Ðón Tết... ở rừng

Tết Nguyên đán là dịp mọi người sum họp, quây quần bên gia đình, người thân. Thế nhưng, nhiều kiểm lâm viên của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (viết tắt là Khu Bảo tồn, ở xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) đã phải gác lại niềm vui đó để làm nhiệm vụ giữ rừng, bảo vệ tài nguyên quý giá của quốc gia. Với họ, đón Tết ở rừng là cái Tết đầy trách nhiệm và ý nghĩa.

Anh Mông Văn Hiếu (bìa phải) tự nguyện ở lại đơn vị để tham gia cùng đồng đội tuần tra giữ rừng dịp Tết Nguyên đán 2025.

Anh Mông Văn Hiếu (bìa phải) tự nguyện ở lại đơn vị để tham gia cùng đồng đội tuần tra giữ rừng dịp Tết Nguyên đán 2025.

Mùa Xuân nơi đại ngàn

Mùa Xuân, khí hậu trong rừng Khu Bảo tồn trở nên mát mẻ, cây cối xanh tươi, muôn hoa đua nở, chim kêu, vượn hú rộn ràng… đã tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt vời. Trên đường đi vào rừng, chúng tôi thường bắt gặp những “cư dân” sống ở rừng như: đàn khỉ, bầy gà rừng… tỏ ra dạn dĩ khi ra tận bìa rừng tìm thức ăn. Điều đó minh chứng cho công tác quản lý, bảo vệ rừng của Khu Bảo tồn rất hiệu quả.

Sau gần 2 giờ vượt đường rừng, chúng tôi đã đến Trạm Kiểm lâm Suối Ràng. Đây là một trong những trạm vùng sâu, vùng xa (địa phận giáp ranh với tỉnh Bình Phước và cách xa trung tâm huyện Vĩnh Cửu khoảng 60km đường rừng), đời sống sinh hoạt của các kiểm lâm viên còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đặc biệt, sóng điện thoại ở trạm không có nên mỗi khi có việc cần liên lạc về cho gia đình thì các kiểm lâm viên phải ra tận khu vực đồi Đất Đỏ (cách trạm khoảng 6km) mới gọi điện được, nhưng sóng điện thoại cũng chập chờn, rất khó khăn.

Chúng tôi đến đúng lúc các kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Suối Ràng đang phối hợp với lực lượng kiểm lâm cơ động của Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn chuẩn bị đi tuần tra rừng. Địa điểm được các anh chọn đi tuần tra là khu vực Suối Ràng. Đặc trưng của khu vực Suối Ràng có nhiều cây gỗ lớn quý giá, hơn nữa nhiều đàn thú thường ra đây tìm thức ăn, uống nước. Do vậy, công tác tuần tra, chốt trực được triển khai thường xuyên quanh năm.

Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Suối Ràng Nguyễn Viết Thiện cho biết, Trạm Kiểm lâm Suối Ràng hiện có 7 kiểm lâm viên, được giao quản lý gần 5 ngàn hécta rừng. Địa bàn phụ trách rộng lớn và ranh giới giáp với tỉnh Bình Phước có chiều dài hơn 12km. Hơn nữa, dân cư bên phía tỉnh Bình Phước đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số (Mông, S’tiêng, Chơro…) và trình độ học vấn của nhiều người còn hạn chế, ý thức pháp luật chưa cao. Vào mùa nông nhàn, người dân hay xâm nhập vào rừng trái phép. Mặc dù phải đối diện với nhiều gian nan, thử thách nhưng các kiểm lâm viên của trạm thường xuyên động viên nhau để cùng bám rừng làm nhiệm vụ, nhất là chú trọng tuần tra, canh gác vào các dịp lễ, Tết.

Tuần tra rừng dịp Tết có nhiều điều thú vị, giúp cho các kiểm lâm viên vơi đi nỗi nhớ nhà.

Tuần tra rừng dịp Tết có nhiều điều thú vị, giúp cho các kiểm lâm viên vơi đi nỗi nhớ nhà.

Anh Mông Văn Hiếu (33 tuổi, kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Suối Ràng) chia sẻ: “Các anh em đi làm nhiệm vụ tuần tra rừng ngày Tết có nhiều điều thú vị như: ngắm hoa lan, hoa mai rừng nở; nghe các loài chim đua nhau hót, vượn hú. Bên cạnh đó, anh em thường kể những câu chuyện vui hay chia sẻ về phong tục ăn Tết ở quê... Nhờ đó, nỗi buồn khi phải đón Tết xa quê cũng vơi đi, thay vào đó là niềm hăng hái làm nhiệm vụ canh giữ rừng”.

Anh Hiếu quê ở tỉnh Cao Bằng, vào công tác tại đơn vị kiểm lâm của Khu Bảo tồn được 6 năm thì cũng chừng đó năm anh phải đón Tết xa gia đình. Tết năm nay rất đặc biệt đối với anh, vì anh mới lập gia đình được 7 tháng, nhưng vì nhiệm vụ quan trọng nên phải xa “vợ son” trong dịp Tết.

“Tết đến, thấy mọi nhà quây quần đầm ấm bên nhau, tôi cũng nhớ gia đình nhưng vì đặc thù công việc giữ rừng, vì trách nhiệm, tôi phải ở lại sát cánh cùng anh em làm nhiệm vụ được giao. Sau những chuyến tuần tra rừng trở về đơn vị, tôi thường gọi điện thoại về hỏi thăm, động viên nên vợ cũng hiểu và thông cảm” - anh Hiếu bộc bạch.

