Ở đâu gặp thiên tai, sự cố, ở đó có lực lượng cứu hộ-cứu nạn

Đó là phương châm hành động, là thực tế diễn ra nhiều năm qua và cũng là đánh giá, khen ngợi của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, nhân dân về lực lượng cứu hộ-cứu nạn. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam), Báo Quân đội nhân dân trích đăng một số đánh giá, ý kiến về nội dung này.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng:

Hoàn thành xuất sắc chức năng Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia

Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Cục Cứu hộ-Cứu nạn đã hoàn thành xuất sắc chức năng Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia. Tham mưu, hướng dẫn các bộ, ban, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị trong toàn quân thực hiện tốt phòng thủ dân sự, ứng phó với sự cố, thảm họa, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Thường xuyên nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng chỉ đạo, điều hành, xử lý có hiệu quả hơn 60.000 sự cố thiên tai, dịch bệnh, góp phần làm giảm thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân...

Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ghi nhận, biểu dương và tin tưởng rằng thời gian tới, Cục Cứu hộ-Cứu nạn tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, nêu cao tinh thần, trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Bộ đội tích cực tham gia chữa cháy rừng tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.

Bộ đội tích cực tham gia chữa cháy rừng tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.

Ông Haldung Tekneci, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam:

Các đội cứu hộ, cứu nạn của Việt Nam làm việc không mệt mỏi

Trận động đất ngày 6-2-2023 là một trong những thảm họa thiên nhiên nặng nề nhất trong lịch sử đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, những dư chấn lớn gây ra nhiều thương vong cũng xảy ra liên tiếp sau đó. Mặc dù đã có kinh nghiệm ứng phó với động đất, nhưng quy mô và mức độ tàn phá nghiêm trọng của các trận động đất này vượt ra ngoài khả năng của Thổ Nhĩ Kỳ nên rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên cử lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tới Thổ Nhĩ Kỳ. Các đội cứu hộ, cứu nạn của Việt Nam ở hai thành phố Ariaman và Hatay tận mắt chứng kiến thực trạng vô cùng tàn khốc và họ đã làm việc không mệt mỏi trong công tác cứu hộ, cứu nạn. Trước khi trở về Việt Nam, họ còn tặng đất nước chúng tôi các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn của mình... Nghĩa cử cao đẹp này đã thể hiện rõ cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện sứ mệnh nhân đạo toàn cầu. Điều này cũng thể hiện mối quan hệ hết sức tốt đẹp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam trong nhiều năm qua...

Ông Đào Duy Hậu (xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi):

Giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển

Lúc khoảng 4 giờ sáng 8-7-2024, khi tàu của chúng tôi đang đánh cá gần đảo Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam thì nhận được thông báo của lực lượng Quân đội đề nghị các tàu trong khu vực cứu hộ, cứu nạn tàu cá QNa 92099 TS bị phá nước, chìm tàu, trên tàu gặp nạn có 9 ngư dân. Nhận được thông tin, mặc dù tàu của chúng tôi cách tàu bị nạn khoảng 4 hải lý, giữa biển trời tối đen như mực, chúng tôi vẫn tức tốc đến hiện trường để cứu hộ, cứu nạn. Khi chúng tôi đến nơi thì thấy nhiều ngư dân đang chới với giữa trùng khơi, có người trôi dạt ra khỏi con tàu bị đắm khoảng 1 hải lý. Rất may là chúng tôi đã kịp thời cứu được cả 9 ngư dân, sau đó bàn giao cho Bộ đội Biên phòng nhanh chóng đưa vào bờ...

Là ngư dân quanh năm làm ăn giữa biển khơi, chúng tôi cảm thấy rất yên tâm bởi Quân đội luôn có lực lượng canh trực cứu hộ, cứu nạn 24/24 giờ cả ở trung tâm chỉ huy và các đơn vị, các tàu hoạt động trên biển. Mỗi khi có bất trắc xảy ra, cán bộ, chiến sĩ Quân đội luôn thông tin nhanh chóng và khẩn trương cơ động đến ứng cứu, đồng thời kêu gọi các tàu ở gần tham gia cứu hộ, cứu nạn. Trước khi có bão, áp thấp nhiệt đới vào vùng biển nước ta, người dân làm ăn trên biển luôn được Bộ đội Biên phòng, Bộ đội Hải quân, Cảnh sát biển cảnh báo và hướng dẫn, hỗ trợ phòng, tránh để bảo đảm an toàn... Các lực lượng của Quân đội thực sự là chỗ dựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, vừa phát triển kinh tế vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

SƠN BÌNH (lược ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/o-dau-gap-thien-tai-su-co-o-do-co-luc-luong-cuu-ho-cuu-nan-788705
Zalo