'Ở Áo 2 năm, tôi chỉ có mấy tháng không sống trong cảnh phong tỏa'

Một số người Việt tại Áo mệt mỏi vì phải chịu cảnh phong tỏa dù đã tiêm vaccine, khác với lời hứa trước đó của chính phủ. Họ e ngại sẽ lại trải qua một mùa Giáng sinh ảm đạm nữa.

Đặt chân tới Áo từ đầu năm 2020, Hoàng Khánh Linh - du học sinh ở Linz, thủ phủ bang Thượng Áo - đã trải qua tới 4 lần phong tỏa tại nơi đất khách quê người.

“Từ năm 2020 tới giờ, thời gian tôi sống không chịu cảnh phong tỏa chắc chỉ vài tháng”, Linh chia sẻ với Zing.

Phong tỏa là điều mà những người sống ở Áo nhắc đến suốt hai năm qua. Bắt đầu từ ngày 22/11, Áo chính thức bước vào đợt phong tỏa Covid-19 toàn quốc lần thứ 4 với các biện pháp hạn chế đời sống công cộng nghiêm ngặt.

Đây là quốc gia Tây Âu đầu tiên tái áp đặt các biện pháp phong tỏa cứng rắn hồi mùa thu nhằm đối phó với tình trạng ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng đột biến, theo Reuters.

Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg cho biết lệnh phong tỏa lần thứ 4 sẽ có hiệu lực tối đa 20 ngày, tới ngày 13/12. “Từ thời điểm đó, những người đã tiêm vaccine hoặc đã khỏi bệnh sẽ không phải chịu thêm bất cứ biện pháp phong tỏa nào nữa”, ông nói.

Nhưng kế hoạch ấy có thực hiện được hay không thì chưa rõ.

 Một con phố vắng vẻ ở Áo vào ngày 23/11, sau khi chính phủ áp đặt biện pháp phong tỏa. Ảnh: NVCC.

Một con phố vắng vẻ ở Áo vào ngày 23/11, sau khi chính phủ áp đặt biện pháp phong tỏa. Ảnh: NVCC.

“Chính phủ Áo hứa nhưng không thực hiện”

Hoàng Linh cho biết nhiều người bản xứ rất thất vọng với cách làm việc của chính phủ bởi họ từng hứa người đã tiêm chủng đầy đủ sẽ không phải chịu cảnh phong tỏa.

“Người dân cho rằng họ đã làm tất cả những gì được yêu cầu, nhưng cuối cùng vẫn bị phong tỏa, và như thế là bất công”, chị nói. Bản thân chị thấy buồn nhưng cũng không bất ngờ bởi quyết định này, vì nước Áo đã nhiều lần mở cửa rồi lại phong tỏa trong 2 năm qua.

Đồng quan điểm, Thảo - sống tại Áo 5 năm - cho hay phản ứng mọi người xung quanh khá tiêu cực, bởi họ đều nghĩ tiêm chủng chính là giải pháp để mọi chuyện qua đi.

Thất vọng và mất niềm tin vào chính phủ là cảm xúc mà chị Thủy trải qua khi nghe lệnh phong tỏa toàn quốc. Chị hoàn toàn tin tưởng vào tuyên bố người tiêm vaccine sẽ sống bình thường mới, kể cả khi chính phủ ban hành lệnh phong tỏa với người chưa chủng ngừa vào ngày 14/11.

“Những người xung quanh tôi chung cảm xúc thất vọng. Nhiều người nói rằng họ cảm thấy như bị điều khiển và mất quyền tự do”, chị chia sẻ, nói thêm rằng cả người từ trước tới nay tin tưởng chính phủ cũng bắt đầu thay đổi vì “mệt mỏi với hạn chế mới và những lời hứa không thành sự thực”.

Một lý do khác dẫn tới bất mãn, theo chị Nguyễn Khánh Linh - nghiên cứu sinh ngành y sinh, là người Áo cho rằng chính phủ đã không có quyết định hợp lý và nhanh chóng hơn - phong tỏa người không tiêm vaccine khi số ca nhiễm chưa tăng cao.

“Một số người cho rằng nhà nước chỉ đưa các quyết định tồi tệ nhất vào thời điểm khó khăn nhất và muộn màng nhất”, chị nói.

Các hoạt động phản đối nổ ra ở nhiều nơi, trong đó có cuộc biểu tình trên toàn quốc bắt đầu vào hôm 22/11. Khoảng 40.000 người đã tập trung phản đối lệnh phong tỏa tại Vienna hôm 20/11 dưới sự dẫn dắt của đảng Tự do cực hữu.

