Nước sông nhiễm độc khiến cá biến dạng, người dân lo lắng
Nước sông bị nhiễm độc đã gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái và cuộc sống người dân.
Theo điều tra từ các tổ chức xã hội dân sự và môi trường, nguyên nhân chính của tình trạng ô nhiễm xuất phát từ hoạt động khai thác vàng ở thượng nguồn bang Shan (Myanmar), khu vực do Trung Quốc đầu tư và vận hành. Do đặc điểm địa lý, các dòng nước từ thượng nguồn Myanmar chảy qua biên giới, dẫn đến việc các chất thải công nghiệp độc hại theo đó lan rộng xuống các vùng hạ lưu, bao gồm tỉnh Chiang Rai của Thái Lan.
Tỉnh Chiang Rai (Thái Lan) đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại sông Kok – một trong những con sông quan trọng đối với đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương. Kết quả khảo sát mới nhất cho thấy nồng độ các chất độc hại như Asen và Chì trong nước vượt xa tiêu chuẩn cho phép, đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái cũng như sức khỏe con người.

Những con cá biến dạng do nước sông bị nhiễm độc (Ảnh: Facebook สมาคมแม่น้ำเพื่อชีวิต)
Tình trạng ô nhiễm không chỉ làm suy giảm chất lượng nước sinh hoạt mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế của người dân – từ đánh bắt cá đến sản xuất nông nghiệp. “Chúng tôi từng dựa vào dòng sông này để lấy nước tưới tiêu, nuôi cá và sinh hoạt hằng ngày. Nhưng giờ đây, cá chết, nước bốc mùi, còn đất đai dần trở nên bạc màu”, một nông dân tại huyện Mae Fa Luang chia sẻ.
Trước tình hình trên, nhiều năm qua, cộng đồng cư dân vùng hạ lưu sông Kok cùng các tổ chức xã hội dân sự đã liên tục kiến nghị chính quyền địa phương, chính phủ trung ương và các tổ chức quốc tế vào cuộc. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có biện pháp xử lý nào được triển khai một cách quyết liệt và lâu dài. Người dân vẫn buộc phải sống chung với nguồn nước ô nhiễm trong khi đối diện với nguy cơ bệnh tật và mất kế sinh nhai.

(Ảnh: Facebook สมาคมแม่น้ำเพื่อชีวิต)

(Ảnh: Facebook สมาคมแม่น้ำเพื่อชีวิต)
Báo cáo mới nhất từ tổ chức "Sông ngòi vì Sự sống" cho thấy dấu hiệu nhiễm độc đã lan sang cả sông Mekong – dòng sông xuyên quốc gia quan trọng của khu vực Đông Nam Á. Hình ảnh ghi lại từ các đợt đánh bắt gần đây cho thấy nhiều con cá trên sông Kok và sông Mekong xuất hiện các nốt đỏ bất thường ở vây, miệng và ria, dấu hiệu rõ ràng của việc nhiễm độc kim loại nặng.
“Chúng tôi đã từng cảnh báo về việc ảnh hưởng xuyên biên giới do các hoạt động công nghiệp tại Myanmar, nhưng các bên liên quan vẫn chưa có sự phối hợp hiệu quả để giải quyết tận gốc vấn đề”, đại diện một tổ chức bảo vệ môi trường Thái Lan cho biết.
Giới chuyên gia cảnh báo, nếu không có hành động kịp thời, không chỉ cư dân Chiang Rai mà cả các tỉnh ven sông Mekong sẽ phải gánh chịu hậu quả lâu dài về môi trường và sức khỏe. Ngoài ra, vấn đề này còn đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm quốc tế trong việc giám sát và xử lý các tác động xuyên biên giới, đặc biệt là khi nguồn gây ô nhiễm bắt nguồn từ các hoạt động đầu tư nước ngoài.

(Ảnh: Facebook สมาคมแม่น้ำเพื่อชีวิต)

(Ảnh: Facebook สมาคมแม่น้ำเพื่อชีวิต)
Trong bối cảnh đó, việc trao quyền cho cộng đồng địa phương – từ giám sát chất lượng nước đến tham gia xây dựng các chính sách ứng phó – đang được xem là giải pháp cấp thiết và bền vững. Đã đến lúc các bên liên quan, từ chính phủ Thái Lan đến các cơ quan quốc tế, cần xem đây là một vấn đề nghiêm trọng không chỉ ở cấp địa phương mà còn là thách thức khu vực cần được giải quyết trên tinh thần hợp tác và minh bạch.