Nuôi tằm ở Bộc Bố cho thu nhập cao
Sau khi tham khảo và đi học tập kinh nghiệm, kỹ thuật tại một số tỉnh, Hợp tác xã dâu tằm Bộc Bố đã được một số người dân thành lập tại xã Bộc Bố (Pác Nặm) với ngành nghề chính là trồng dâu, nuôi tằm. Sản phẩm kén tằm xuất bán làm vải sợi xuất khẩu có giá bán ổn định, đem lại thu nhập cao cho các thành viên.
Dẫn chúng tôi đến khu trang trại chăn nuôi tằm, ông Ma Văn Long, Giám đốc Hợp tác xã dâu tằm Bộc Bố cho biết: Sau khi tìm hiểu nhiều nơi, nhận thấy việc nuôi tằm dễ làm và cho thu nhập cao nên cuối năm 2023 Hợp tác xã dâu tằm Bộc Bố (gọi tắt là HTX dâu tằm) được thành lập và đến nay có 17 thành viên. Tùy vào diện tích trồng cây dâu mà mỗi thành viên sẽ tự tổ chức chăn nuôi tằm cho phù hợp, nhưng bình quân mỗi thành viên sẽ nuôi mỗi lần 2 hộp giống tằm, mỗi hộp giống có giá trên 600.000 đồng, chu kỳ nuôi khoảng 18 – 20 ngày/lứa, mỗi lứa đạt thành phẩm kén từ 80 – 100kg, với giá bán kén bình quân là 200.000 đồng/kg, mỗi thành viên nuôi được khoảng 8 – 10 lứa, bình quân thu nhập mỗi thành viên đạt khoảng 150 triệu đồng/năm.
Cũng theo ông Long cho biết, đầu ra của sản phẩm rất ổn định. HTX dâu tằm đã liên kết với Hợp tác dâu tằm Cô Ba, có địa chỉ tại xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng), đây cũng là đơn vị cung cấp giống và thu mua kén tằm thành phẩm. Kén tằm được xuất bán đến các thị trường lớn như Quảng Ninh, Hải Phòng để chế biến thành các loại vải vóc có chất lượng cao và được sử dụng trong nước hoặc xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Chính vì vậy, số lượng kén tằm luôn có đầu ra và giá thành ổn định, nhu cầu sử dụng kén thành phẩm là rất lớn.
Đến thời điểm này HTX dâu tằm Bộc Bố đã đầu tư xây dựng khu trang trại chăn nuôi tằm với quy mô khoảng 300m2, trồng được khoảng 5ha cây dâu tằm. Quy mô chăn nuôi và vùng nguyên liệu này còn hạn chế. Do vậy, Hợp tác xã dâu tằm Bộc Bố mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn vay để mở rộng nhà xưởng chăn nuôi, bảo quản, sơ chế kén tằm, nâng cao chất lượng và giá thành sản phẩm. Khi mở rộng nhà xưởng sẽ đồng thời mở rộng quy mô trồng dâu và tăng số lượng thành viên, giải quyết việc làm nhiều hơn, đem lại thu nhập cao hơn và ổn định lâu dài.
Trao đổi với phóng viên, ông Hà Việt Phương, Chủ tịch UBND xã Bộc Bố cho biết: Đây là một trong những mô hình chăn nuôi mới, bước đầu phát huy hiệu quả kinh tế cao. Cây dâu tằm trồng ở địa phương rất thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng nên phát triển tốt, không có sâu bệnh. Việc chăn nuôi tằm cũng không mất nhiều thời gian, công sức mà giá ổn định, đem lại thu nhập cao cho các thành viên hợp tác xã. Tuy nhiên, việc hỗ trợ kinh phí cho Hợp tác xã dâu tằm Bộc Bố để mở rộng khu vực trang trại hiện nay địa phương chưa thể thực hiện. Địa phương sẽ đề xuất với cấp có thẩm quyền để xem xét việc hỗ trợ kinh phí cho hợp tác xã, tạo việc làm cho người lao động, góp phần giảm nghèo tại địa phương.
Ông Đào Duy Hưng, Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm đánh giá: Đây là mô hình mới, sau gần một năm hoạt động bước đầu phát huy hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân và có thu nhập khá. UBND huyện đã nắm được mong muốn, nguyện vọng về việc mở rộng diện tích khu trang trại cũng như diện tích trồng cây dâu của Hợp tác xã dâu tằm Bộc Bố. Tới đây huyện sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với xã thăm nắm cụ thể về dự kiến quy mô, diện tích đất, nhu cầu kinh phí… nếu phù hợp sẽ xem xét lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn khác để hỗ trợ./.