Chị Hoàng Linh kể lại trong những lần đi tàu gần đây, chị thấy có nhiều người, như nhóm tuổi vị thành niên và nam giới trung niên, công khai chống đối luật lệ bằng cách không đeo khẩu trang. Họ bất cần và sẵn sàng gây gổ khi người có thẩm quyền can thiệp và nhắc nhở. Dù Áo đã qua nhiều đợt phong tỏa, tình trạng này vẫn lặp lại.

“Mọi thứ đều cần có sự đóng góp và hy sinh”

Trước thông tin Áo bắt buộc toàn bộ cư dân tiêm vaccine ngừa Covid-19 từ tháng 2/2022, chị Thảo cho biết dù một số ít người xung quanh chị phản đối lệnh này, đa phần vẫn đồng tình bởi họ hiểu được sự quan trọng của vaccine.

“Có người bạn của tôi ra đi vì Covid-19 dù còn rất trẻ, và bạn đó lựa chọn không tiêm vaccine”, chị kể.

Hoàng Linh cũng ủng hộ việc bắt buộc tiêm vaccine, bởi chị cảm thấy phong tỏa nhiều “cực quá rồi, sức của con người đã tới giới hạn”.

Trong khi đó, Nguyễn Linh nhận định tiêm vaccine không chỉ bảo vệ sức khỏe chính mình mà còn cho những người xung quanh. Sau lệnh phong tỏa với đối tượng chưa tiêm chủng, Thủy cũng nhận thấy nhiều người đã nhanh chóng đi tiêm, đa phần là những người lưỡng lự vì chưa hoàn toàn tin tưởng vào vaccine, lo lắng tác dụng phụ, hoặc còn “chờ đợi một điều gì đó, ví dụ như bị ép mới tiêm”.

“Anh giao hàng tại cửa hàng tôi mới chỉ đi tiêm mũi một gần đây khi chính phủ thắt chặt các quy định”, chị chia sẻ. Theo AFP, số người đăng ký tại các điểm tiêm chủng đã tăng lên đáng kể sau thông báo của thủ tướng Áo.

Tại Áo, việc tiêm chủng rất dễ dàng và thuận tiện. Điểm tiêm có mặt ở khắp nơi, từ siêu thị, tiệm thuốc, điểm tiêm chủng dã chiến hay xe buýt tiêm chủng. Tuy nhiên, theo thống kê, hiện Áo mới tiêm chủng cho khoảng 65,5% dân số, trong số 8,9 triệu dân.

Vì vậy, chính phủ quyết định mạnh tay với những người chưa tiêm chủng. “Ngay từ bây giờ, cá nhân chưa tiêm sẽ nhận được thư mời của chính phủ qua đường bưu điện, đề xuất lịch hẹn chủng ngừa cụ thể”, chị Thủy cho biết. Những người từ chối sẽ đối mặt với án phạt lên tới hơn 4.000 USD khi lệnh tiêm chủng bắt buộc có hiệu lực vào năm tới.

 Người dân xếp hàng tiêm chủng tại xe buýt vaccine Covid-19 ở Vienna, Áo. Ảnh: Shutterstock

Người dân xếp hàng tiêm chủng tại xe buýt vaccine Covid-19 ở Vienna, Áo. Ảnh: Shutterstock

“Phong tỏa kiểu nửa mùa”

Sau lệnh phong tỏa, tại thành phố Wels nơi chị Thảo sinh sống, đường phố vắng hơn hẳn và người dân chấp hành khá nghiêm túc.

“Tôi sống ở thành phố nhỏ nên cũng ít khi nghe thấy tiếng còi xe cứu thương dù nhà khá gần bệnh viện”, chị nói. Cảnh sát sẽ kiểm tra giấy tờ, nếu di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác không có lý do chính đáng thì sẽ bị phạt tiền.

“Người đi siêu thị phải đeo khẩu trang, ai không đeo sẽ bị phạt tiền hoặc nhân viên siêu thị có quyền mời ra khỏi siêu thị”, chị cho hay.

Cách đó không xa, trung tâm thành phố Linz lại không có gì thay đổi nhiều. Đường đầy người đi lại, trên tàu điện nội thành đông đúc. Kể cả muốn ra khỏi thành phố, chị Hoàng Linh vẫn có thể đi ôtô và tàu liên bang. Trường học đóng cửa nhưng sinh viên vẫn tới thi, ngồi thi cùng phòng có nhiều người không đeo khẩu trang.

