Nuôi cá chim trắng vây vàng chi phí ít, lợi nhuận ổn định

Cá chim trắng vây vàng trở thành đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, phù hợp xuống giống ở các vùng nuôi tôm hay xảy ra dịch bệnh tại Hà Tĩnh.

Lợi nhuận 300 - 400 triệu đồng/ha/vụ

Đầu tháng 5/2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh triển khai thực hiện mô hình “Nuôi cá chim vây vàng đạt tiêu chuẩn VietGAP, liên kết tiêu thụ sản phẩm” trên quy mô 5.000 m2 tại hộ nuôi Lê Thị Khuyên (thôn Vĩnh Phú, xã Hộ Độ, Lộc Hà).

Trong thời gian thực hiện mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã trực tiếp cử cán bộ kỹ thuật tổ chức tập huấn và hướng dẫn cho hộ, đảm bảo cá chim vây vàng được nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, đạt hiệu quả kinh tế đề ra.

 Hộ chị Lê Thị Khuyên (thôn Vĩnh Phú, xã Hộ Độ, Lộc Hà) thả giống từ tháng 5/2024.

Hộ chị Lê Thị Khuyên (thôn Vĩnh Phú, xã Hộ Độ, Lộc Hà) thả giống từ tháng 5/2024.

Theo chị Khuyên, sau hơn 2 tháng thả nuôi, cá chim trắng vây vàng đang phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu ở Hà Tĩnh, trọng lượng trung bình đạt 0,2 - 0,3 kg/con. Cá mới thả phải nuôi hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp, khi lớn lên có thể trộn thức ăn công nghiệp với cá tươi hoặc cho ăn hoàn toàn bằng cá tươi thái nhỏ. Gia đình dự định khi cá có số đạt trọng lượng từ 0,6 - 0,8kg/con sẽ bắt đầu thu tỉa để xuất ra thị trường.

Còn tại hộ anh Trần Quốc Đức (thôn Vĩnh Thịnh, xã Thạch Lạc, Thạch Hà), từ đầu năm 2023 đến nay, ngoài ao nuôi của gia đình, anh đã mạnh dạn thuê thêm những ao hồ bị bỏ hoang tại vùng ven đê Hữu Ngạn, đầu tư hơn 1 tỷ đồng để chuyển sang nuôi cá chim vây vàng trên tổng diện tích 1,5 ha.

 Khi cá đạt trọng lượng từ 0,8 - 1kg thì tiến hành thu hoạch, có thể thu tỉa hay thu hoạch toàn bộ cùng một lúc tùy thuộc vào nhu cầu của thị trường.

Khi cá đạt trọng lượng từ 0,8 - 1kg thì tiến hành thu hoạch, có thể thu tỉa hay thu hoạch toàn bộ cùng một lúc tùy thuộc vào nhu cầu của thị trường.

Anh Đức chia sẻ: “Quá trình nuôi loài cá này chi phí không cao, ít xảy ra dịch bệnh nên hạn chế được nhiều rủi ro cho người nuôi. Với giá bán từ 140 - 150.000/kg và thị trường ổn định, 1 ha diện tích nuôi cá chim trắng vây vàng có thể mang lại lợi nhuận từ 300 - 400 triệu đồng”.

Tuy nhiên, theo anh Đức, khi thả nuôi cá chim trắng vây vàng, người nuôi cần phải chú trọng cải tạo ao nuôi kỹ, rắc vôi, xử lý mầm bệnh và vi sinh vật có hại. Sau khi thả, chú trọng đảm bảo lượng oxy, nhiệt độ phù hợp vì loài này chỉ sinh trưởng, phát triển tốt nhất ở nhiệt độ từ 26 - 32 độ C.

Phù hợp thả giống trên vùng nuôi tôm kém hiệu quả

Sau nhiều vụ liên tiếp nuôi tôm thất bại vì dịch bệnh, thị trường bấp bênh, trong gần 2 năm qua, ông Phạm Đình Thiên (thôn Vĩnh Thuận, xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh) đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ 2 ha ao nuôi tôm kém hiệu quả sang nuôi cá chim trắng vây vàng.

Ông Thiên cho biết: “Cá thuộc loài cá rộng muối, khả năng thích nghi rất cao, có thể sống ở mức độ mặn từ 2% đến 45%, khá dễ nuôi ở nhiều môi trường khác nhau. Vì thế, loài này rất thích hợp để nuôi thay thế tại các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú kém hiệu quả, bị nhiễm dịch bệnh”.

 Ông Phạm Đình Thiên (thôn Vĩnh Thuận, xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh) nuôi cá chim trắng vây vàng trên vùng ao hồ của gia đình.

Ông Phạm Đình Thiên (thôn Vĩnh Thuận, xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh) nuôi cá chim trắng vây vàng trên vùng ao hồ của gia đình.

“Qua thực tiễn sản xuất, tôi nhận thấy loài cá này là đối tượng nuôi thực sự có hiệu quả kinh tế. Hiện nay, mỗi vụ tôi thả nuôi 15.000 con cá giống, thời gian nuôi 6 tháng cá đạt kích cỡ 0,5 - 0,7kg/ con, mang lại thu nhập trên 600 triệu đồng/vụ. Thời gian tới, tôi dự kiến sẽ chuyển đổi thêm một số diện tích ao hồ khác của gia đình sang nuôi loài cá này”, ông Thiên chia sẻ thêm.

