Nước thải bệnh viện Sài Gòn Tam Kỳ có vi khuẩn coliform vượt 480 lần

Sau khi kiểm tra, Công an tỉnh Quảng Nam phát hiện mẫu nước thải tại vị trí xả thải thuộc Bệnh viện Sài Gòn Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) có thông số vi khuẩn Amoni vượt 3,35 lần và coliform vượt 480 lần.

Ngày 5/11, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng vừa ký công văn giao Công an tỉnh kiểm tra, giải quyết vi phạm hành chính về môi trường đối với Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Tam Kỳ (thuộc Công ty cổ phần Y khoa Thái Bình Dương).

Trước đó bệnh viện này có đơn xin giải trình, xem xét giảm nhẹ mức phạt gửi chủ tịch UBND tỉnh, Công an tỉnh Quảng Nam.

Vào ngày 7/10, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường Công an tỉnh Quảng Nam tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Tam Kỳ. Quá trình kiểm tra có lấy mẫu nước thải tại vị trí xả thải ra môi trường. Qua phân tích kết quả nước thải của bệnh viện có 2 thông số bị vượt quy định cho phép (Coliforms vượt 480 lần, Amoni vượt 3,35 lần).

Công an kiểm tra mẫu nước thải của bệnh viện, kết quả vi khuẩn coliform vượt 480 lần.

Công an kiểm tra mẫu nước thải của bệnh viện, kết quả vi khuẩn coliform vượt 480 lần.

Lý giải về vụ việc trên, đại diện Bệnh viện cho rằng, trước đó ngày 10/9, Bộ phận kỹ thuật phát hiện bể amoxic trong hệ thống xử lý nước thải bị hư giá thể nuôi vi sinh và đã báo cáo về Ban lãnh đạo Bệnh viện biết tình hình. Sau đó, Ban lãnh đạo Bệnh viện đã chỉ đạo khắc phục tình trạng trên trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, việc liên hệ các nhà cung cấp khảo sát, báo giá, thực hiện theo quy trình đầu tư mua sắm của bệnh viện đang triển khai và chờ các cấp phê duyệt thì Công an tỉnh Quảng Nam kiểm tra, phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính…

Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Tam Kỳ thừa nhận sự việc trên là đúng thực tế, đúng lỗi vi phạm. Tuy nhiên, xét trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, bệnh viện cũng đang hoạt động trong trạng thái duy trì, lượng bệnh nhân thăm khám và điều trị ngày càng ít. Bệnh nhân điều trị nội trú tầm 30 người mỗi ngày, bệnh nhân ngoại trú tầm 250 lượt khách mỗi ngày.

Lưu lượng xả thải trung bình là 30m3 mỗi ngày, do cán bộ kỹ thuật không cập nhật, ghi sổ theo dõi vận hành thường xuyên nên không cung cấp tài liệu theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra do sự cố bể amoxit vi sinh chết, cặn tuồn theo nước thải ra ngoài dẫn đến đồng hồ xả thải bị sự cố không chạy.

Nước thải từ Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Tam Kỳ chảy ra môi trường.

Nước thải từ Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Tam Kỳ chảy ra môi trường.

Do đó, đơn vị mong được giảm nhẹ mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm trên. Đồng thời, lãnh đạo Bệnh viện, Công ty chủ quản cam kết khẩn trương sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải để đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, phù hợp với quy mô phát triển và nhu cầu chăm sóc cho người dân. Cam đoan việc giám sát xả thải sẽ được nghiêm túc kiểm tra, chặt chẽ và thường xuyên.

Sau khi nhận đơn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu công an tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan kiểm tra nội dung giải trình của Bệnh viện để xử lý, báo cáo, đề xuất chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

Trước đó, tháng 6/2022, Bệnh viện Đa khoa Thái Bình Dương - Tam Kỳ đã tổ chức lễ công bố tên thương hiệu mới và chính thức thay đổi tên thương hiệu trở thành Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Tam Kỳ. Tuy nhiên hiện nay, trên hồ sơ pháp lý, giấy phép hoạt động vẫn là Bệnh viện Đa khoa Thái Bình Dương - Tam Kỳ.

Được biết, vi khuẩn Coliform là loại vi khuẩn có thể sinh sống trong nhiều môi trường khác nhau như đất, nước và cả hệ tiêu hóa của con người. Đây chính là thủ phạm gây ra nhiều bệnh nguy hiểm trên hệ tiêu hóa, như tiêu chảy, mất nước dẫn tới suy thận, thậm chí tử vong.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hàm lượng vi khuẩn Coliform có trong nước như sau:

Trong nước ăn uống (QCVN 01:2009/BYT): Hàm lượng Coliform tổng số là 0 vi khuẩn/100ml; Trong nước sinh hoạt (QCVN 02:2009/BYT): Hàm lượng Coliform tổng số được cho phép là 50 vi khuẩn/100ml;Trong nước thải công nghiệp (QCVN 40:2011/BTNMT): Hàm lượng Coliform được cho phép là 3000 mg/l đối với nước thải loại A và 5000 mg/l đối với nước thải loại B.

Công Huy

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nuoc-thai-benh-vien-sai-gon-tam-ky-co-vi-khuan-coliform-vuot-480-lan-post530877.html
Zalo