Ông Công, ông Táo là ai và sự tích ngày 23 tháng Chạp
Sự tích ông Táo về trời hay còn gọi sự tích Táo quân là câu chuyện cảm động về tình nghĩa vợ chồng, qua đó giải thích tục lệ cổ truyền của người Việt cúng ông Công, ông Táo vào 23 tháng Chạp hằng năm.
Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, 3 vị thần được các gia chủ thờ phụng là thần Đất, thần Nhà, thần Bếp (Táo quân), mọi người quen gọi là ông Công, ông Táo. Câu chuyện về sự tích ông Công, ông Táo bắt đầu từ câu chuyện dân gian đầy xúc động về tình nghĩa vợ chồng với nhiều bản kể khác nhau. Theo một bản kể: Ngày xửa ngày xưa có hai vợ chồng là Trọng Cao và Thị Nhi lấy nhau đã lâu mà không có con, vì thế họ sinh ra lục đục. Một ngày nọ, Trọng Cao nặng lời với vợ, khiến nàng tủi hổ và giận dữ bỏ đi.
Nàng đi đến một làng ở rất xa và lấy người khác ở đó. Mặc dù được người chồng mới là Phạm Lang hết mực yêu thương nhưng Thị Nhi vẫn không thể nào quên Trọng Cao.
Về phần Trọng Cao, chàng đau khổ, dằn vặt và bỏ nhà đi tìm Thị Nhi. Khi số tiền mang theo cạn kiệt, Trọng Cao phải ăn xin. Nhiều ngày đói khát lại thêm ốm đau vất vả khiến Trọng Cao bị lòa hai mắt.
Một hôm, tình cờ Trọng Cao đến nhà Phạm Lang. Khi đó, Phạm Lang đang đi làm đồng, Thị Nhi ra đưa cho kẻ ăn xin chút của bố thí. Nàng chợt nhận ra người ăn xin đó chính là chồng cũ của mình. Trong khi Trọng Cao mù lòa nên không hề hay biết.
Thị Nhi đãi Trọng Cao một bữa thịnh soạn, cơm nước xong, Trọng Cao thiếp đi. Thị Nhi giấu chồng cũ vào dưới đống rơm góc vườn.
Tối đến, Phạm Lang đi làm đồng về, châm lửa đốt đống rơm để lấy tro làm phân. Lúc Thị Nhi trông thấy đống rơm bốc cháy thì liền lao vào đống lửa. Phạm Lang thấy vậy cũng nhảy vào theo định cứu vợ ra nhưng thảm thay, cả ba người đều chết cháy trong đống rơm đó.
Cảm động trước tình nghĩa của ba người, Ngọc Hoàng phong cho họ làm Táo quân xuống cai quản việc nhà cửa, bếp núc trong mỗi gia đình. Từ đó, họ trở thành biểu tượng cho sự hòa thuận, đoàn tụ và tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình.
Trong bộ ba đó, Phạm Lang là Thổ công trông nom việc trong bếp, Trọng Cao là Thổ địa trông coi việc trong nhà và người vợ Thị Nhi là Thổ kỳ trông coi việc chợ búa.
Cứ đến ngày 23 tháng Chạp hằng năm, ba vị Táo quân sẽ lên thiên đình để bẩm báo Ngọc Hoàng về chuyện nhân gian. Do vậy, vào ngày này, người Việt thường sắm sửa một mâm cỗ cúng để hy vọng ba vị sứ giả sẽ tâu những điều tốt, điều thiện của mình. Người Việt cũng có tục thả cá chép ra sông vì tin rằng táo quân cưỡi cá chép về trời.