Ổn định thị trường, duy trì giá tốt
Một số mặt hàng tại các địa phương chịu tác động trực tiếp bởi mưa lũ, bão đã tăng giá đáng kể. Trong khi đó, TPHCM và một số tỉnh khu vực ĐBSCL giá cả được duy trì ổn định. Ngành công thương TPHCM đã phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp bán lẻ hiện đại, chợ đầu mối để duy trì nguồn hàng cũng như có mức giá bình ổn.
Nơi giá tốt, nơi tăng gấp 2-3 lần
Ngày 29-9, ghi nhận tại một số quận nội thành TP Hà Nội, giá các mặt hàng rau ăn lá vẫn ở mức cao. Chẳng hạn mồng tơi, rau muống, rau ngót… ở mức từ 12.000-15.000 đồng/bó tùy loại, cao hơn 3.000-7.000 đồng/bó so với ngày thường. Nhiều chợ đầu mối có tình trạng khan hiếm rau củ.
Một số tiểu thương cho biết, hàng năm không có bão lũ thì vào tháng 9 và 10, lượng rau xanh ở miền Bắc cũng giảm do đã hết vụ rau nhiệt đới và chờ vụ rau ôn đới. Từ đầu tháng 9 đến nay, mưa nhiều nên rau không lớn được, ảnh hưởng đến giá bán. Không chỉ là mặt hàng rau quả, những hôm trước đây giá heo hơi cũng tăng, hiện đã giảm 2.000-3.000 đồng/kg nhưng vẫn còn cao, ở mức 68.000-70.000 đồng/kg.
Ngược lên phía Bắc, giá rau xanh tại một số địa phương tăng gấp 2-3 lần so với trước bão do tình trạng ngập úng khiến nhiều vựa rau bị hư hại nặng. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái), toàn bộ vựa rau 100ha ở địa phương mất trắng do mưa lũ. Nông dân đang gấp rút tái sản xuất để tránh ảnh hưởng nguồn cung và giá rau xanh trên thị trường.
Tại TPHCM, nhóm hàng thịt heo, trứng, đồ khô vẫn duy trì mức giá ổn định. Cụ thể, thịt heo tại chợ Xóm Chiếu (quận 4), chợ Hòa Hưng (quận 10), có giá khoảng 150.000 đồng/kg nạc đùi, 100.000-110.000 đồng/kg sườn heo, 97.000-100.000 đồng/kg thịt vai heo. Trứng gà, vịt có giá từ 38.000-39.000 đồng/chục.
Riêng mặt hàng rau xanh tại chợ lẻ có nhích lên từ 2.000-5.000 đồng/kg, tùy loại. Ví dụ, cải ngọt có giá 30.000-35.000 đồng/kg, mồng tơi 30.000 đồng/kg, cải thìa 30.000-35.000 đồng/kg. Mức giá này tăng từ 2.000-5.000 đồng/kg tùy loại… Theo lý giải của tiểu thương, hiện tại đang trong mùa mưa, các loại rau ăn lá dễ bị giập nát, khó bảo quản, ảnh hưởng đến sản lượng và giá bán.
Các hệ thống bán lẻ như Saigon Co.op, MM Mega Market, Aeon Mall, Central Retail (GO!, BigC…) cho biết đã cung ứng đủ lượng rau, củ, quả, thực phẩm thiết yếu từ miền Nam cho các siêu thị, cửa hàng khu vực phía Bắc. Sau 3 tuần xảy ra mưa lũ, bão, hiện tại nhu cầu hàng hóa, các mặt hàng rau củ, trái cây, hàng tươi sống tại thị trường miền Bắc đã “giảm nhiệt” so với cao điểm tuần trước, nên một số hệ thống cũng đã giảm 50% lượng hàng so vời thời điểm tăng “nóng”.
Nguồn cung ổn định, không lo “đứt hàng”
Chia sẻ với PV Báo SGGP, đại diện các chợ đầu mối trên địa bàn TPHCM cho biết, lượng hàng về chợ khá ổn định, mức giá bình ổn. Riêng mặt hàng rau xanh, sức mua thường tăng cao nếu rơi vào thời điểm mùng 1 và 14, 15 âm lịch mỗi tháng. Với những ngày thời tiết mưa gió kéo dài, rau xanh dễ bị giập nát, không đảm bảo chất lượng nên cũng tác động đến giá bán, nhưng không đáng kể. Người tiêu dùng có thể linh hoạt thay thế rau ăn lá bằng các loại rau xanh khác.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, ngành công thương TP luôn đảm bảo nguồn hàng, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại, chợ đầu mối, doanh nghiệp các địa phương… ổn định giá cả cũng như chất lượng hàng hóa. Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm nay, ngành công thương TPHCM đã có kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường xuyên suốt cả năm, cũng như phục vụ cao điểm cuối năm và Tết Nguyên đán 2025.
Chính vì vậy, TPHCM luôn chủ động nguồn hàng cũng như giá tốt trên thị trường. Nhìn chung, tổng lượng hàng bán ra được ổn định, chiếm từ 21%-32% thị phần trong tháng thường và 24%-41% nhu cầu thị trường trong tháng Tết, nên hoàn toàn đủ sức điều tiết thị trường.
Thông tin từ Bộ Công thương, Bộ Tài chính, từ sau bão đến nay bộ đã liên tục chỉ đạo các đơn vị chức năng cũng như đề nghị các bộ, ngành, địa phương vào cuộc để bình ổn giá cả thị trường, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý. Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị trong ngành phải giám sát kê khai, niêm yết giá. Thủ tướng Chính phủ đã ký công điện yêu cầu xử nghiêm việc găm hàng, tăng giá bất hợp lý sau bão.
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, bộ đang giám sát chặt chẽ thị trường, điều tiết hàng hóa, đảm bảo đủ cho nhu cầu của người dân. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương tiếp tục đề nghị các doanh nghiệp đảm bảo vận chuyển hàng hóa từ những khu vực không bị ảnh hưởng để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của người dân ở vùng bị ảnh hưởng thiên tai.
Đối với địa bàn tỉnh Long An, các cơ quan chức năng thông tin chưa phát hiện tình trạng tăng giá, đầu cơ găm hàng. Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho hay, đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu cơ găm hàng, niêm yết giá, thương mại điện tử…
Cùng với đó, yêu cầu Sở Công thương tỉnh Long An tập trung theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của bà con. Sở NN-PTNT tỉnh Long An cũng được giao nhiệm vụ tăng cường thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông lâm thủy sản, thuốc thú y, thức ăn thủy sản, hóa chất, chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản. Kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ tích trữ hàng, tự ý tăng giá sai quy định.
NGỌC PHÚC