'Ông chủ' các nhà băng nói gì về tác động thuế quan đến ngân hàng?

Trước rủi ro thuế quan vẫn chực chờ, việc nền kinh tế sẽ phải đối mặt với thách thức trong thời gian tới là tất yếu. Các ngân hàng sẽ chịu những tác động gì và có thể ứng phó như thế nào?

Đây là nội dung mà cổ đông của nhiều ngân hàng như SHB, TPBank, MSB, OCB... quan tâm và đặt câu hỏi với các lãnh đạo nhà băng trong mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025 đang diễn ra.

Dư nợ cho vay xuất khẩu chỉ chiếm trên 5%

Việt Nam đã chính thức bước vào cuộc đàm phán về thương mại song phương với Mỹ. Hai trưởng đoàn đàm phán thuế quan Việt - Mỹ cùng nhất trí sẽ duy trì trao đổi thường xuyên ở cấp trưởng đoàn đàm phán và cấp kỹ thuật để đẩy nhanh quá trình đàm phán đối với từng vấn đề cụ thể.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, nếu đàm phán thành công, thuế quan cũng khó kéo giảm về mức cũ. Rủi ro vẫn hiển hiện, nền kinh tế sẽ phải đối mặt với thách thức trong thời gian tới là tất yếu. Trong đó, ngành ngân hàng - vốn được xem là xương sống của nền kinh tế, dù không phải là nhóm có các hoạt động xuất khẩu trực tiếp vào Mỹ, cũng sẽ bị ảnh hưởng nhất định khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và hoạt động thương mại suy giảm.

Chuyên gia đánh giá, mỗi nhà băng sẽ có những tác động khác nhau phụ thuộc vào tệp khách hàng của ngân hàng đó. Các ngân hàng có dư nợ xuất nhập khẩu, doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn sẽ chịu tác động mạnh nhất. Một số ngân hàng đang tập trung đẩy mạnh tiếp cận nhóm FDI như VPBank, Techcombank, MB... cũng sẽ gặp những thách thức ngắn hạn trong việc mở rộng tín dụng mảng này. Trong khi đó, một số nhà băng có tỷ trọng cho vay nhóm khách hàng xuất nhập khẩu thấp sẽ ít bị ảnh hưởng.

Tác động thuế quan của Mỹ đối với các ngân hàng Việt sẽ không quá lớn do tổng dư nợ cho vay xuất khẩu chỉ chiếm trên 5% dư nợ toàn hệ thống, dư nợ các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 2%.

Tác động thuế quan của Mỹ đối với các ngân hàng Việt sẽ không quá lớn do tổng dư nợ cho vay xuất khẩu chỉ chiếm trên 5% dư nợ toàn hệ thống, dư nợ các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 2%.

Ở góc nhìn khác, Công ty Chứng khoán VCBS đánh giá tác động thuế quan của Mỹ đối với các ngân hàng Việt sẽ không quá lớn do tổng dư nợ cho vay xuất khẩu chỉ chiếm trên 5% dư nợ toàn hệ thống, dư nợ các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 2%.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 được tổ chức ngày 24/4, Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng, cho biết hiện tổng dư nợ tín dụng của TPBank đối với các khách hàng xuất nhập khẩu có liên quan đến thị trường xuất khẩu sang Mỹ khoảng 10.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh số từ thị trường Mỹ cũng chỉ chiếm dưới 20% của các doanh nghiệp này. Vì vậy, Tổng giám đốc TPBank khẳng định: Mức độ ảnh hưởng từ chính sách thuế quan của Mỹ đến ngân hàng không quá lớn. Trong trường hợp doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó khăn khi họ muốn chuyển đổi, cơ cấu lại, ngân hàng sẽ xem xét hỗ trợ.

Cũng là việc Mỹ áp thuế đối ứng đối với Việt Nam sẽ tác động tới ngân hàng ra sao, trao đổi với cổ đông tại ĐHĐCĐ năm 2025 của MSB vừa diễn ra, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB thông tin, ngân hàng đã quản lý danh mục một cách thận trọng.

