OCOP Việt Nam cần bỏ tư duy cũ để làm sản phẩm chất lượng toàn cầu

Chính thức có tên từ năm 2018, chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) tại Việt Nam hiện có trên 14.000 sản phẩm OCOP 3-5 sao, thuộc sở hữu của hơn 8.000 chủ thể, là các hợp tác xã, nhóm hợp tác và đơn vị sản xuất nhỏ. Nhưng các mặt hàng OCOP thường hiếm hoi xuất hiện ở các siêu thị và giá cao hơn bình thường.

Du khách Hàn Quốc đến Cồn Sơn, Cần Thơ. Ảnh: Ái Lam

Du khách Hàn Quốc đến Cồn Sơn, Cần Thơ. Ảnh: Ái Lam

Phong trào OCOP Việt Nam cần bước ra khỏi vùng tư duy cũ, phát huy tính sáng tạo để đáp ứng mong đợi của người tiêu dùng trong nước và khách hàng quốc tế.

Từ sản phẩm “thời vụ” sang quanh năm…

Năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thí điểm mô hình “Mỗi làng một nghề” ở một số tỉnh như Điện Biên, Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định, Thừa Thiên - Huế và An Giang. Nhiều địa phương đã chủ động áp dụng để phát triển ngành nghề nông thôn. Chẳng hạn, Quảng Ninh đã ban hành Chương trình “Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm” vào năm 2013 gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Chương trình của Quảng Ninh đã đạt được tiến bộ trong phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn các tổ chức sản xuất với sản phẩm, phát huy thế mạnh địa phương, giúp nông dân tiếp cận thị trường và bán hàng…

Đến tháng 5-2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình OCOP (One Commune One Product - Mỗi xã một sản phẩm) giai đoạn 2018-2020. Trong giai đoạn này, Việt Nam đã huy động gần 1 tỉ đô la cho chương trình OCOP, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 2,7%, các nguồn tín dụng 76,6% và vốn đầu tư của nhà sản xuất 16,5%(1).

Các thách thức khác của các sản phẩm OCOP Việt Nam liên quan đến bao bì, khó mở rộng quy mô sản xuất. Nhưng một khi đáp ứng được sản lượng thì lại không duy trì chất lượng và tiến độ giao hàng, theo đại diện mua hàng của một chuỗi siêu thị.

Còn đại diện đại siêu thị Mega Market nói với Kinh tế Sài Gòn hàng OCOP được xem là “hàng khéo, giá cao” nên thường chỉ có gian hàng, quầy riêng vào dịp Tết. Đó là khi người tiêu dùng sẵn sàng chi cho các mặt hàng ngon, mới lạ dù mắc tiền hơn. Tuần rồi, Hà Nội tổ chức ba hội chợ sản phẩm OCOP cùng lúc, TPHCM tổ chức lễ hội nông sản với các sản phẩm OCOP toàn quốc hội tụ… Tương tự, hội chợ OCOP các tỉnh thành cũng thu hút đông người mua sắm… Như vậy, sức hấp dẫn của các sản vật địa phương như OCOP luôn có, nhưng duy trì sự hào hứng và nô nức của người dùng trong suốt một năm và khiến họ nhớ tên trong nhiều năm mới là cái khó.

Được nghe làn điệu vọng cổ - hơi thở của đất phương Nam, được nếm các sản vật OCOP trong tour thăm Cồn Sơn, Cần Thơ. Ảnh: Ngọc Bích

Được nghe làn điệu vọng cổ - hơi thở của đất phương Nam, được nếm các sản vật OCOP trong tour thăm Cồn Sơn, Cần Thơ. Ảnh: Ngọc Bích

Miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long là nơi tập trung khoảng 25% các sản phẩm OCOP quốc gia. Thế nhưng các điểm du lịch có bán nhiều sản phẩm OCOP lại khá hiếm.

Cần Thơ có khoảng 10 điểm như vậy. Khách đến vườn ổi cô Điệp ở quận Thốt Nốt thì “khoái” tham quan vườn ổi mát rượi, đi hái đặc sản, thử nước ổi lên men được công nhận OCOP. Bà chủ Lê Hồng Điệp nói là “làm không kịp bán”, sắp tới sẽ giới thiệu trà lá ổi. Ở cơ sở mắm cá tra Út Anh cũng ở Thốt Nốt có nhiều đặc sản mà dân thành phố thèm thuồng, như mắm, khô cá tra, khô cá tra một nắng. Làng du lịch Mỹ Khánh ở huyện Phong Điền, Hợp tác xã du lịch nông nghiệp Cồn Sơn tại quận Bình Thủy, điểm trưng bày và bán sản phẩm ở Cơ sở hủ tiếu Nhà Bè trên chợ nổi Cái Răng thuộc quận Cái Răng cũng nườm nượp hút khách. Nhưng nếu tách riêng thì lại khó cho việc hút khách và bán hàng.

Hướng đi mới của OCOP Việt Nam

Tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế (về chất lượng, bao bì, giá cả và độ hiệu quả của các công cụ tiếp thị và xây dựng thương hiệu), khó khăn trong việc đạt được tính bền vững, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, kết nối với du lịch trải nghiệm, chính sách hỗ trợ của chính phủ và tăng cường hợp tác quốc tế… là những vấn đề mới của sản phẩm OVOP (One Village One Product - Chương trình “Mỗi làng một sản phẩm”) toàn cầu và OCOP Việt Nam.

