Ổ đĩa cứng được tạo ra bởi ông lớn công nghệ nào?
Hơn 60 năm trước một bước nhảy vọt của công nghệ lưu trữ đã ra đời mang tên IBM 305 RAMAC.
Năm 1953, tại phòng thí nghiệm San Jose, California (Mỹ), ông lớn công nghệ IBM đã tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực lưu trữ dữ liệu với phát minh về ổ đĩa cứng, ban đầu được gọi là "Random Access File". Ổ đĩa cứng này tuy chậm hơn so với bộ nhớ trống nhưng lại có giá thành rẻ và nhanh hơn so với loại ổ băng vốn có giá trị đắt đỏ hơn.
Đĩa cứng đầu tiên trên thế giới được tạo ra bởi IBM vào năm 1953.
Ba năm sau, vào năm 1956, ổ đĩa cứng thương mại đầu tiên ra đời, là một phần của hệ thống IBM 305 RAMAC, với tên gọi IBM Model 350. Ổ đĩa này có dung lượng lưu trữ 5MB, một con số ấn tượng vào thời điểm đó, nhưng đi kèm với mức giá "trên trời" 10.000 USD cho mỗi MB.
Để sử dụng hệ thống này, khách hàng phải trả hơn 3.200 USD mỗi tháng (tương đương với hơn 31.000 USD ngày nay) cho việc thuê dịch vụ từ IBM. Mặc dù đắt đỏ, IBM 305 RAMAC đã mở ra kỷ nguyên xử lý dữ liệu theo thời gian thực, cho phép các ngành như ngân hàng, hàng không và chính phủ quản lý lượng dữ liệu khổng lồ một cách hiệu quả hơn.
IBM 305 RAMAC có thiết kế đồ sộ với 50 đĩa 24-inch, khác xa so với các ổ đĩa cứng 3.5" hay 2.5" ngày nay, hay thậm chí là các ổ SSD siêu nhỏ gọn. Tuy nhiên, phát minh này đã thay đổi hoàn toàn cách chúng ta lưu trữ và truy cập dữ liệu, đặt nền móng cho sự phát triển của công nghệ lưu trữ hiện đại.