Mô hình nuôi cá chim vây vàng đạt tiêu chuẩn VietGAP trên vùng nuôi tôm hay xảy ra dịch bệnh của ông Nguyễn Văn Mai (tổ dân phố Yên Hà, thị trấn Thiên Cầm, Cẩm Xuyên) với quy mô 0,5 ha là hộ đầu tiên được chứng nhận VietGap trên đối tượng cá chim vây vàng thương phẩm tại tỉnh Hà Tĩnh.

Quá trình triển khai mô hình thấy cá chim vây vàng nuôi thích nghi tốt, tỷ lệ sống cao, dễ chăm sóc, có thể thay thế, chuyển đổi những vùng nuôi thủy sản kém hiệu quả tại huyện Cẩm Xuyên. Ông Nguyễn Tông Anh - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thiên Cầm cho biết: “Mô hình nuôi cá chim vây vàng đạt tiêu chuẩn VietGAP liên kết tiêu thụ sản phẩm tại hộ ông Nguyễn Văn Mai bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Địa phương sẽ tổ chức tuyên truyền, nhân rộng mô hình, đồng thời đề nghị các cấp tiếp tục hỗ trợ người dân nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế”.

 Mô hình nuôi thương phẩm cá chim vây vàng trong ao trên vùng đất nuôi tôm hay xảy ra dịch bệnh được nhiều địa phương như TP Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh, huyện Cẩm Xuyên... thực hiện.

Mô hình nuôi thương phẩm cá chim vây vàng trong ao trên vùng đất nuôi tôm hay xảy ra dịch bệnh được nhiều địa phương như TP Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh, huyện Cẩm Xuyên... thực hiện.

Thời gian qua, Trung tâm khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với một số huyện xây dựng các mô hình nhằm chuyển giao kỹ thuật, làm tiền đề phát triển đối tượng nuôi này. Đến nay, Hà Tĩnh đã có trên 20 ha mô hình thực hiện nuôi cá chim trắng vây vàng, bình quân năng suất nuôi trồng đạt từ 6 -10 tấn/ha/vụ, tập trung ở các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, TP. Hà Tĩnh...

Ông Lương Sỹ Công - Phó Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh) cho biết: "Quá trình theo dõi, đánh giá, cá chim trắng vây vàng thích nghi cao trên địa bàn tỉnh, có tốc độ tăng trưởng nhanh, khả năng chống chịu với môi trường tốt. Ngoài ra, cá chim trắng vây vàng có thể nuôi bằng nhiều hình thức như nuôi trong lồng bè, nuôi trong ao đất, nuôi trên vùng đất hoang hóa, nuôi trên các ao nuôi tôm thường xuyên bị dịch bệnh, ao nuôi tôm kém hiệu quả. Hơn nữa, chi phí đầu tư vừa phải nên người dân thuận lợi đầu tư sản xuất.

Đặc biệt, thời gian gần đây, do tình hình dịch bệnh trên tôm nước lợ diễn biến phức tạp nên việc tận dụng ao bị bỏ hoang để nuôi cá biển nói chung và cá chim vây vàng nói riêng tại Hà Tĩnh đang trở thành giải pháp thiết thực góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, giảm thiểu rủi ro, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất. Ngành chuyên môn sẽ tiếp tục theo dõi và đánh giá để có hướng phát triển bền vững, đảm bảo vấn đề an toàn dịch bệnh vào thời gian tới".

 Trong những năm gần đây, quy mô diện tích nuôi trồng cá chim trắng vây vàng không ngừng tăng lên tại Hà Tĩnh.

Trong những năm gần đây, quy mô diện tích nuôi trồng cá chim trắng vây vàng không ngừng tăng lên tại Hà Tĩnh.

Cá chim vây vàng (Trachinotus blochii) là loài cá nổi, ưa hoạt động, sống chủ yếu ở tầng giữa và tầng mặt, dễ nuôi, có thể công nghiệp trong lồng bè hoặc trong ao đất ở các thủy vực nước lợ và nước mặn.

Hiện nay, tại Việt Nam, cá chim trắng vây vàng đã được sản xuất giống nhân tạo thành công nên có thể chủ động được nguồn giống chất lượng để đưa vào nuôi thương phẩm. Khi cá có số đạt trọng lượng từ 0,8 - 1kg thì tiến hành thu hoạch, có thể thu tỉa hay thu hoạch toàn bộ cùng một lúc tùy thuộc vào nhu cầu của thị trường.

Yêu cầu chỉ số kỹ thuật một số yếu tố môi trường phù hợp nhất trong ao nuôi: nhiệt độ 26 - 32 độ C, độ mặn 10 - 20‰, oxy hòa tan 5 - 7 mg/l, NH3 < 0,9 mg/l, pH nước 7,5 - 8,5. Thức ăn cho cá chim vây vàng là thức ăn công nghiệp dạng viên nổi, có độ đạm từ 40% trở lên, lipid từ 15% trở lên.

Nguyễn Hoàn - Thái Oanh

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/nuoi-ca-chim-trang-vay-vang-chi-phi-it-loi-nhuan-on-dinh-post269877.html
Zalo