Nuôi ốc nhồi giúp giảm nghèo nhanh ở Sơn Lộ
Tại vùng đất còn nhiều khó khăn của huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng), xã Sơn Lộ đang chứng kiến một sự chuyển mình đáng chú ý trong phát triển kinh tế. Mô hình nuôi ốc nhồi của người dân dưới sự dẫn dắt của HTX đang làm nổi bật lên ưu điểm 'đầu tư ít, hiệu quả cao', từ đó dần trở thành 'cứu cánh' cho nhiều hộ dân, mang đến hy vọng thoát nghèo bền vững.
Trước đây, Sơn Lộ - xã vùng 3 với hơn 60% hộ dân thuộc diện nghèo, chủ yếu dựa vào trồng trọt các loại cây truyền thống như ngô, lúa. Tuy nhiên, do sản xuất nhỏ lẻ, tự phát và thiếu liên kết thị trường, đời sống của người dân cải thiện chậm. Giao thông khó khăn càng khiến việc giao thương trở nên hạn chế, kìm hãm sự phát triển kinh tế của địa phương.
Liên kết sản xuất vật nuôi mới
Trong bối cảnh đó, mô hình nuôi ốc nhồi xuất hiện như một luồng gió mới. Điển hình là hộ gia đình anh Đàm Văn Tiến ở xóm Bản Khiếu. Sau nhiều năm mày mò, tích lũy kinh nghiệm, anh không chỉ thành công với việc nuôi ốc thương phẩm mà còn mạnh dạn đầu tư vào nuôi ốc giống trên diện tích gần 5.000 m². Trang trại của anh hiện cung cấp ra thị trường hàng chục vạn con giống mỗi năm, mang về thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng.
Nhận thấy tiềm năng lớn từ mô hình này, anh Tiến đã đứng ra vận động thành lập Hợp tác xã (HTX) nông lâm Tiến Phát. Đây là HTX đầu tiên của tỉnh Cao Bằng tiên phong trong việc sản xuất con giống, tư vấn kỹ thuật nuôi ốc nhồi theo hướng hữu cơ và đặc biệt là ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân. Theo từng năm, sản lượng ốc thương phẩm của HTX càng tăng cho thấy hiệu quả rõ rệt của mô hình liên kết này.

Ốc nhồi là vật nuôi có giá trị kinh tế cao.
Anh Tiến chia sẻ về lợi ích của việc nuôi ốc nhồi: Bà con chỉ cần đầu tư khoảng 6 triệu đồng mua 1 vạn con giống, sau 3 - 5 tháng chăm sóc đúng kỹ thuật có thể thu hoạch từ 1,8 - 2 tạ ốc, với giá bán dao động từ 60 - 90 nghìn đồng/kg. Như vậy, mỗi lứa, người dân có thể thu về 12 - 18 triệu đồng. Thời gian nuôi ngắn, người dân có thể nuôi gối vụ để tăng gấp đôi thu nhập.
Nhiều gia đình ở trên địa bàn xã cũng tham gia liên kết với HTX nông lâm Tiến Phát. Tận dụng diện tích ruộng sẵn có, người dân được HTX hướng dẫn cải tạo thành ao nuôi ốc giống. Nhờ chi phí nuôi không quá cao, chủ yếu sử dụng các loại thức ăn tự nhiên như rau, củ, quả, bèo tấm, lá sắn, nhiều hộ chăn nuôi đã có thêm nguồn thu nhập đáng kể nên dự định sẽ tiếp tục mở rộng quy mô nuôi để cải thiện hơn nữa đời sống kinh tế.
Tươi sắc bức tranh kinh tế
Mô hình nuôi ốc nhồi theo hướng hàng hóa của HTX Tiến Phát đang thu hút thanh niên trên địa bàn tham gia. Đây cũng là vật nuôi có giá trị kinh tế cao vì nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này trên thị trường rất lớn, nhất là thị trường miền Bắc, giúp HTX có đầu ra thuận lợi.
Theo anh Tiến, nếu nuôi ít thì không có lời, nhưng khi nuôi nhiều thì đặc biệt phải chú ý đến kỹ thuật như thức ăn, thả bèo, thay nước, cải tạo ao nuôi… và phải đảm bảo đúng mật độ nuôi. Nếu mật độ nuôi lớn thì rủi ro cao, tỷ lệ thành công rất ít.

HTX đang thu hút thanh niên địa phương tham gia.
Dù "trái ngọt" luôn đi liền với khó khăn thách thức nhưng hiệu quả của mô hình này mang lại là điều không thể phủ nhận bởi góp phần lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Quan trọng hơn, từ một địa phương với tỷ lệ hộ nghèo trên 60%, Sơn Lộ đang dần khẳng định tiềm năng kinh tế mới, mở ra hy vọng về một tương lai no ấm hơn cho người dân.
Trước đây, kinh tế của Sơn Lộ chủ yếu dựa vào trồng trọt các loại cây truyền thống, thiếu sự liên kết thị trường, dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những năm gần đây, tiềm năng và hiệu quả từ mô hình nuôi ốc nhồi thông qua mô hình HTX đã giúp cấp ủy, chính quyền xã nhận ra hiệu quả tích cực của mô hình kinh tế tập thể, từ đó đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi sản xuất, tham gia làm thành viên hoặc liên kết với HTX.
Đưa ốc nhồi thành sản phẩm chủ lực
Rõ ràng, nuôi ốc nhồi đã mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng cho phát triển kinh tế của địa phương. Từ thành công này, mô hình sản xuất của HTX Tiến Phát ngày càng có nhiều người dân trong và ngoài huyện đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Chính quyền xã Sơn Lộ cũng đang tích cực huy động mọi nguồn lực để phát triển mô hình nuôi ốc nhồi thành hàng hóa chủ lực, hướng tới đạt các tiêu chuẩn OCOP. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy kinh tế địa phương, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, mang lại cuộc sống ấm no hơn nữa cho người dân.
UBND xã cũng khuyến khích người dân tận dụng lợi thế tự nhiên sẵn có và liên kết trao đổi kinh nghiệm với HTX để cùng nhau phát triển và mở rộng mô hình này.
Hiện, Liên minh HTX Việt Nam cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các địa phương phát triển mô hình thanh niên khởi nghiệp thông qua mô hình HTX. Điều này có vai trò quan trọng trong việc hướng đến 2045, tỷ lệ dân số Việt Nam tham gia HTX đạt 20%. Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng cũng đã khảo sát mô hình HTX ở huyện Bảo Lạc, trong đó có HTX Tiến Phát để nắm được những điểm mạnh, mong muốn của thành viên nhằm có những hỗ trợ cụ thể về đào tạo nguồn nhân lực, vốn, xúc tiến thương mại, chế biến... để tiếp tục thu hút thanh niên tham gia phát triển mô hình HTX.
Sự thành công của mô hình nuôi ốc nhồi và tinh thần liên kết sản xuất của người dân tại Sơn Lộ đang thắp lên niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Đây không chỉ là câu chuyện về một loài vật nuôi mới, mà còn là minh chứng cho sự đổi mới tư duy, dám nghĩ dám làm và sức mạnh của sự đoàn kết trong hành trình xóa đói giảm nghèo ở vùng cao Cao Bằng.