Anh Sùng A Ka Dinh (kiểm lâm viên của Trạm Kiểm lâm Suối Kốp) cho biết, anh công tác tại đơn vị kiểm lâm Khu Bảo tồn được 3 năm nhưng chưa năm nào anh về quê tỉnh Sơn La đón Tết cùng vợ con. Anh không về đón Tết cùng gia đình vì nhiều lý do: quê nhà xa xôi, cách trở; chi phí đi lại trong dịp Tết quá cao; trong khi nhiệm vụ giữ rừng ngày Tết có rất nhiều việc phải làm (tuần tra, chốt trực để ngăn chặn tình trạng xâm nhập rừng trái phép; canh phòng, chống cháy rừng; tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân…). Do vậy, anh tự nguyện ở lại đơn vị và đón Tết trong rừng để sát cánh cùng đồng đội làm tốt nhiệm vụ được giao.

“Ở đây, anh em mỗi người một quê, một hoàn cảnh, nhưng điểm chung là đều xa quê, xa nhà và thiếu thốn tình cảm gia đình. Nỗi buồn chất chứa nhưng cất trong lòng để cùng nhau giữ màu xanh của rừng. Năm hết Tết đến, anh em thường quan tâm thăm hỏi, động viên và cầu chúc cho nhau thật nhiều sức khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời, mong gia đình, vợ con ở quê nhà luôn thấu hiểu, chia sẻ và trở thành hậu phương vững chắc cho những người giữ rừng như chúng tôi” - anh Sùng A Ka Dinh tâm sự.

Nhiệm vụ giữ rừng tại gốc có rất nhiều việc phải làm và đối diện với muôn vàn khó khăn, nguy hiểm, nhất là sự manh động của “lâm tặc”. Vì vậy, các kiểm lâm viên giữ rừng tại gốc mong muốn được cơ quan chức năng các cấp quan tâm hỗ trợ mức thu nhập đảm bảo cuộc sống, đồng thời trang bị thêm công cụ hỗ trợ hiện đại để giúp công tác giữ rừng hiệu quả hơn.

Yên tâm giữ rừng

Xem trạm kiểm lâm là “ngôi nhà thứ 2” nên các kiểm lâm viên thường dành thời gian rảnh rỗi của những ngày cuối năm để lau bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, quét dọn sạch sẽ các phòng, chăm sóc những cây hoa trước sân để “ngôi nhà thứ 2” được sạch đẹp trong những ngày Tết. Các anh còn mua sắm mâm ngũ quả, hoa tươi, bánh kẹo… để đón một cái Tết ở rừng thật trọn vẹn, đầm ấm, ý nghĩa.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn Trần Đình Hùng cho biết, lực lượng kiểm lâm của Khu Bảo tồn được giao quản lý, bảo vệ hơn 100 ngàn hécta (hơn 68 ngàn hécta đất lâm nghiệp và hơn 32 ngàn hécta mặt nước hồ Trị An) và có 18 trạm kiểm lâm được phân bố ở trong rừng. Trong đó, nhiều trạm nằm ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện sống và sinh hoạt của các kiểm lâm viên rất khó khăn, thiếu thốn vì không điện, không nước, không sóng điện thoại…

Dịp Tết, các đối tượng “lâm tặc” thường lén lút vào rừng săn bắt động vật hoang dã. Hơn nữa, dịp Tết cũng vào đầu mùa khô nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao... Do vậy, lực lượng giữ rừng tại gốc không được nghỉ ngơi trong dịp Tết, mà còn phải làm việc gấp đôi so với ngày thường, trách nhiệm hết sức nặng nề.

Mùa Xuân, cảnh vật thiên nhiên của rừng Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai tuyệt đẹp.

Mùa Xuân, cảnh vật thiên nhiên của rừng Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai tuyệt đẹp.

Ông Hùng cho biết thêm, theo quy định, việc bố trí lực lượng canh trực vào dịp Tết phải đảm bảo 50% quân số. Tuy nhiên, lực lượng kiểm lâm Khu Bảo tồn đã có mặt trong rừng để làm nhiệm vụ trong những ngày Tết xuyên suốt 24/24 giờ và luôn đảm bảo trên 50% quân số. Nhờ vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng vào những ngày Tết luôn được đảm bảo.

“Nhiều kiểm lâm viên có quê ở các tỉnh miền núi phía Bắc (Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng…), không đủ điều kiện cũng như thời gian về quê ăn Tết cùng với gia đình, người thân. Do vậy, họ đã ở lại đón Tết tại đơn vị và sẵn sàng tham gia cùng đồng đội làm nhiệm vụ giữ rừng. Dịp Tết hàng năm, lãnh đạo Khu Bảo tồn và Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn đều dành thời gian đến từng trạm nằm sâu trong rừng để thăm hỏi, động viên, chúc Tết nhằm tạo động lực cho anh em yên tâm bám rừng làm tốt nhiệm vụ” - ông Hùng cho hay.

Cũng như bao cái Tết khác, Tết Nguyên đán 2025 này, lực lượng kiểm lâm của Khu Bảo tồn vẫn ngày đêm tuần tra, kiểm soát để giữ gìn bình yên cho những cánh rừng.

An Nhơn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/bao-xuan-2023/202501/on-tet-o-rung-d03487d/
Zalo