Ổ cứng nhanh nhất thế giới nhỏ hơn hạt gạo, có khả năng xóa và ghi lại dữ liệu nhanh gấp 100.000 lần

Thiết bị lưu trữ có kích thước nhỏ hơn hạt gạo này phá vỡ giới hạn tốc độ tưởng chừng không thể, với khả năng xóa và ghi lại dữ liệu nhanh hơn 100.000 lần trước đây.

Trong bối cảnh thế giới đang chạy đua phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến, các nhà khoa học Trung Quốc đã giải mã được tốc độ bộ nhớ từng bị coi là bất khả thi, bằng thiết bị nhỏ hơn cả hạt gạo.

Hôm 18.4, các nhà nghiên cứu tại Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) đã công bố Poxiao (Bình Minh), thiết bị bộ nhớ flash nhanh nhất từng được tạo ra, có thể xóa và ghi dữ liệu trong vòng 400 picosecond. 1 picosecond là một phần nghìn tỉ của 1 giây.

Dù nguyên mẫu hiện tại chỉ lưu được vài kilobyte, vừa đủ để hiển thị bài viết này, nhưng thiết kế đột phá của Poxiao đã phá vỡ rào cản tốc độ lưu trữ hiện đại gấp 100.000 lần, mở ra tương lai nơi "bộ não AI" có thể đọc và ghi dữ liệu nhanh như tốc độ tư duy.

Được công bố trên tạp chí Nature, bước tiến này trong vật lý điện tử có thể sớm làm mờ ranh giới giữa bộ nhớ và khả năng tính toán.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Phúc Đán cho biết đã vượt qua giới hạn về tốc độ lưu trữ thông tin với Poxiao - Ảnh minh họa

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Phúc Đán cho biết đã vượt qua giới hạn về tốc độ lưu trữ thông tin với Poxiao - Ảnh minh họa

Vượt qua giới hạn tốc độ lưu trữ thông tin từ lâu đã là một trong những thách thức cơ bản nhất trong lĩnh vực vi mạch tích hợp (IC) và cũng là nút thắt kỹ thuật chính kìm hãm tiềm năng sức mạnh điện toán của AI.

IC là một tập các mạch điện chứa các linh kiện bán dẫn (như transistor) và linh kiện điện tử thụ động (như điện trở) được kết nối với nhau để thực hiện được một chức năng xác định.

Nói cách dễ hiểu hơn, IC là thiết bị điện tử thu nhỏ được chế tạo trên một tấm bán dẫn, thường là silicon. Nó bao gồm hàng tỉ hoặc thậm chí hàng nghìn tỉ linh kiện điện tử được kết nối với nhau để thực hiện một chức năng cụ thể, ví dụ khuếch đại tín hiệu, xử lý dữ liệu hoặc lưu trữ thông tin. IC có nhiều ưu điểm so với các mạch điện truyền thống được làm từ các linh kiện rời rạc, gồm kích thước nhỏ gọn, chi phí sản xuất thấp, ít bị hỏng, hiệu suất cao.

IC đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của công nghệ điện tử trong những thập kỷ qua. Chúng được sử dụng trong vô số thiết bị điện tử, gồm máy tính, smartphone, ô tô, thiết bị gia dụng và thiết bị y tế.

Dưới đây là một số ví dụ cụ thể về các loại mạch tích hợp:

Bộ vi xử lý: Là "bộ não" của máy tính, chịu trách nhiệm thực hiện các phép toán và xử lý thông tin, được làm bằng mạch tích hợp silicon có chứa hàng tỉ bóng bán dẫn.

Bộ nhớ: Được sử dụng để lưu trữ dữ liệu, chẳng hạn chương trình máy tính và file. Có hai loại bộ nhớ chính là bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên (RAM) và bộ nhớ chỉ đọc (ROM). Cả hai loại bộ nhớ này đều được làm bằng mạch tích hợp silicon.

Mạch logic: Được sử dụng để thực hiện các phép toán logic, chẳng hạn AND, OR và NOT. Chúng được sử dụng trong nhiều thiết bị điện tử gồm máy tính, hệ thống điều khiển và thiết bị điện tử tiêu dùng.

