháng đầu năm 2024, công ty báo lãi 211 triệu đồng. Điều này giúp công ty thu hẹp lỗ lũy kế còn 68,7 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu còn âm 16,5 tỷ đồng vào thời điểm 30/6/2024.

Sau thời gian lên sàn chứng khoán, cổ đông của Địa ốc Đà Lạt liên tục thay đổi, các cổ đông lớn ban đầu lần lượt thoái vốn. Hiện nay, cổ đông lớn của công ty là ông Trịnh Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT sở hữu 1.323.036 cổ phiếu, tỷ lệ 29,4% và ông Đinh Thanh Tâm, Tổng Giám đốc sở hữu 1.102.500 cổ phiếu, tỷ lệ 24,5%.

Ở thời điểm hiện tại, cổ phiếu DLR của Địa ốc Đà Lạt bị HNX duy trì diện hạn chế giao dịch do không họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2 năm tài chính gần nhất; Tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2023; Âm vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính năm 2023. Hiện, cổ phiếu DLR đang ở mức 11.900 đồng/cổ phiếu nên vốn hóa của Địa ốc Đà Lạt đạt 53,55 tỷ đồng.

CIC Group có phải “miếng mồi ngon”?

Nếu Địa ốc Đà Lạt là doanh nghiệp “hạt nhân” của tỉnh Lâm Đồng thì Công ty Cổ phần Tập đoàn Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Kiên Giang (CIC Group) là đứa “con cưng” tỉnh Kiên Giang trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng...

Tuy vậy, hai doanh nghiệp này có điểm khác biệt là Địa ốc Đà Lạt thua lỗ triền miên còn CIC Group liên tục báo lãi dù thị trường bất động sản rơi vào tình trạng khó khăn. Đến ngày 6/8/2024, vốn điều lệ, vốn hóa của CIC Group lần lượt gấp 21,2 lần và 42,3 lần so với Địa ốc Đà Lạt. Cổ phiếu DLR chìm nghỉm ở UPCoM còn cổ phiếu CKG của CIC Group niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE).

Tiền thân của CIC Group là Công ty Tư vấn Xây dựng Kiên Giang là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập năm 1992, trên cơ sở hợp nhất Xí nghiệp Thiết kế Thủy lợi thuộc Sở Thủy lợi, Xí nghiệp Thiết kế dân dụng thuộc Sở Xây dựng và Đội Khảo sát Thiết kế Giao thông thuộc Sở Giao thông Kiên Giang. Công ty được cổ phần hóa từ năm 2006.

Là đứa “con cưng” của tỉnh Kiên Giang, CIC Group dẫn đầu thị phần tại tỉnh này trong hoạt lĩnh vực tư vấn, thiết kế, xây dựng và đầu tư kinh doanh bất động sản trên địa bàn.

CIC Group đã đầu tư một số dự án bất động sản lớn ở Kiên Giang như: Khu biệt thự cao cấp Seaview; chợ Bách hóa Rạch Sỏi; khu dân cư đường Trần Quang Khải; trung tâm hội nghị tiệc cưới Royal Palace; khu dân cư Hoa Biển (16 ha); khu dân cư bến xe tỉnh Kiên Giang; nhà ở xã hội 444 Ngô Quyền…

Công ty đang thực hiện một số dự án như: khu dân cư phường An Bình (22,6 ha); dự án Hoa viên Nghĩa trang nhân dân Kiên Giang (40,22ha); dự án khu đô thị mới lấn biển Tây Bắc Rạch Giá (99ha) khu dân cư Nam An Hòa giai đoạn 1 (14,52 ha); khu dân cư chợ nông hải sản - trung tâm thương mại Rạch Giá (6,39ha) tuyến dân cư đường số 2 phường Vĩnh Quang (10,96 ha); khu biệt thự cao cấp xã Cửa Dương - Búng Gội 1 (6,9 ha); dự án khu biệt thự cao cấp Phú Quốc Riverside Villas (5,7ha).

Theo báo cáo thường niên 2023, công ty còn đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư, đền bù giải tỏa mặt bằng và dự kiến triển khai 8 dự án với tổng diện tích 78,8 ha, tổng vốn đầu tư hơn 8.200 tỷ đồng.

Với quỹ đất lớn, dư địa phát triển còn rất lớn nên CIC Group được các “đại gia” khắp cả nước nhòm ngó. Bằng chứng là vào năm 2023, công ty tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên (đại hội) đến 2 lần nhưng vẫn thất bại với nguyên nhân từ việc HĐQT CIC Group không đáp ứng yêu cầu của 5 nhóm cổ đông mới.

Theo đó, 5 nhóm cổ đông sở hữu 28.794.620 cổ phiếu CKG, tỷ lệ 30,21% vốn điều lệ của CIC Group tự ứng cử, đề cử thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026 và bãi nhiệm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026 nhưng không được HĐQT CIC Group - đại diện là ông Trần Thọ Thắng - đưa vào chương trình đại hội.

