Ô tô tông trúng người chạy bộ dưới lòng đường, tài xế có phải đền bù?
Nếu đi đúng phần đường, đúng tốc độ thì tài xế ô tô sẽ không phải chịu trách nhiệm, kể cả trong trường hợp người đi bộ hoặc chạy bộ cố tình lao vào phương tiện để tự tử.
Tình trạng người đi bộ, chạy bộ vi phạm Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ diễn ra khá phổ biến, thậm chí là nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng.
Trên thực tế, không khó để thấy hình ảnh người đi bộ thản nhiên dưới lòng đường cho dù có vỉa hè, nhất là ở khu vực nội đô.
Đặc biệt, vào buổi chiều hoặc sáng sớm rất dễ bắt gặp nhiều người chạy bộ thể dục ngay dưới lòng đường, có người còn đeo tai nghe như thể đường giao thông là của riêng họ.

Nhiều người đi bộ, chạy bộ vi phạm Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ảnh minh họa
Nguyên nhân của tình trạng trên là do một bộ phận người đi bộ, chạy bộ tưởng rằng các phương tiện cơ giới phải chủ động tránh họ. Nếu xảy ra tai nạn giao thông thì lỗi thuộc về người điều khiển ô tô, xe máy, còn họ thì vô can.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, người đi bộ, chạy bộ là một trong những đối tượng tham gia giao thông đường bộ và được ưu tiên một lối đi riêng, đó là hè đường.
Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thanh Bình, Công ty Luật Bảo Ngọc - Hà Nội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, tại điểm a, khoản 1, Điều 30, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có quy định đối với người đi bộ: “Phải đi trên vỉa hè, lề đường, đường dành riêng cho người đi bộ; trường hợp đường không có vỉa hè, lề đường, đường dành riêng cho người đi bộ thì người đi bộ phải đi sát mép đường bên phải theo chiều đi của mình”.
"Như vậy, tương tự đối với việc tập thể dục, nếu người dân chạy trên vỉa hè thì không vi phạm quy định pháp luật, còn chạy dưới lòng đường mà không chạy sát mép đường hoặc đường có vỉa hè/lề đường/đường dành riêng cho người đi bộ thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Trong trường hợp này, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 150.000 - 250.000 đồng do “Không đi đúng phần đường quy định” được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 10, Nghị định 168/2024/NĐ-CP”, luật sư Phạm Thanh Bình nhấn mạnh.
Nhu cầu tập thể dục của người dân là chính đáng, giúp rèn luyện thân thể khỏe mạnh. Tuy nhiên, người dân thường lựa chọn 2 khung giờ sáng sớm và chiều tối để tập thể dục.
Đây cũng là thời điểm mà khả năng quan sát của cả người đi bộ, người chạy tập thể dục cũng như lái xe đều hạn chế, nên rất dễ xảy ra tai nạn. Đặc biệt, đã có trường hợp ô tô, xe máy tông phải người đi bộ, chạy bộ sai làn đường.
Về tình huống trên, Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Đức Hưng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, quy định tại Điều 260 của Bộ luật Hình sự nêu rõ: Nếu người điều khiển ô tô đi đúng phần đường, đúng tốc độ và không vi phạm quy định nào về an toàn giao thông, lái xe sẽ không phải chịu trách nhiệm kể cả trong trường hợp người đi bộ cố tình đi vào làn đường để tự tử.