“Phong tỏa kiểu ‘nửa mùa’ lắm”, chị nói. “Không có thay đổi gì, ai thích đi đâu vẫn cứ đi”.

Nguyễn Linh - sống tại thành phố Graz, thủ phủ của bang Steiermark - bất ngờ khi trung bình có tới chục nghìn ca nhiễm mỗi ngày nhưng Áo “phong tỏa khá cởi mở, dựa vào ý thức người dân là chính”.

Trước khi phong tỏa toàn quốc, tại nhiều hàng quán, chị cho biết việc kiểm tra chứng nhận vaccine không quá gắt gao: “Thường người bán sẽ chỉ hỏi đã tiêm vaccine hay chưa chứ ít khi kiểm tra chứng nhận”.

Với chị, tuy chính phủ siết chặt các biện pháp, nhu cầu cơ bản vẫn được đáp ứng đầy đủ, ngoại trừ việc hàng quán bán mang về và các dịch vụ giải trí bị đóng cửa.

Lệnh phong tỏa mới được đưa ra từ hôm 22/11 khi tình trạng các ca mắc Covid-19 hàng ngày tiếp tục tăng và giường chăm sóc đặc biệt thiếu hụt nghiêm trọng.

Chị Thảo - làm việc tại bệnh viện nhưng đang trong thời gian nghỉ thai sản - kể rằng trừ khoa cấp cứu, các khoa còn lại đang giảm tiếp nhận bệnh nhân để dành giường cho người mắc Covid-19. Các ca mổ không gấp cũng phải tính toán để lùi lại.

Trong khi đó, theo chị Thủy, nếu không mắc những bệnh quá nghiêm trọng hoặc cần cấp cứu, người dân chỉ có thể yêu cầu bác sĩ khám tại nhà hoặc tới phòng khám tư, vì nhiều bệnh viện đã quá tải.

“Bác sĩ khám tại nhà cũng quá tải khiến cho việc đặt lịch hẹn rất khó và phải chờ khá lâu mới được thăm khám”, chị cho biết.

Một Giáng sinh buồn?

Nhiều người phải hủy kế hoạch Giáng sinh vì lệnh phong tỏa tới bất ngờ. Một số người cho biết mùa lễ ở những thành phố đẹp nhất Áo năm nay giảm hẳn sự lung linh, nhộn nhịp vốn có khi các khu chợ, nhà hát, hay rạp chiếu phải đóng cửa.

Mùa lễ hội năm ngoái, thành phố của chị Thảo cũng ngưng hoạt động chợ Giáng sinh - điểm thu hút lượng lớn khách du lịch - vì lệnh phong tỏa nên chị đã mong chờ sẽ được tới trong năm nay.

“Các kế hoạch mở cửa giờ bị hủy hết. Kế hoạch tụ tập tại nhà với bạn bè hay gia đình cũng vậy”, chị chia sẻ.

Khung cảnh khu chợ ở thành phố Graz, Áo trước và sau phong tỏa. Ảnh: NVCC.

Khung cảnh khu chợ ở thành phố Graz, Áo trước và sau phong tỏa. Ảnh: NVCC.

Ban đầu còn hào hứng về lần đầu tiên trải nghiệm Giáng sinh ở Áo, Nguyễn Linh chia sẻ “có lẽ năm nay sẽ lại là một Giáng sinh buồn”.

“Khu chợ Giáng sinh đóng cửa và chưa rõ sau phong tỏa có được mở lại không, nên không khí Giáng sinh có phần chùng xuống”, chị cho biết.

Trong khi đó, đối với người làm trong ngành kinh doanh như chị Thủy, Giáng sinh và năm mới được xem là thời điểm “hái ra tiền” của nhà hàng, vì vậy lệnh phong tỏa kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến chị.

“Vào năm ngoái, Áo cũng đã phong tỏa ngay trước thềm Giáng sinh và năm mới, nhưng chính phủ đã có những gói hỗ trợ hợp lý cho nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa”, chị cho biết.

Năm nay, chị hy vọng kịp mở cửa nhà hàng trước mùa Giáng sinh sắp tới. “Nhà hàng được phép bán cho khách mang về hoặc giao hàng tận nhà, nên tôi vẫn lạc quan về doanh thu”, chị Thủy nói.

“Tôi hy vọng lần phong tỏa này sẽ kéo dài đúng 20 ngày như chính phủ nói”, chị Thủy nói.

Minh An - Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/o-ao-2-nam-toi-chi-co-may-thang-khong-song-trong-canh-phong-toa-post1279549.html
Zalo