Ông chủ Tập đoàn Tuấn Ân được hàng chục Giám đốc giúp sức thế nào?
Liên quan vụ án 'Đưa, nhận hối lộ' xảy ra tại Tập đoàn Tuấn Ân và Công ty Điện lực Bình Phước, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đề nghị truy tố 28 bị can. Trong đó, bị can Trần Ngọc Linh, Nguyễn Thanh Ngôn (cùng là cựu Giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận) bị đề nghị truy tố tội 'Nhận hối lộ'.
Bị can Huỳnh Tuấn Ân (Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tuấn Ân” bị đề nghị truy tố về các tội “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo kết quả điều tra, Huỳnh Tuấn Ân chỉ đạo nâng giá bán các sản phẩm do Tập đoàn Tuấn Ân sản xuất, rồi bán vòng quanh trong tập đoàn này trước khi bán cho các công ty điện lực theo giá trúng thầu. Các hàng hóa, thiết bị của Tập đoàn Tuấn Ân được nâng giá lên tới 40 - 45%.

Ông chủ Tập đoàn Tuấn Ân - Bị can Huỳnh Tuấn Ân
Để che giấu doanh thu này, giảm số thuế phải nộp, Huỳnh Tuấn Ân chỉ đạo kế toán sử dụng 2 hệ thống sổ sách. Trong đó, hệ thống hạch toán nội bộ kê khai thực tế chi phí sản xuất, lợi nhuận thu được. Hệ thống sổ sách dùng để báo cáo thuế sử dụng hóa đống khống để tăng chi phí đầu vào, giảm lợi nhuận.
Với việc lập 2 sổ kế toán nên trên, từ năm 2018 - 2023, 26 Công ty thuộc hệ thống Tập đoàn Tuấn Ân đã hạch toán trên sổ nội bộ Excel với lợi nhuận để ngoài sổ kế toán thuế 544 tỷ đồng và gây thiệt hại về thuế 156 tỷ đồng. Trong đó, thuế giá trị gia tăng là hơn 48 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp là hơn 107,7 tỷ đồng.
Bị can Huỳnh Tuấn Ân chỉ đạo các nhân sự tại Công ty Tuấn Ân Long An gồm: Nguyễn Hoàng Vũ (Giám đốc), Phan Thanh Thuận (Kế toán trưởng) và các nhân viên kế toán mua hơn 1.100 hóa đơn khống của 11 công ty cung cấp mặt hàng nguyên liệu sản xuất.
Vào cuối hàng tháng, Phan Thanh Thuận chỉ đạo Trương Thị Thúy Ngọc (nhân viên kế toán tổng hợp) tiến hành kiểm tra, đối chiếu số liệu mua nguyên liệu đầu vào và thành phẩm bán ra. Đồng thời, căn cứ định mức phân bổ để tính giá thành các mặt hàng.
Từ đó, Ngọc xác định số nguyên liệu đầu vào còn thuế và lập phiếu đề nghị mua nguyên liệu bổ sung trình Phan Thanh Thuận ký, chuyển Ban kiểm soát nội bộ kiểm tra rồi trình Huỳnh Tuấn Ân duyệt. Cuối cùng, chuyển nhân viên liên hệ các công ty bán hóa đơn.
Theo chỉ đạo của cấp trên, các nhân viên của Tuấn Ân liên hệ với Giám đốc 11 công ty chuyên cung cấp nguyên liệu đầu vào thỏa thuận mua hóa đơn với chi phí từ 5 - 8%.
Để hợp thức việc mua bán hóa đơn, 11 công ty phải trả tiền trước cho Công ty Tuấn Ân Long An theo hóa đơn bán hàng (sau khi đã trừ đi chi phí xuất hóa đơn). Việc thanh toán có thể bằng tiền mặt hoặc chuyển tiền vào tài khoản Huỳnh Thị Yến Phương (con gái Huỳnh Tuấn Ân).
Tiếp đó, Công ty Tuấn Ân Long An sẽ thực hiện việc thanh toán theo đúng tổng số tiền ghi trên hóa đơn bán hàng, bao gồm cả chi phí mua hóa đơn.
Đối với số tiền bán hàng chênh 20 - 40% so với giá bán thật, một phần Công ty Tuấn Ân Long An dùng để trả phí mua hóa đơn khống. Phần còn lại, Tập đoàn Tuấn Ân chuyển về các công ty thành viên để chi phí ngoại giao, chiết khấu và đưa vào lợi nhuận.
Tại Cơ quan điều tra (CQĐT), Lê Thị Phương Thảo (Giám đốc Công ty Tấn Thuận) thừa nhận từ năm 2021 - 2023, bị can này xuất bán 181 hóa đơn khống cho Công ty Tuấn Ân Long An với trị giá chưa thuế là hơn 124 tỷ đồng. Bị can Thảo hưởng lợi bất chính 8,7 tỷ đồng tiền bán hóa đơn, tương đương mức phí 7 - 8%.
Bị can Trương Thị Mỹ Thuận (Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hoa Mỹ) thừa nhận đã xuất bán 245 hóa đơn khống, trị giá trước thuế là hơn 92 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính 6,9 tỷ đồng (mức phí 7,5%).
Bị can Trần Minh Vũ (Giám đốc Công ty Duy Khang 68) thừa nhận đã bán 89 hóa đơn, trị giá trước thếu hơn 91 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính hơn 6,7 tỷ đồng. Bị can Vũ biết thực tế không có hoạt động mua bán hàng hóa giữa Công ty Duy Khang 68 và Công ty Tuấn Ân Long An nhưng vẫn xuất khống hóa đơn để thu lợi bất chính.
Riêng bị can Lý Mỹ Hằng (Giám đốc Công ty Xương Minh) không có mặt tại nơi cư trú nên chưa ghi lời khai được. Tuy nhiên, căn cứ tài liệu chứng chứ thu thập được nên CQĐT kết luận bị can Hằng xuất khống 4 hóa đơn cho Công ty Tuấn Ân Long An với mức phí 9% tổng giá trị hàng trước thuế, hưởng lợi 296 triệu đồng.
CQĐT ra quyết định truy nã và kêu gọi bị can ra đầu thú để được hưởng khoan hồng, hợp tác điều tra để đảm bảo quyền tự bào chữa. Trường hợp không ra trình diện hoặc đầu thú coi như từ bỏ quyền bào chữa và sẽ bị điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt.