Ôn thi tốt nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long 'nóng' lên từng ngày

Nhiều trường học ở Đồng bằng sông Cửu Long bước vào giai đoạn tăng tốc ôn tập cho học sinh lớp 12.

Một tiết ôn tập tại Trường THCS - THPT Tân Lộc (Thới Bình, Cà Mau). Ảnh: Q.M

Một tiết ôn tập tại Trường THCS - THPT Tân Lộc (Thới Bình, Cà Mau). Ảnh: Q.M

Đồng thời chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 diễn ra an toàn, hiệu quả theo Chương trình GDPT 2018.

Khẩn trương ôn thi

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được xem là kỳ thi “2 trong 1” khi năm đầu học sinh thi theo Chương trình GDPT 2018, đồng thời là năm cuối cùng dành cho thí sinh học theo Chương trình GDPT 2006 thi lại. Thực tế này khiến công tác tổ chức và ôn luyện tại các địa phương thêm gấp rút, khẩn trương.

Ông Châu Văn Tuy - Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau, Cà Mau), cho biết, năm học 2024 - 2025, trường có hơn 500 học sinh lớp 12. Dựa trên kết quả các kỳ thi thử, trường điều chỉnh kế hoạch ôn tập phù hợp với từng nhóm học sinh.

“Giáo viên được yêu cầu xây dựng hệ thống câu hỏi theo hướng phát triển năng lực, chú trọng hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tư duy logic và vận dụng sáng tạo kiến thức, tránh học thuộc lòng máy móc.

Đồng thời, việc giảng dạy bám sát chương trình từ lớp 10 đến 12, tập trung vào các phần kiến thức trọng tâm thường xuất hiện trong đề thi. Nhà trường cũng phân hóa học sinh để tổ chức phụ đạo phù hợp, đối sánh kết quả kiểm tra nhằm kịp thời điều chỉnh nội dung và phương pháp giảng dạy,” ông Tuy chia sẻ.

Tại Trường THCS - THPT Lý Văn Lâm (TP Cà Mau, Cà Mau), công tác ôn thi đã lên kế hoạch từ đầu năm học cho hơn 300 học sinh lớp 12. Phó Hiệu trưởng Phạm Văn Nguyên cho biết: “Nhà trường bắt đầu ôn tập từ tuần 4 đến hết tuần 21. Khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 29/2024, trường tiếp tục tổ chức phụ đạo miễn phí theo đúng số tiết quy định, dự kiến kéo dài đến đầu tháng 6.

Chúng tôi áp dụng hình thức “dạy đến đâu, ôn tập đến đó”, giúp học sinh nắm chắc kiến thức và rèn kỹ năng làm bài. Giáo viên cũng tăng cường kiểm tra, theo dõi quá trình tự học tại nhà của học sinh”.

Không chỉ ở Cà Mau, không khí ôn thi tại các tỉnh thành như Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu… cũng “nóng” lên từng ngày. Tại Trường THPT TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), thầy và trò đang chạy đua với thời gian, vừa hệ thống hóa kiến thức, vừa luyện tập đề thi theo định dạng mới.

“Chúng tôi chia học sinh lớp 12 thành nhiều nhóm ôn tập theo các tổ hợp môn học sinh đăng ký như: Vật lý, Hóa học, Sinh học, tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý… Với học sinh học theo chương trình mới, giáo viên phải thiết kế bài giảng linh hoạt, sát với đề thi minh họa” Hiệu trưởng Lê Văn Tự cho biết.

 Học sinh Trường THPT Hồ Thị Kỷ (Cà Mau) rà soát lại thông tin đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2025. Ảnh: Q.M

Học sinh Trường THPT Hồ Thị Kỷ (Cà Mau) rà soát lại thông tin đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2025. Ảnh: Q.M

Chuẩn bị chu đáo

Sau hai lần thi thử tốt nghiệp THPT, Võ Nguyên Triết - học sinh lớp 12C1, Trường THPT Ninh Thạnh Lợi (Hồng Dân, Bạc Liêu) cảm nhận rõ sự thay đổi trong cấu trúc đề thi năm nay.

“So với các năm trước, đề thi có nhiều điểm mới và khó hơn, đặc biệt môn Toán với các bài toán thực tiễn, môn Ngữ văn sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, môn Lịch sử, Địa lý thì liên tục cập nhật kiến thức mới. Tuy nhiên, qua kỳ thi thử, em hiểu rõ hơn năng lực bản thân. Thời gian tới, em sẽ nỗ lực nhiều hơn, tận dụng tài liệu, sách vở, Internet và kiến thức thực tiễn để ôn tập hiệu quả”, Triết chia sẻ.

Trần Thị Khánh Linh - học sinh lớp 12C Trường THCS - THPT Lý Văn Lâm (Cà Mau), lựa chọn Hóa học và Sinh học làm 2 môn tự chọn bên cạnh Toán và Ngữ văn. “Khi Thông tư 29/2024 quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực, em có chút lo lắng vì thời gian học phụ đạo bị giới hạn. Nhưng nhờ sự hỗ trợ và hướng dẫn phương pháp học từ thầy cô, em đã vững tâm và quyết tâm vượt qua kỳ thi sắp tới,” Linh nói.

Cô Phan Thị Lê Hoa - Tổ trưởng tổ Ngữ văn Trường THPT Cà Mau (TP Cà Mau, Cà Mau), cho biết, môn Ngữ văn năm nay thi theo chương trình mới với ngữ liệu hoàn toàn ngoài sách giáo khoa, yêu cầu cao về tư duy mở và sáng tạo. Điều này sẽ giảm tình trạng học tủ, học lệch.

“Tôi định hướng giáo viên cô đọng kiến thức, bám sát đề minh họa của Bộ để ôn tập cho học sinh. Tôi cũng thường giao đề để các em tự luyện tại nhà, sau đó góp ý, chỉnh sửa trên lớp để rút kinh nghiệm. Ngoài ra, tôi hướng dẫn học sinh biết tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau để nâng cao hiệu quả học tập”, cô Hoa chia sẻ.

Cùng với công tác ôn tập, các sở GD&ĐT ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng khẩn trương chuẩn bị điều kiện tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Ông Dương Hồng Tân - Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu, cho biết đơn vị đã tổ chức hội nghị tập huấn về tổ chức thi và hướng dẫn thí sinh đăng ký dự thi. “Chúng tôi ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức kỳ thi và quán triệt quy chế thi trên toàn tỉnh. Hiện các đơn vị chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết cho thí sinh dự thi và xét công nhận tốt nghiệp”.

Dự kiến tỉnh Bạc Liêu có 17 điểm thi tốt nghiệp THPT, gồm 4 điểm tại TP Bạc Liêu, 3 điểm tại thị xã Giá Rai và mỗi huyện còn lại có 2 điểm. Trong đó, 16 điểm dành cho học sinh theo Chương trình GDPT 2018 và 1 điểm dành cho học sinh theo chương trình 2006. “Các điểm thi được chọn đang rà soát điều kiện cơ sở vật chất theo yêu cầu của quy chế. Sở GD&ĐT cũng đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo kỳ thi, dự kiến nhân sự cho Hội đồng thi, các ban và các điểm thi”, ông Tân thông tin.

Theo ông Nguyễn Thanh Danh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp, toàn tỉnh hiện có hơn 17.150 học sinh lớp 12, trong đó khoảng 80% học theo Chương trình GDPT 2018. Trước yêu cầu mới của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, sở đã chỉ đạo các trường tổ chức ôn tập phân hóa theo nhóm môn tổ hợp tự chọn, đồng thời tổ chức ít nhất 2 đợt thi thử bám sát cấu trúc đề thi chính thức của Bộ GD&ĐT.

Năm 2025 được đánh giá là thử thách lớn đối với các nhà trường và ngành Giáo dục địa phương, khi lần đầu tiên phải tổ chức đồng thời kỳ thi của hai chương trình giáo dục năm 2006 và 2018. Điều này đòi hỏi toàn bộ khâu tổ chức như phân luồng thí sinh, phân phòng thi, sắp xếp nhân sự, ra đề thi thử… phải thực hiện theo 2 hướng riêng biệt, không thể gộp chung như trước.

“Tuy nhiên, với sự chuẩn bị chu đáo từ sớm, tôi tin tưởng Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 tại Đồng Tháp sẽ diễn ra thành công”, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp chia sẻ.

Quách Mến - Quốc Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/on-thi-tot-nghiep-o-dong-bang-song-cuu-long-nong-len-tung-ngay-post731034.html
Zalo