Năm 2024, đại hội của CIC Group đã thành công nhờ công ty “đáp ứng” yêu cầu của các nhóm cổ đông mới. Đại hội có sự tham dự của 56 cổ đông và đại diện cổ đông sở hữu 83.464.090 cổ phiếu, tỷ lệ 87,6177% (bình quân mỗi cổ đông sở hữu 1.490.430 cổ phiếu, tỷ lệ 15,646%).

Cụ thể, ông Đinh Thanh Tâm, ông Nguyễn Xuân Dũng, ông Đinh Thanh Thảo, ông Trần Văn Vinh đã trúng cử vào HĐQT và ông Võ Văn Ý trúng cử vào BKS của CIC Group nhiệm kỳ 2021-2026. Sau đó, ông Đinh Thanh Tâm giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT, ông Võ Văn Ý giữ chức Trưởng BKS.

Ông Đinh Thanh Tâm chi hơn 120 tỷ đồng mua 5 triệu cổ phiếu CKG

Ông Đinh Thanh Tâm báo cáo đã thực hiện mua 5 triệu cổ phiếu CKG để đầu tư. Được biết trước đó, ông Đinh Thanh Tâm không giữ cổ phiếu CKG. Để thực hiện giao dịch trên, ông cần chi hơn 120 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần vốn hóa của Địa ốc Đà Lạt - nơi ông Đinh Thanh Tâm đang giữ chức Tổng Giám đốc.

Sau giao dịch này, cổ đông lớn của CIC Group là ông Nguyễn Xuân Dũng, thành viên HĐQT, sở hữu 9.162.460 cổ phiếu, tỷ lệ 9,62%; ông Trần Thọ Thắng, Chủ tịch HĐQT, sở hữu 8.912.474 cổ phiếu, tỷ lệ 9,36% và ông Đinh Thanh Tâm, Phó Chủ tịch HĐQT, sở hữu 5 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 5,25%.

Ông Đinh Thanh Tâm (thứ hai từ trái qua phải) nhận hoa từ ông Trần Thọ Thắng, Chủ tịch HĐQT CIC Group (Ảnh: CIC Group).

Ông Đinh Thanh Tâm (thứ hai từ trái qua phải) nhận hoa từ ông Trần Thọ Thắng, Chủ tịch HĐQT CIC Group (Ảnh: CIC Group).

Thông tin các thành viên HĐQT và BKS vừa trúng cử của CIC Group

Ông Đinh Thanh Tâm (sinh 1978, quê Quảng Trị) có bằng Cử nhân Luật. Ông bắt đầu giữ chức Tổng Giám đốc Địa ốc Đà Lạt từ 9/2/2021 đến nay. Có 6 cổ đông sở hữu 4.880.600 cổ phiếu CKG, tỷ lệ 5,12% vốn điều lệ của CIC Group đề cử ông làm ứng viên thành viên HĐQT CIC Group.

Ông Nguyễn Xuân Dũng (1980, quê Nghệ An) có bằng Quản trị kinh doanh của Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông đang giữ chức Giám đốc Công ty Cổ phần Dược TIC Việt Nam và Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp Soundton. Ông tự ứng cử làm thành viên HĐQT CIC Group do sở hữu 9.162.460 cổ phiếu CKG, tỷ lệ 9,6%.

Ông Đinh Thanh Thảo (1964, quê Hưng Yên) có bằng Cử nhân Luật của Đại học Cảnh sát nhân dân và đang nghỉ hưu. Ông từng công tác tại trại giam Hoàng Tiến cục V26 Bộ Công an, Phòng CSGT Công an Hà Nội. Ông được 3 cổ đông sở hữu 5.012.460 cổ phiếu, tỷ lệ 5,26% đề cử.

Ông Trần Văn Vinh (quê TP. Hồ Chí Minh) có bằng Cử nhân Kinh tế và đã nghỉ hưu. Ông từng công tác tại Nhà máy giấy Quốc doanh Thủ Đức (1980-1995), Công ty Cơ khí Quang Trung (1995-2003), Công ty Cổ phần Giấy Xuân Đức (2003-2014), Công ty Giấy Phúc Thịnh Phát (2014-2019). Ông được 5 cổ đông sở hữu 4.774.980 cổ phiếu CKG, tỷ lệ 5,01% đề cử.

Ông Võ Văn Ý (1994, quê Quảng Ngãi) có bằng Cử nhân Luật. Ông đã từng làm việc tại Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen, Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Đất Xanh Miền Nam và đang làm việc tại Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Dakao, Công ty TNHH Maslaw. Ông được 5 cổ đông sở hữu 4.964.120 cổ phiếu CKG, tỷ lệ 5,21% đề cử.

Tiến Phòng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ong-dinh-thanh-tam-ceo-dia-oc-da-lat-se-lam-gi-khi-tro-thanh-co-dong-lon-cua-cic-group-337980.html
Zalo