'Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một' Bài cuối: Chung một lý tưởng, chung một khát vọng

Sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam đã tạo nên những kỳ tích được lịch sử chứng minh. Đó chính là nền tảng vững chắc đưa đất nước tự tin chuyển mình bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc ở khu vực biên giới, hải đảo tham dự Chương trình Điểm tựa của bản làng vào tháng 6-2024. Ảnh:TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc ở khu vực biên giới, hải đảo tham dự Chương trình Điểm tựa của bản làng vào tháng 6-2024. Ảnh:TTXVN

Đoàn kết thực hiện khát vọng độc lập - tự do

Khát vọng độc lập - tự do vốn không chỉ có ở dân tộc Việt Nam, nhưng đúc kết thành cốt cách, thành bản lĩnh, thành truyền thống để thôi thúc thế hệ này qua thế hệ khác hành động và hành động: “quyết hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” thì dường như chỉ có ở Việt Nam.

Nằm ở vị trí chiến lược ở trục đường biển quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, suốt chiều dài hơn 4 ngàn năm lịch sử, một dân tộc với lối sống nhân văn, lạc quan, hiếu hòa, chịu thương chịu khó, tôn trọng tự nhiên nhưng phải luôn kề vai sát cánh, hợp lực chiến đấu chống lại giặc ngoại xâm lớn hơn mình gấp bội.

Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước nói chung và Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 nói riêng, là sự kết hợp sức mạnh tổng hợp, cả nước dồn sức cho trận đánh lịch sử, trong đó có vai trò rất quan trọng của hậu phương lớn miền Bắc. Miền Bắc là nơi cung cấp sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa, vừa phải chiến đấu chống lại những đợt càn quét, “chiến tranh leo thang” của địch, vừa tăng gia sản xuất với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”, “một người làm việc bằng hai”, “chắc tay cày, vững tay súng”… Mỗi thắng lợi trên mỗi vùng đất, mỗi cánh đồng, dòng sông… của miền Nam anh hùng đã thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của biết bao đồng bào.

Cựu chiến binh - nhà báo Đỗ Trung Tiến, chàng thanh niên 18 tuổi ngày ấy từng là bộ đội vượt Trường Sơn vào miền Nam cứu nước, xúc động chia sẻ: “Dẫu biết chiến trường miền Nam ngày ấy rất ác liệt nhưng tôi cùng lớp lớp thanh niên miền Bắc vẫn tình nguyện viết đơn nhập ngũ. Chúng tôi ra đi theo tiếng gọi non sông với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”. 5 tháng hành quân suốt chiều dài đất nước là “Những năm tháng khó quên” trong cuộc đời của tôi - đó cũng là cảm hứng để tôi viết nên cuốn sách cùng tiêu đề”.

Một biểu hiện cao đẹp của tình đồng bào giữa 2 miền Nam - Bắc còn là chủ trương đưa con em cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra Bắc để chăm sóc, đào tạo, sau này trở thành hạt giống quý - lực lượng nòng cốt xây dựng lại miền Nam, tái thiết đất nước; đồng thời, để các cán bộ, chiến sĩ cách mạng còn ở lại miền Nam yên lòng chiến đấu.

“Bát cơm sẻ nửa, hột muối cắn đôi”, các thế hệ học sinh miền Nam sống và học tập trên đất Bắc được đồng bào miền Bắc đùm bọc, giáo dục, yêu thương.

Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 70 năm Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, 55 năm các thế hệ học sinh miền Nam thực hiện Di chúc Bác Hồ vào ngày 26-10-2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo và dân vận Trung ương) Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: “Sự kiện cán bộ, chiến sĩ, học sinh, thiếu nhi miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 trở thành dấu ấn sâu đậm trong lịch sử hào hùng của dân tộc, lắng đọng trong tâm khảm, trong trái tim của biết bao thế hệ người dân Việt Nam; đây là biểu tượng sáng ngời của chân lý nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.

Từ thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, chính sức mạnh nhân dân, đại đoàn kết toàn dân tộc đã góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại, những thành tựu rất đáng tự hào.

Đoàn kết là truyền thống văn hóa - đạo lý dân tộc

Sức mạnh văn hóa 4 ngàn năm đã, đang và mãi sẽ là “nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”. Quan điểm mang tính chiến lược về văn hóa ấy được hình thành tại Hội nghị Trung ương khóa VII, năm 1993 đã được tái khẳng định nhiều lần trong các văn kiện của Đảng. Đặc biệt, trong kỷ nguyên vươn mình, chắc chắn văn hóa sẽ là sợi dây kết nối vô hình nhưng hết sức bền vững của đồng bào ta - với 54 dân tộc anh em, đa dạng thành phần tôn giáo, vùng - miền… nhưng đều thống nhất trong nền tảng chung - văn hóa Việt Nam - cội nguồn cho sự phát triển vượt bậc của dân tộc.

Nhìn lại những chặng đường thăng trầm đã qua của lịch sử kéo dài suốt nhiều thế kỷ, nhất là giai đoạn 1945-1954, 1954-1975 và cho đến cả ngày nay, nhân dân ta có những đợt chuyển cư từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc, từ miền xuôi lên miền ngược và ngược lại… Nhưng dù thế nào, 54 dân tộc anh em sống trên mọi miền Tổ quốc đều gọi nhau 2 tiếng “đồng bào”, có chung ngày giỗ Tổ và đều khắc ghi trong tim mình chung một nguồn cội con Lạc, cháu Hồng.

Tôn trọng bản sắc văn hóa, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi dân tộc, cùng hòa hợp trong lợi ích chung của đất nước là nét đẹp của truyền thống Việt Nam. Do có những đặc điểm cư trú, đồng bào miền núi có những trở ngại về giao thông, điều kiện cơ sở vật chất… hơn so với những vùng miền khác, song Đảng, Nhà nước và người dân cả nước đều tập trung các nguồn lực, thực hiện những chính sách thiết thực để lấp dần khoảng cách đó. Chính vì lẽ đó mà khối đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố, đẩy lùi những thủ đoạn chia rẽ khối đại đoàn kết mà các thế lực thù địch tiến hành chống phá.

Là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp sớm nhất miền Nam, Đồng Nai từ lâu đã trở thành “thỏi nam châm”, thu hút lao động từ khắp cả nước về sinh sống và làm việc. Với 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, Đồng Nai có gần 1,3 triệu lao động, trong đó có hơn 60% lao động đến từ khắp cả nước. Nhiều công ty có đến hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn công nhân lao động thuộc đủ thành phần dân tộc, tôn giáo, đến từ khắp các vùng miền trong cả nước cùng nhau hăng say lao động sản xuất trong các chuyền, xưởng, tạo ra phần lớn của cải vật chất, góp phần vào sự phát triển chung của xã hội.

Bản sắc văn hóa Việt Nam còn là lòng nhân ái, “thương người thư thể thương thân”. Gần hơn cả là vào tháng 9-2024, siêu bão Yagi và hoàn lưu của nó đã để lại hậu quả rất nặng nề ở các tỉnh miền Bắc khi có đến hàng trăm người tử vong, cùng rất nhiều tài sản bị hư hỏng, thậm chí gây ra thảm họa sạt lở ở Làng Nủ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương MTTQ Việt Nam và cũng là “mệnh lệnh từ trái tim”, đồng bào và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở bất kỳ nơi đâu đã nhường cơm sẻ áo, góp của, góp công, sẻ chia, giúp đỡ về tinh thần, vật chất, góp phần cùng với Đảng, Nhà nước nhanh chóng khôi phục sản xuất và đời sống nhân dân. Chỉ vài tháng sau đó, hoa đã nở, niềm vui đã hiện diện trên những mảnh đất đã từng là tai ương thảm họa…

Đoàn kết là sức mạnh

Trong Di chúc, “điều mong muốn cuối cùng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Đoàn kết - là yếu tố được Người nhấn mạnh đầu tiên trong điều mong muốn cuối cùng, hẳn có ý nghĩa đặc biệt.

Nhận thức sâu sắc lời dặn của Người: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”, 95 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn đặc biệt chú trọng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại để vượt qua những khó khăn, thách thức, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường.

Trong bối cảnh địa chính trị thế giới có những biến động khó đoán định, còn rất nhiều khó khăn, thách thức mà chúng ta phải vượt qua trong quá trình phát triển đất nước, song có đoàn kết chúng ta đã có được nền móng vững chắc, như lời khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X Đỗ Văn Chiến tại Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029: “Máu xương của những người con đất Việt đã hòa vào lòng đất mẹ thành những viên gạch bằng vàng, xây dựng nên thành đồng Tổ quốc Việt Nam. Bởi vậy, không có thế lực thù địch nào có thể chia rẽ được khối đại đoàn kết của chúng ta”.

Lâm Viên - Thảo Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202504/nuoc-viet-nam-la-mot-dan-toc-viet-nam-la-mot-bai-cuoi-chung-mot-ly-tuong-chung-mot-khat-vong-7535759/
Zalo