Trong một tài liệu chuẩn bị cho Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ ra các tiêu chuẩn xanh là thách thức lớn của các sản phẩm OCOP Việt Nam. Việt Nam sẽ cùng FAO nghiên cứu và soạn thảo bộ tiêu chuẩn Green OCOP Criteria và nâng lên thành bộ tiêu chuẩn quốc tế(2).

Khi đi xem các gian triển lãm tại Mekong Connect 2024, ông Stephen Kreppel - nhà tiếp thị và quảng cáo hàng đầu thế giới, nhấn mạnh rằng dù thế nào sản phẩm mang bản sắc địa phương vẫn dễ dàng tạo ấn tượng với khách mua quốc tế. Ông Kreppel từng là cố vấn của Liên hiệp quốc, nhiều đời thủ tướng Anh và Pháp, cùng chính khách một vài nước châu Âu và châu Á khác. Ông hiện là CEO của hãng tư vấn The Nation Consultancy có trụ sở chính ở London và Strasbourg.

“Tôi có thể giải thích thế này, có một gian triển lãm bán cà phê và trà của một đơn vị Long Xuyên, An Giang tại triển lãm này. Cà phê là sản vật của Đắk Lắk, trà là đặc sản của Lâm Đồng và Thái Nguyên. Cái duy nhất mà công ty Long Xuyên có lợi thế là họ đang canh tác vườn hoa lài ở tỉnh An Giang. Hãy nhắc đến hoa lài An Giang thôi, bởi người tiêu dùng quốc tế sẽ chịu mua các mặt hàng có liên quan đến hoa lài, có tính địa phương An Giang hơn, mà có khi không mua cà phê hay trà của công ty này”, ông Kreppel trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.

Ông Kreppel nói ông cảm nhận sự khác biệt hay nắm bắt trào lưu, xu hướng mới trong ngành thực phẩm thế giới của các đơn vị đồng bằng. “Các bạn nên có suy nghĩ khác đi để làm những sản phẩm OCOP cho toàn cầu”, ông nói.

Các công trình nghiên cứu và phát triển giống lúa nổi của Đại học An Giang, cùng các mô hình trồng trọt và kinh doanh lúa gạo ở đồng bằng thu hút sự chú ý của ông. Lúa mùa nổi là tính độc đáo của vùng châu thổ sông Cửu Long, nhưng vùng này chưa có nhiều sản phẩm chế biến từ gạo lúa mùa nổi.

“Trên thế giới, sau thu hoạch lúa, người ta chỉ xay xát thô, không đánh bóng hay làm trắng gạo. Vì thế, gạo thường có màu trắng đục, nâu hoặc đỏ thẫm. Gạo còn cám là gạo được bỏ lớp vỏ ngoài, trong khi gạo nguyên cám giữ nguyên lớp vỏ hoặc chỉ loại bỏ một phần. Gạo nguyên cám có nhiều giá trị dinh dưỡng hơn so với gạo trắng thông thường và được xem là một lựa chọn ăn uống lành mạnh. Thế giới người ta chuộng loại gạo nguyên cám hay gạo còn cám hơn”, ông Kreppel diễn giải.

Rồi ông đề cập chuyện nhiều doanh nghiệp Việt canh tác giống gạo Japonica của Nhật Bản, bởi họ cho rằng gạo Nhật có giá bán hay giá xuất khẩu cao hơn so với các loại gạo khác của Việt Nam.

“Nếu như ST25 được chọn là gạo ngon nhất thế giới, thì vấn đề tôi đặt ra là tại sao các bạn không phổ biến hơn nữa ST25 vì nó là câu chuyện của đồng bằng, là biểu trưng của ngành lúa gạo Việt Nam chẳng hạn. Gạo của đồng bằng có giá ngang ngửa hoặc hơn hẳn gạo Nhật hay gạo các nước khác không ngoài tầm với của các bạn, nếu các bạn có giống lúa phẩm chất cao, câu chuyện hay”, ông Kreppel nhấn mạnh.

Tương tự, ông nói, thế giới đang chú trọng và sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm không đường hoặc ít đường. Thế nhưng, các doanh nghiệp địa phương lại ít có những sản phẩm như vậy. Các loại kẹo, mứt sấy dẻo không đường và ít đường nhìn có vẻ không được mịn và đẹp khi so với loại có nhiều đường. Nhưng khách sẽ mua nhiều hơn và sẵn sàng chi trả vì sức khỏe của mình.

Ông nói rất ấn tượng với mô hình kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh mà các tỉnh đồng bằng đang theo đuổi. Chẳng hạn ở gian hàng Hậu Giang, ông được giới thiệu về cơ sở chế biến rượu OCOP 4-5 sao, phần bã hèm bia làm thức ăn chăn nuôi hay phân bón, rồi từ rượu chế biến nâng cao thành các loại dầu xoa bóp thảo dược OCOP. “Đó là sự độc đáo của sản phẩm đồng bằng của các bạn”, nhà tư vấn thương hiệu nói.

(1), (2) https://openknowledge.fao.org/server/api/core/bitstreams/e5db9abd-059b-4f9d-8b9d-130d101d8a94/content

Ricky Hồ - Ngọc Bích

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ocop-viet-nam-can-bo-tu-duy-cu-de-lam-san-pham-chat-luong-toan-cau/
Zalo