Kiến trúc lưu trữ hiện nay tồn tại nhiều hạn chế cố hữu. Trong khi bộ nhớ dễ mất dữ liệu như SRAM và DRAM mang đến tốc độ cao, chúng lại có dung lượng thấp, tiêu thụ nhiều điện, chi phí sản xuất cao và mất dữ liệu khi mất điện. Ngược lại, bộ nhớ không mất dữ liệu (bộ nhớ điện tĩnh hay bộ nhớ bất biến) như flash có dung lượng lớn hơn, tiêu thụ ít điện và lưu trữ dữ liệu bền bỉ, nhưng lại chậm hơn nhiều về tốc độ.

Nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu tăng tốc bộ nhớ flash, tận dụng ưu điểm sẵn có, đồng thời giải quyết hạn chế về tốc độ.

Đơn vị lưu trữ cơ bản của bộ nhớ flash là transistor (bóng bán dẫn) cổng nổi, nơi các electron di chuyển vào và ra khỏi vùng lưu trữ dưới tác động của điện áp, cho phép ghi dữ liệu. “Trước đây, để tăng tốc, người ta tăng tốc cho electron trước khi chúng đi vào hoặc rời khỏi vùng lưu trữ”, Liu Chunsen, trưởng dự án nghiên cứu, phát biểu trong thông cáo từ Đại học Phúc Đán.

Song theo các mô hình lý thuyết truyền thống, quá trình “làm nóng” này diễn ra chậm và tồn tại giới hạn tốc độ, khiến flash không thể vượt qua rào cản lý thuyết.

Transistor cổng nổi là một loại bóng bán dẫn hiệu ứng trường (MOSFET) đặc biệt có khả năng lưu trữ thông tin (dưới dạng điện tích) trong một thời gian dài mà không cần nguồn điện nuôi. Đây chính là thành phần cấu tạo cơ bản của các loại bộ nhớ không mất dữ liệu rất phổ biến hiện nay như:

Bộ nhớ flash dùng trong ổ USB, thẻ nhớ SD, ổ cứng thể rắn (SSD).

EEPROM (bộ nhớ chỉ đọc lập trình được và xóa được bằng điện).

EPROM (bộ nhớ chỉ đọc có thể xóa và lập trình được - loại cũ hơn).

Tóm lại, transistor cổng nổi là linh kiện bán dẫn hoạt động như "công tắc điện tử" có khả năng ghi nhớ trạng thái bật/tắt của nó (tương ứng với bit 0/1) dựa trên lượng điện tích được lưu trữ ở một cực cổng bị cô lập về điện. Đây là nền tảng cho công nghệ bộ nhớ flash đã cách mạng hóa việc lưu trữ dữ liệu di động và tốc độ cao.

“Đã 60 năm kể từ khi Bell Labs giới thiệu transistor cổng nổi. Nếu chúng ta cứ bám vào lý thuyết cũ hoặc chỉ trông chờ thay đổi vật liệu, sẽ không thể đạt đột phá. Đó là lý do vì sao chúng tôi tập trung phát triển hướng đi hoàn toàn mới”, Liu Chunsen thổ lộ.

Bell Labs là một trong những phòng thí nghiệm nghiên cứu khoa học và công nghệ nổi tiếng nhất thế giới, có ảnh hưởng rất lớn trong nhiều lĩnh vực như điện tử, viễn thông, máy tính, vật lý và AI. Bell Labs được thành lập năm 1925, ban đầu là bộ phận nghiên cứu của hãng AT&T, sau này thuộc Lucent Technologies rồi đến Nokia.

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra một phương pháp mới để tăng tốc bộ nhớ flash, cho phép electron chuyển trực tiếp từ trạng thái tốc độ thấp sang cao mà không cần giai đoạn “làm nóng”. Lý thuyết mới này gọi là 2D-enhanced hot-carrier injection, đã dẫn đến sự ra đời của nguyên mẫu Poxiao.

