Ô tô đỗ 'gác chân' lên vỉa hè tuy gọn gàng nhưng lại ít nơi cho phép

Tôi thấy nhiều khu vực đường phố hẹp còn vỉa hè khá rộng, nếu đỗ kiểu 'gác chân' một nửa xe lên vỉa hè sẽ gọn gàng hơn, nhưng lại sợ bị phạt - độc giả Thanh Bình (Hà Nội).

Các thành phố như Hà Nội hay TP.HCM vốn "đất chật, người đông", việc tìm được một nơi đỗ xe ô tô rộng rãi, ít ảnh hưởng đến các phương tiện giao thông khác không hề dễ dàng, nhất là ở khu vực trung tâm.

Nhiều trường hợp lái xe buộc phải đỗ kiểu "gác chân" - một nửa trên vỉa hè và một nửa dưới lòng đường. Tuy vậy, kiểu đỗ xe tưởng chừng như khá lịch sự và gọn gàng này lại vẫn có thể bị các lực lượng chức năng xử phạt nặng vì lỗi đỗ xe trên vỉa hè trái quy định.

Ô tô đỗ xe "gác chân" lên vỉa hè sẽ gọn gàng hơn đáng kể so với việc đậu dưới lòng đường. Ảnh do NVCC

Ô tô đỗ xe "gác chân" lên vỉa hè sẽ gọn gàng hơn đáng kể so với việc đậu dưới lòng đường. Ảnh do NVCC

Dưới đây là góc nhìn của độc giả Vũ Thanh Bình (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) liên quan đến kiểu đỗ xe "gác chân" này:

Tôi đã sống và làm việc tại Hà Nội gần 20 năm và nhận thấy việc tìm chỗ đỗ xe ô tô ngày càng khó khăn, vất vả hơn. Điều này đến từ sự phát triển nhanh của số lượng ô tô cá nhân, trong khi hạ tầng đường sá và quy hoạch bãi đậu xe không theo kịp.

Tại nhiều nơi ở Hà Nội, nhất là những tuyến đường ở các quận trung tâm, cơ quan hữu quan thường cắm các biển cấm dừng hoặc cấm dừng và đỗ xe. Nếu tài xế cho xe đỗ ở các khu vực này sẽ bị phạt khá nặng, nhưng nếu không đỗ thì cũng chẳng biết để xe ở đâu.

Tôi quan sát có nhiều nơi đường phố hẹp còn vỉa hè lại khá rộng, nếu đỗ kiểu gác một nửa xe lên vỉa hè sẽ gọn gàng hơn. Tuy nhiên, nếu đỗ như vậy lại không được phép bất kể đoạn đường đó có biển cấm hay không. Bản thân tôi khi đỗ xe ở gần cơ quan cũng hay "gác chân" lên vỉa hè cho gọn, nhưng lại hay bị các đồng chí cảnh sát trật tự "hỏi thăm".

Theo tôi biết, tài xế hiện nay chỉ được đỗ kiểu "gác chân" như vậy khi đoạn đường đó có cắm biển I.408a (theo QCVN 41:2019/BGTVT), nhưng theo quan sát thì rất ít nơi ở Hà Nội có biển này. Tôi nghĩ đó là một sự lãng phí lớn.

Thứ nhất, đỗ xe như vậy giúp gia tăng đáng kể không gian giao thông tĩnh, "cởi trói" cho các tài xế có nhu cầu dừng đỗ xe, góp phần giảm thiểu tình trạng các phương tiện dừng, đỗ lấn chiếm lòng đường, gây cản trở giao thông.

Thứ hai, việc đỗ hai bánh xe ô tô lên vỉa hè sẽ giúp lòng đường dư ra thêm ít nhất 1 mét, đây là khoảng không rất hữu ích trong bối cảnh "tấc đất tấc vàng", nhiều phương tiện phải ken sát từng cm để tránh nhau.

Tất nhiên, việc dùng một phần vỉa hè để đỗ xe như vậy cần đảm bảo các yếu tố như phần nền vỉa hè đủ chắc chắn, đủ rộng để không ảnh hưởng đến người đi bộ và chắn cửa các hộ kinh doanh, bó vỉa là loại có cạnh vát để xe có thể dễ dàng lên xuống được,... Về việc này, phía các cơ quan hữu quan hoàn toàn có thể khảo sát và đưa ra phương án phù hợp.

Tôi mong muốn trong thời gian tới, những biển chỉ dẫn I.408a sẽ được cắm ở nhiều con đường, tuyến phố một cách khoa học hơn để những người thường xuyên sử dụng ô tô như tôi đỡ mệt mỏi mỗi khi cần tìm chỗ đỗ xe.

Độc giả Vũ Thanh Bình

Hoàng Hiệp

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/o-to-do-gac-chan-len-via-he-tuy-gon-gang-nhung-lai-it-noi-cho-phep-2370625.html
Zalo