Ô tô đi đăng kiểm có cần chính chủ?

Nhiều chủ xe thắc mắc liệu đi đăng kiểm xe ô tô, có cần chính chủ xe đưa phương tiện đến cơ sở kiểm định hay không?

Theo tìm hiểu của PV Báo Xây dựng, trên diễn đàn về đăng kiểm xe cơ giới, thời gian gần đây xuất hiện một số câu hỏi của chủ xe về việc có cần chính chủ đưa phương tiện đi kiểm định hay không?

Hiện, không có quy định bắt buộc chủ xe phải đưa ô tô đi kiểm định (ảnh minh họa).

Hiện, không có quy định bắt buộc chủ xe phải đưa ô tô đi kiểm định (ảnh minh họa).

Anh Vũ Viết Đ (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, công ty anh có 3 xe ô tô, mỗi xe lại có lái xe riêng phụ trách và hạn đăng kiểm cũng khác nhau. Khi đi đăng kiểm thì lái xe chủ động đưa phương tiện đi hay phải chủ sở hữu công ty đưa đi?

Chị Nguyễn Thị Ph (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) thắc mắc, do công việc bận nên chị Ph không sắp xếp thời gian đi đăng kiểm trong giờ làm việc được. Liệu có nhờ người thân đưa xe đi kiểm định được hay không?

Về vấn đề này, đại diện một cơ sở đăng kiểm ở Hà Nội cho biết, theo quy định hiện hành, không bắt buộc chủ xe phải đưa phương tiện đi đăng kiểm hoặc nếu không phải có giấy ủy quyền cho người khác đi thay.

Chủ xe hoặc lái xe (bất kỳ ai được chủ xe nhờ) đều có thể đưa phương tiện đến trung tâm đăng kiểm cùng với các giấy tờ theo quy định để thực hiện thủ tục đăng kiểm xe.

Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có số lượng phương tiện lớn.

Thực tế, theo ghi nhận của PV, hiện có cả tình trạng chủ xe thuê người đăng kiểm hộ nếu không thể sắp xếp thời gian đi kiểm định. Tuy nhiên, các cơ sở đăng kiểm cũng khuyến cáo, chủ xe chỉ nên nhờ người quen biết hoặc thuê người có uy tín để tránh xảy ra sự việc không đáng có như: va chạm trên đường di chuyển, thậm chí là bị lừa đảo mất xe.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng VP luật sư Kết nối cho biết, do đăng kiểm hộ là dịch vụ tự phát, không có sự quản lý của nhà nước, không có hợp đồng dịch vụ hay bất cứ văn bản thỏa thuận có giá trị pháp lý nào, nên khi xảy ra sự cố, việc giải quyết sẽ rất phức tạp, rủi ro cho chủ xe lớn.

"Khi đưa cả xe và giấy tờ phương tiện cho một người lạ nhận đăng kiểm hộ hoàn toàn có thể xảy ra nguy cơ mất tài sản hoặc tai nạn giao thông, đặc biệt nếu đó là người không đủ điều kiện để khiển xe tham gia giao thông đường bộ.

Lúc này chủ xe sẽ phải liên đới bồi thường những thiệt hại xảy ra hoặc bị xử phạt theo quy định nếu giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển xe", luật sư Hùng nhìn nhận.

Theo Thông tư 47/2024, khi đưa xe đi đăng kiểm (dù là chủ xe hay bất kỳ ai) cần xuất trình giấy tờ về đăng ký xe gồm một trong các giấy tờ sau: Bản chính chứng nhận đăng ký xe; hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính chứng nhận đăng ký xe; hoặc bản chính giấy hẹn cấp chứng nhận đăng ký xe.

Đối với các thiết bị nâng hàng có sức nâng theo thiết kế từ 1.000 (kg) trở lên; thiết bị nâng người có chiều cao nâng lớn nhất lớn hơn 2,0 (m); xi téc chở khí hóa lỏng, khí dầu mỏ hóa lỏng, khí thiên nhiên nén hoặc các chất lỏng có áp suất làm việc cao hơn 0,7 (bar) hoặc chất lỏng hay chất rắn dạng bột không có áp suất nhưng khi tháo ra dùng khí có áp suất cao hơn 0,7 (bar) theo quy định tại Nghị định 44/2016 cần xuất trình thêm giấy chứng nhận kết quả kiểm định còn hiệu lực (bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính).

Yến Chi

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/o-to-di-dang-kiem-co-can-chinh-chu-192250501142306232.htm
Zalo