Ông Abe Shinzo - chính trị gia kiệt xuất, người bạn lớn của Việt Nam

Cựu Thủ tướng Abe Shinzo, một chính trị gia kiệt xuất, một người bạn thân thiết của Việt Nam, đã bất ngờ ra đi sau vụ tấn công bằng súng kinh hoàng. Sự kiện này đã làm chấn động thế giới và để lại cho nhiều người niềm tiếc thương sâu sắc.

Thủ tướng Abe Shinzo phát biểu trong một sự kiện hướng tới Thế vận hội Tokyo 2020, tại Tokyo, tháng 8/2013. (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Abe Shinzo phát biểu trong một sự kiện hướng tới Thế vận hội Tokyo 2020, tại Tokyo, tháng 8/2013. (Ảnh: Reuters)

Ông Abe Shinzo sinh ngày 21/9/1954 tại thủ đô Tokyo, trong một gia đình có truyền thống chính trị. Ông ngoại của ông là Kishi Nobusuke, người đảm nhiệm vị trí Thủ tướng Nhật Bản từ năm 1957 đến năm 1960. Cha của ông là Shintaro Abe, người giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản từ năm 1982 đến năm 1986.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Seikei (Tokyo) tháng 7/1977, ông Abe đã có một thời gian làm việc tại Công ty Thép Kobe (KOBELCO) trước khi được tuyển dụng vào Bộ Ngoại giao Nhật Bản năm 1982. Đến năm 1987, ông kết hôn với bà Akie Matsuzaki.

Ông Abe và vợ trong lễ cưới tại Tokyo, năm 1987. Đứng bên cạnh hai vợ chồng ông Abe là cựu Thủ tướng Nhật Bản Takeo Fukuda và phu nhân Mie. (Ảnh: Kyodo/AP)

Ông Abe và vợ trong lễ cưới tại Tokyo, năm 1987. Đứng bên cạnh hai vợ chồng ông Abe là cựu Thủ tướng Nhật Bản Takeo Fukuda và phu nhân Mie. (Ảnh: Kyodo/AP)

Năm 1993, ông Abe chính thức bước chân vào chính trường Nhật Bản khi lần đầu được bầu làm Hạ nghị sĩ. Sau khi trúng cử, ông và một số nghị sĩ Nhật Bản khác đã tới thăm Việt Nam.

Gia nhập chính trường, ông Abe đã trải qua nhiều vị trí quan trọng trong Chính phủ và đảng Dân chủ Tự do (LDP) như Phó Chánh Văn phòng Nội các trong giai đoạn 2000-2002, Tổng Thư ký LDP năm 2003 và Chánh Văn phòng Nội các năm 2005.

Tháng 9/2006, ông được bầu làm Chủ tịch LDP và trở thành Thủ tướng thứ 90 của Nhật Bản. Khi đó, ông mới 52 tuổi và là vị Thủ tướng trẻ nhất của Nhật Bản thời hậu chiến.

Thủ tướng Abe Shinzo cùng các thành viên Nội các Nhật Bản chụp ảnh tại Văn phòng Thủ tướng tại Tokyo, ngày 26/9/2006. (Ảnh: AP)

Thủ tướng Abe Shinzo cùng các thành viên Nội các Nhật Bản chụp ảnh tại Văn phòng Thủ tướng tại Tokyo, ngày 26/9/2006. (Ảnh: AP)

Trong lần đầu tiên giữ vai trò người đứng đầu Chính phủ, ông Abe đã khởi xướng Đối thoại An ninh bốn bên - một cuộc đối thoại an ninh chiến lược có sự tham gia của bốn quốc gia - gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ (thường gọi là Nhóm Bộ tứ). Tuy nhiên, tháng 9/2007, ông đã từ chức Thủ tướng vì lý do sức khỏe.

Tháng 9/2012, ông Abe quay trở lại vị trí người đứng đầu LDP sau cuộc bầu cử Chủ tịch đảng này. Vào tháng 12 năm đó, ông đã dẫn dắt LDP giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện. Ngày 26/12/2012, ông Abe chính thức được bổ nhiệm làm Thủ tướng sau cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội.

Ngay sau khi trở lại nắm quyền, ông Abe lựa chọn Việt Nam là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Thủ tướng vào tháng 1/2013. Sau đó, ông còn có thêm hai chuyến thăm khác tới Việt Nam trên cương vị này.

Chiều 16/1/2013, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Abe Shinzo thăm chính thức Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 16/1/2013, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Abe Shinzo thăm chính thức Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 20/11/2019 đánh dấu ngày làm việc thứ 2.887 của ông Abe trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, theo đó, ông chính thức trở thành vị Thủ tướng tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản.

Điểm nhấn trong lần nắm quyền này của ông Abe là gói chính sách kinh tế mới mang tên Abenomics. Ngay cả khi ông Abe không còn giữ vị trí Thủ tướng nữa, hai người kế nhiệm ông là Thủ tướng Suga Yoshihide và Thủ tướng Kishida Fumio vẫn kế thừa và triển khai nhiều nội dung của Abenomics.

Đây là một tập hợp các biện pháp cải cách tiền tệ, tài chính, cơ cấu kinh tế hướng tới thúc đẩy tăng trưởng và đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài trong nhiều thập kỷ. Việc triển khai Abenomics đã giúp nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát khỏi vòng xoáy giảm phát, đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong 26 năm và tạo ra giai đoạn tăng trưởng liên tục dài thứ hai trong lịch sử thời hậu chiến cho Nhật Bản với 71 tháng tăng trưởng liên tiếp.

Tháng 8/2020, ông Abe một lần nữa tuyên bố từ chức Thủ tướng vì lý do sức khỏe. Tuy nhiên, sau khi rời nhiệm sở, ông Abe vẫn tích cực tham gia các hoạt động chính trị. Ngày 11/11/2021, ông trở thành nhà lãnh đạo của Seiwa Seisaku Kenkyukai - phái lớn nhất trong LDP.

Ông Abe phát biểu vận động ủng hộ ứng viên của LDP tại tỉnh Nara, trước khi ông bị bắn và qua đời ngày 8/7/2022. (Ảnh: Báo Asahi Shimbun)

Ông Abe phát biểu vận động ủng hộ ứng viên của LDP tại tỉnh Nara, trước khi ông bị bắn và qua đời ngày 8/7/2022. (Ảnh: Báo Asahi Shimbun)

Vào khoảng 11 giờ 30 phút ngày 8/7/2022 (theo giờ Tokyo), tại thành phố Nara, tỉnh Nara, miền tây Nhật Bản, ông Abe đã bị bắn từ phía sau trong lúc đang phát biểu để vận động tranh cử cho một ứng viên của LDP ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện Nhật Bản (ngày 10/7/2022). Cùng ngày, Bệnh viện Đại học Y Nara xác nhận ông đã qua đời vào lúc 17 giờ 3 phút.

Sự ra đi đột ngột của ông Abe đã để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng người dân Nhật Bản và thế giới.

Tin liên quan

Cuộc đời của cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo qua những hình ảnh đáng nhớ

H.H

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ong-abe-shinzo-chinh-tri-gia-kiet-xuat-nguoi-ban-lon-cua-viet-nam-post704795.html
Zalo