Trong các thử nghiệm, tốc độ xóa-ghi của Poxiao đạt 400 picosecond, vượt qua cả bộ nhớ dễ mất dữ liệu nhanh nhất thế giới hiện nay là SRAM ở cùng mức công nghệ. So với tốc độ vài trăm microsecond của flash thông thường, Poxiao nhanh hơn tới hơn 100.000 lần.

Theo bài viết trên trang web của Đại học Phúc Đán, đây là công nghệ lưu trữ bán dẫn nhanh nhất thế giới tính đến hiện tại, đạt được tốc độ lưu trữ và tính toán ngang nhau. “Khi mở rộng quy mô sản xuất hàng loạt, nó được kỳ vọng sẽ làm thay đổi hoàn toàn kiến trúc lưu trữ hiện nay”, theo bài viết.

“Dựa trên công nghệ này, trong tương lai, máy tính cá nhân có thể không còn cần phân biệt giữa bộ nhớ và lưu trữ ngoài, xóa bỏ hệ thống lưu trữ phân tầng và cho phép triển khai cục bộ các mô hình AI lớn”, trích nội dung bài viết.

Nhóm nghiên cứu đã bắt đầu tìm hiểu thiết bị bộ nhớ flash từ năm 2015. Năm 2021, họ đưa ra mô hình lý thuyết ban đầu và năm ngoái đã phát triển thiết bị flash siêu nhanh với chiều dài kênh chỉ 8 nanomet, vượt qua giới hạn kích thước vật lý của bộ nhớ flash dựa trên silicon (khoảng 15 nanomet).

Poxiao hiện đang tiến tới giai đoạn sản xuất. Kết hợp với công nghệ CMOS, Poxiao đã được chế tạo thành công ở cấp độ kilobyte.

Trong vòng 5 năm tới, nhóm nghiên cứu hy vọng có thể mở rộng quy mô lên hàng chục megabyte, được cấp phép và sẵn sàng đưa ra thị trường.

CMOS là công nghệ chủ yếu được sử dụng để chế tạo IC. Các loại chip sử dụng công nghệ CMOS rất phổ biến gồm:

Bộ vi xử lý: "Bộ não" của máy tính và nhiều thiết bị điện tử khác.

Bộ vi điều khiển: Các chip nhỏ hơn dùng để điều khiển thiết bị cụ thể.

SRAM: Loại bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên nhanh.

Các mạch logic kỹ thuật số khác như cảm biến hình ảnh (trong máy ảnh kỹ thuật số), bộ chuyển đổi dữ liệu...

Đặc điểm chính và ưu điểm của CMOS

Tiêu thụ điện năng thấp: Đây là ưu điểm nổi bật nhất. Mạch CMOS chỉ tiêu thụ một lượng điện năng đáng kể khi các transistor bên trong nó chuyển đổi trạng thái (từ bật sang tắt hoặc ngược lại). Khi ở trạng thái tĩnh (không chuyển đổi), nó tiêu thụ rất ít điện. Điều này làm cho CMOS trở thành lựa chọn lý tưởng cho các thiết bị chạy bằng pin như điện thoại di động, laptop.

Mật độ tích hợp cao: Công nghệ CMOS cho phép "nhồi nhét" rất nhiều bóng bán dẫn vào một diện tích nhỏ trên chip silicon, tạo ra các vi mạch phức tạp và mạnh mẽ.

Khả năng chống nhiễu tốt: Mạch CMOS tương đối ổn định và ít bị ảnh hưởng bởi nhiễu điện từ.

Cách hoạt động

Công nghệ CMOS sử dụng một cặp bóng bán dẫn MOSFET loại p (p-type) và loại n (n-type) bổ sung cho nhau. Khi một loại bóng bán dẫn bật thì loại kia tắt, giúp hạn chế dòng điện chạy qua khi mạch ở trạng thái ổn định, từ đó tiết kiệm năng lượng.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/o-cung-nhanh-nhat-the-gioi-nho-hon-hat-gao-co-kha-nang-xoa-va-ghi-lai-du-lieu-nhanh-gap-100-000-lan-231677.html
Zalo