Nuốt hơn 30 viên nam châm, bé trai thủng 8 lỗ ở ruột
Ngày 19/9, BS Nguyễn Hiền, khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và can thiệp cho trường hợp trẻ bị thủng ruột, nguy hiểm tính mạng vì nuốt nam châm đồ chơi.
Đó là trường hợp bệnh nhi N.V.T. (3 tuổi, ngụ tại TPHCM) vào viện với triệu chứng đau bụng kèm nôn ói. Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận bụng của trẻ bị trướng, đau nhiều, có biểu hiện sốt và nhiễm trùng nặng. Theo bệnh sử, trước đó bé cùng người anh 11 tuổi chơi món đồ là các viên nam châm.
Kết quả kiểm tra hình ảnh ghi nhận, chuỗi dị vật cản quang dính vào nhau trong bụng của trẻ. Sau hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị thủng ruột do nuốt dị vật nghi là các viên nam châm. Bệnh nhi được chỉ định thực hiện phẫu thuật cấp cứu ngay trong đêm.
BS Nguyễn Hiền cho biết, quá trình phẫu thuật nội soi vào ổ bụng ghi nhận ruột của trẻ bị thủng nhiều nơi, tràn nhiều phân ra ổ bụng. Ê kíp đã tách dính ruột và phát hiện nhiều viên nam châm dính nhau, chia làm 2 đoạn, một đoạn đầu ruột non, một đoạn cuối ruột non với 8 lỗ thủng.
Các bác sĩ đã lấy ra tổng cộng là 31 viên nam châm trong ruột của bệnh nhi và khâu lại 8 lỗ thủng. Sau phẫu thuật, sức khỏe của trẻ dần ổn định. Đây là trường hợp trẻ nuốt nam châm có số lượng nhiều nhất từ trước đến nay được ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Theo bác sĩ Hiền, nuốt dị vật tiêu hóa là tai nạn sinh hoạt thường gặp ở trẻ. Tai nạn do dị vật nam châm đường tiêu hóa cũng từng được ghi nhận khoảng 10 trường hợp tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Khác với các loại dị vật thông thường cơ thể có khả năng đào thải qua đại tiện, dị vật nam châm với điện cực âm và dương khi nuốt nhiều viên vào đường ruột chúng sẽ hít lại với nhau, làm dính các quai ruột, gây thiếu máu hoại tử, thủng ruột.
Để tránh tai nạn tương tự có thể xảy ra, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh có con nhỏ cần để ý, cho bé chơi đồ chơi phù hợp với lứa tuổi, không cho trẻ chơi những món đồ nhỏ, có thể bỏ vào miệng hoặc nhét vào các lỗ tự nhiên trên cơ thể; không nên để trẻ nhỏ tự chơi một mình khi không có sự giám sát của người lớn; nên kiểm tra thành phần, số lượng các loại đồ chơi của trẻ, nhất là sau khi trẻ chơi xong; nên đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám ngay nếu phát hiện hay nghi ngờ trẻ nuốt dị vật.