Theo đó, tổng dư nợ của MSB hiện tại hơn 191.000 tỷ đồng, trong đó các ngành chịu ảnh hưởng từ xuất khẩu sang thị trường Mỹ như sản phẩm gỗ, cá tra, dệt may, hóa chất, máy ảnh, điện thoại, linh kiện… chiếm khoảng 39.000 tỷ đồng, tương đương 9,5% tổng dư nợ.

Trong khoảng thời gian 90 ngày tạm hoãn thuế quan, MSB cũng đã có đánh giá về rủi ro của các trường hợp này trong điều kiện xấu nhất.

Ngân hàng "bật chế độ" sẵn sàng ứng phó

Mặc dù dư nợ cho vay xuất khẩu thấp, song lãnh đạo các ngân hàng cũng khẳng định sự thận trọng, nhưng không bi quan. Ông Hưng cho biết, TPBank đã rà soát và xem xét cẩn trọng các khoản tín dụng mới, đặc biệt là những khoản tín dụng liên quan đến xuất khẩu sang Mỹ, như nông sản và thủy sản.

Tại ĐHĐCĐ được tổ chức ngày 22/4, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chia sẻ: “Về vấn đề thuế của Mỹ, cách đây một tuần, tôi trực tiếp làm việc với Đại sứ Mỹ ngay tại văn phòng, trao đổi không chỉ về các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, mà còn về lĩnh vực ngân hàng và SHB nói riêng".

Lãnh đạo SHB chia sẻ thêm, việc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ đã tìm ra những giải pháp phù hợp để cân bằng lợi ích giữa các bên, giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Mỹ.

Tại SHB có tỷ trọng nhóm khách hàng xuất khẩu không lớn, nên mức độ ảnh hưởng không nhiều. Tuy nhiên, SHB vẫn có các kịch bản sẵn sàng để ứng phó. “Dù chính sách thuế quan của Mỹ tác động lớn hay nhỏ tới doanh nghiệp Việt Nam, SHB vẫn phải quan tâm. Không chỉ vì ngân hàng, mà SHB luôn quan niệm phải đồng hành cùng khách hàng, cùng vượt qua khó khăn, cùng phát triển”, ông Hiển nói.

Trong khi đó, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), cho rằng dù có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động ngân hàng và kinh tế vĩ mô, mức độ tác động sẽ ở mức vừa phải.

Ông Tuấn cũng kỳ vọng Việt Nam sẽ đàm phán được một mức thuế phù hợp với Mỹ, mức thuế “đồng hạng” với các quốc gia xuất khẩu cùng ngành như Ấn Độ, Indonesia hay Bangladesh trong các lĩnh vực dệt may, da giày, đồ gỗ… Đây là cơ sở để Việt Nam duy trì năng lực cạnh tranh và mở rộng xuất khẩu, thay vì rơi vào tình trạng “đóng băng”.

Quan trọng hơn, ông nhấn mạnh việc cần nhìn lại năng lực nội tại để phát triển thị trường mới, giảm phụ thuộc vào một thị trường truyền thống.

Dù vậy, Chủ tịch OCB bày tỏ niềm tin vào sự chuyển mình của đất nước, kỳ vọng nền kinh tế sẽ bước vào kỷ nguyên vươn mình. Trong bối cảnh đó, ngành ngân hàng sẽ là nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi đầu tiên từ sự ổn định vĩ mô và tăng trưởng.

Theo đó, năm nay, OCB đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 33%. Sở dĩ nhà băng này đặt kế hoạch tích cực trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều thách thức, bởi từ kinh nghiệm kinh doanh vài chục năm tại Việt Nam, ông Tuấn cho biết thị trường tài chính từng trải qua nhiều giai đoạn khó khăn. Dù vậy, OCB đã vươn lên từ một ngân hàng nhỏ với lợi nhuận vài chục tỷ đồng mỗi năm thành ngân hàng quy mô trung bình với mức tăng trưởng 60-70%, thậm chí có năm tăng gấp đôi.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/ong-chu-cac-nha-bang-noi-gi-ve-tac-dong-thue-quan-den-ngan-hang-1106374.html
Zalo