Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội

Với cách làm sáng tạo, xây dựng nhiều phong trào, mô hình phù hợp, năm 2024, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên đã thu hút thêm 3.765 hội viên, đạt 190% so với chỉ tiêu đăng ký đầu năm. Kết quả này không chỉ góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh mà còn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em, kịp thời định hướng tư tưởng trong hội viên, phụ nữ.

Chị em phụ nữ thị trấn Đu tích cực tham gia cuộc thi ảnh "Duyên dáng áo dài" do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phát động.

Chị em phụ nữ thị trấn Đu tích cực tham gia cuộc thi ảnh "Duyên dáng áo dài" do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phát động.

Mô hình gắn kết hội viên

Trước đây, bà Hoàng Thị Thùy, dân tộc Tày, xóm Thống Nhất 1, xã Quy Kỳ (Định Hóa), chủ yếu tập trung vào công việc đồng áng và gia đình, ít quan tâm đến hoạt động Hội. Tuy nhiên, khi Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh triển khai mô hình điểm "Tổ hợp tác sản xuất gạo J02 theo tiêu chuẩn hữu cơ" ngay tại địa phương, bà Thùy được chi hội phụ nữ xóm động viên tham gia. Kể từ đó, bà trở thành hội viên tích cực.

Bà Hoàng Thị Thùy: Từ ngày vào hội, tôi không chỉ học được kinh nghiệm phát triển kinh tế mà còn được cung cấp kiến thức về chuyển đổi số, tham gia nhiều chương trình văn hóa, thể thao giúp tinh thần thoải mái, sức khỏe cải thiện. Nhờ là thành viên tổ hợp tác sản xuất gạo J02, có chị em đồng hành, thu nhập từ đồng ruộng của tôi đã tăng gấp đôi so với trước đây. Các hoạt động quảng bá sản phẩm nông sản do hội tổ chức cũng giúp tôi mở mang hiểu biết, thêm tự hào về sản phẩm quê hương.

Nhằm thu hút hội viên, các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh đã tập trung xây dựng các mô hình tổ hợp tác, nhóm sở thích giúp phụ nữ có thêm cơ hội giao lưu, học tập. Hội cũng phát động mỗi tổ chức hội cơ sở xây dựng một mô hình mới nhằm tập hợp hội viên theo sở thích, lứa tuổi, nghề nghiệp. Trong đó, các phong trào, mô hình cần chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, đặc biệt là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Chính sự thiết thực này giúp chị em nhận ra ý nghĩa của tổ chức hội và tự nguyện tham gia.

Nhiều phụ nữ đã tự tin, mạnh dạn khi tham gia tổ chức hội.

Nhiều phụ nữ đã tự tin, mạnh dạn khi tham gia tổ chức hội.

Trong ba năm qua, hội đã xây dựng 326 tổ phụ nữ và phát triển 7.465 mô hình tập hợp hội viên, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như: “Chăm sóc và hỗ trợ trẻ thơ”, “văn hóa - thể thao”, “xây dựng gia đình hạnh phúc”, “bảo vệ môi trường”, “phòng, chống bạo lực gia đình”, “bình đẳng giới”... Những mô hình này không chỉ giúp nâng cao đời sống mà còn kịp thời tư vấn, giải quyết những vướng mắc liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh còn chú trọng tổ chức các hội thi, giao lưu văn hóa, thể thao như: Hội thi Nấu ăn "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương", Hội thi Dân vũ thể thao, "Duyên dáng áo dài", "Nét đẹp phụ nữ"; tổ chức các giải bóng chuyền, bóng đá nữ theo cụm xã nhân các ngày lễ lớn... Những hoạt động này đã tạo cơ hội cho hội viên, phụ nữ giao lưu, học hỏi, tăng cường đoàn kết, đồng thời giúp chị em rèn luyện sức khỏe, bồi đắp tự tin, tự trọng, chủ động trong cuộc sống.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã có trên 1.000 câu lạc bộ dân vũ, bóng chuyền hơi, bóng đá nữ với hơn 185.000 hội viên tham gia. Đây không chỉ là sân chơi bổ ích mà còn là cầu nối giúp chị em gắn kết với tổ chức hội.

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ

Ngoài các hoạt động kể trên, các cấp Hội LHPN luôn quan tâm đến công tác nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ thông qua việc đổi mới các hoạt động hỗ trợ hội viên. Hội đã triển khai nhiều mô hình giúp phụ nữ thoát nghèo, đẩy mạnh phong trào thi đua làm kinh tế giỏi, tổ chức đào tạo nghề và giới thiệu việc làm.

Cụ thể, năm 2024, hội đã phối hợp tổ chức 90 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, hướng dẫn chăm sóc cây trồng, vật nuôi với sự tham gia của 8.550 hội viên. Hội cũng phối hợp đào tạo nghề cho trên 8.900 lao động nữ, trong đó 7.457 phụ nữ có việc làm ngay sau đào tạo.

Nhiều hội viên phụ nữ huyện Phú Lương đã tham gia thể dục dưỡng sinh, rèn luyện sức khỏe.

Nhiều hội viên phụ nữ huyện Phú Lương đã tham gia thể dục dưỡng sinh, rèn luyện sức khỏe.

Cùng với đó, hoạt động hỗ trợ hội viên tiếp cận tín dụng để phát triển sản xuất, tăng thu nhập cũng được đẩy mạnh. Hiện nay, tổng vốn do hội quản lý đạt 3.512 tỷ đồng, cho 44.971 lượt hội viên vay vốn. Nhờ những nỗ lực này, đến hết năm 2024, các cấp hội đã giúp đỡ 770 hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo và cận nghèo.

Bà Hứa Thị Châu Giang, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh: Với việc đa dạng hóa các mô hình, phong trào, các cấp hội đã tạo được niềm tin và sự gắn bó của đông đảo phụ nữ. Điều này giúp tổ chức hội ngày càng phát triển mạnh mẽ, có sức hút thực sự đối với hội viên.

Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, bám sát phương châm “Ở đâu có hội viên, phụ nữ thì ở đó có hoạt động hội”. Mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi nhất để phụ nữ tham gia sinh hoạt, học tập, rèn luyện ngay trong tổ chức của mình. Qua đó, không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống hội viên mà còn góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, chuyên nghiệp và hiệu quả.

Thu Hà

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202502/o-dau-co-phu-nu-o-do-co-hoat-dong-hoi-26d2fe1/
Zalo