Olympic 2024 và kinh nghiệm từ các nền thể thao

Thể thao Việt Nam không giành được kết quả đáng ghi nhận nào ở 2 kỳ Olympic liên tiếp chẳng phải là điều bất ngờ khi nền tảng thiếu vững vàng, việc đầu tư phát triển thiếu định hướng

Thực tế phũ phàng này đã được những nhà chuyên môn cảnh báo cách đây 3 năm, khi thể thao Việt Nam (TTVN) không giành được tấm huy chương nào ở Olympic Tokyo. Lời cảnh báo ấy dường như chẳng được những người có trách nhiệm đoái hoài, để rồi sau khi chật vật hoàn thành chỉ tiêu giành 12-15 suất tham dự Olympic Paris 2024, TTVN thực sự gặp khó trên đất Pháp.

Hai lần liên tiếp trắng tay

Câu chuyện "đầu tư từ đâu" một lần nữa được đặt ra khi TTVN thất bại ở 2 kỳ Olympic liên tiếp. Trong khi đó, các quốc gia láng giềng ở khu vực Đông Nam Á mạnh mẽ tiến bước tại đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh.

Tại Olympic Rio 2016, đoàn TTVN cử 23 VĐV tranh tài ở 10 môn, giành được 1 HCV, 1 HCB và thiết lập 1 kỷ lục Olympic. Năm 2021, chỉ có 18 VĐV Việt Nam giành vé đến Tokyo và phải chấp nhận ra về mà không giành nổi huy chương nào. Năm 2024, 16 tuyển thủ Việt Nam đến Paris đua tài ở 11 môn và cũng lâm cảnh trắng tay.

Kể từ lần đầu tiên gia nhập "đại gia đình" Olympic tại Moscow 1980, hơn 4 thập niên qua, thành tích của TTVN chỉ có thể đếm được trên số ngón của một bàn tay, với 1 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ. Taekwondo (1), cử tạ (2), bắn súng (2) là những môn đã mang về huy chương cho TTVN.

Đã có rất nhiều kỳ vọng từ sau tấm HCV lịch sử của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016. Thế nhưng, thực tế cho thấy suốt 8 năm qua, TTVN đã không tận dụng tốt cơ hội "vàng" này để bứt phá, thay vào đó là sự thụt lùi đáng lo ngại. Trong khoảng thời gian này, TTVN 2 lần tăng tốc "thống trị" SEA Games 31 và SEA Games 32 với vị trí dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Song, khi tiến ra các sân chơi lớn như ASIAD và Olympic, thành tích của TTVN rơi lại phía sau khá xa so với chính các nước cùng khu vực.

Ở Olympic Paris 2024, Việt Nam chỉ có 16 VĐV giành suất tham dự trong khi Thái Lan có đến 51 VĐV, Indonesia 29 VĐV, Malaysia 26 VĐV, Singapore 23 VĐV, Philippines 22 VĐV. Tính đến hết ngày 10-8, các nước Đông Nam Á có tên trên bảng huy chương Olympic Paris là Philippines (2 HCV, 2 HCĐ), Indonesia (2 HCV, 3 HCĐ), Thái Lan (1 HCV, 3 HCB, 2 HCĐ), Malaysia (2 HCĐ), Singapore (1 HCĐ), còn TTVN không có nổi tấm huy chương nào.

Thể thao Việt Nam cần đầu tư đúng hướng, không dàn trải, quyết liệt làm mới vì thành tích đỉnh cao. (Ảnh: REUTERS)

Thể thao Việt Nam cần đầu tư đúng hướng, không dàn trải, quyết liệt làm mới vì thành tích đỉnh cao. (Ảnh: REUTERS)

Cần sự chung tay vào cuộc

Sự khác biệt nêu trên đến từ cách làm của TTVN không theo kịp quan điểm và giải pháp mà các quốc gia trong khu vực đã theo đuổi từ lâu.

Trong khi Việt Nam luôn loay hoay với vấn đề rất cũ là đầu tư dàn trải, không tập trung nguồn lực cho số ít môn trọng điểm hay VĐV trọng điểm thì các nước láng giềng đã có VĐV vươn lên tầm thế giới. VĐV của họ không chỉ sẵn sàng cạnh tranh huy chương mà còn được chuẩn bị để chiến thắng, đứng trên đỉnh cao, ngang với những khu vực phát triển như châu Âu, Bắc Mỹ hay Đông Á ở một số môn thế mạnh.

Hãy xem Philippines trở thành "cường quốc Đông Nam Á" tại Olympic Paris như thế nào? Họ giành 2 HCV do công của "ông hoàng thể dục dụng cụ" Carlos Yulo - người có chiều cao chỉ 1,5 m. Philippines có thêm 2 HCĐ ở môn quyền Anh, đều ở các hạng cân nhỏ của nữ là 50 và 57 kg...

Tương tự, Indonesia giành 2 HCV từ môn leo tường và cử tạ hạng 73 kg nam cùng với tấm HCĐ cầu lông. Thái Lan cũng có HCV ở môn taekwondo hạng 57 kg nữ và 3 HCB cầu lông, cử tạ hạng trung...

Điểm chung trong việc tranh chấp huy chương của các nước Đông Nam Á là tất cả đều không mạnh với những môn Olympic như điền kinh, bơi lội, bóng đá... Họ chọn đầu tư vào các môn không cần lợi thế hình thể, chiều cao mà chỉ yêu cầu sự khéo léo, tốc độ, tính chính xác. TTVN từng có HCV từ bắn súng, HCB từ cử tạ, võ thuật - cũng là những môn phù hợp với thể trạng con người Việt Nam - nhưng vì sao thành tích lại theo kiểu "phú quý giật lùi"?

Đầu tư dàn trải, chính sách "cào bằng", vào chu kỳ đại hội như SEA Games, ASIAD hay Olympic thì tăng thêm vài trăm ngàn đồng/khẩu phần ăn mỗi ngày..., tất cả không tạo nên sự phấn khích trong chính lực lượng thể thao được đầu tư trọng điểm.

Việc nhà ăn ở các Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia "đóng cửa" với báo chí trước ngày vào giải nói lên điều gì? Làm sao mà các xạ thủ vẫn kêu thiếu đạn tập hay các lực sĩ cử tạ ở 2 kỳ Olympic liên tiếp phải lên đường trong tình trạng chấn thương chưa lành? Ai cũng biết việc có đội ngũ nhà tâm lý là điều cần thiết cho VĐV nhưng tại sao đến nay, vẫn có ý kiến lý giải xạ thủ Trịnh Thu Vinh tâm lý không vững vàng, hệt như câu chuyện của "đàn anh" Hoàng Xuân Vinh cách đây nhiều năm?

Theo một quan chức thể thao đầu ngành, TTVN cần quyết liệt trong khâu tuyển chọn đầu vào, nếu cần thiết thì có thể thuê chuyên gia nước ngoài để tuyển chọn. Cần áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong huấn luyện, thuê HLV quốc tế có đẳng cấp; đào tạo đội ngũ HLV, trọng tài, VĐV và cả giới quản lý phải giỏi ngoại ngữ bên cạnh chuyên môn, lương thưởng rõ ràng...

"Đó chính là những giải pháp mà ngành thể thao cần định hướng. Vấn đề là cần có sự chung tay vào cuộc của cả xã hội, các bộ, ngành và người dân tâm huyết để TTVN hoàn thành nhiệm vụ" - quan chức thể thao nêu trên nhấn mạnh.

Đào Tùng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/olympic-2024-va-kinh-nghiem-tu-cac-nen-the-thao-196240811213242333.htm
Zalo