Nước sạch - ước mơ giản dị của phụ nữ vùng cao

Nước sạch là một vấn đề thiết yếu đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số vùng cao tại Việt Nam, nơi mà điều kiện địa lý khó khăn và biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt khiến tình trạng khan hiếm nước trở nên trầm trọng hơn. Phụ nữ và trẻ em vùng cao là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong điều kiện vệ sinh kém và thiếu nước sạch.

Nhiều xã vùng cao còn thiếu nước sạch. (Ảnh: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)

Nhiều xã vùng cao còn thiếu nước sạch. (Ảnh: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)

Nỗ lực giải quyết nỗi ám ảnh khan hiếm nước

Mặc dù Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường khả năng tiếp cận nước sạch và vệ sinh, vẫn còn nhiều thách thức tồn tại. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, chỉ có 51% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng nước QCVN 01: 2009/BYT của Bộ Y tế và 75% hộ gia đình nông thôn có nhà vệ sinh hợp vệ sinh.

Mặt khác, kết quả từ cuộc điều tra năm 2020 về các chỉ số Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) cho trẻ em và phụ nữ, do Tổng cục Thống kê thực hiện với sự hỗ trợ của UNICEF, đã cho thấy sự thiếu hụt trong việc quản lý nước và vệ sinh an toàn, đặc biệt là về chất lượng nước uống. Có tới 44% hộ gia đình được kiểm tra có nguồn nước nhiễm khuẩn E.coli, gây lo ngại lớn về vệ sinh an toàn.

Tình trạng thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh kém đã dẫn đến tình trạng 1/5 trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam bị chậm lớn. Tỷ lệ này ở trẻ em dân tộc thiểu số là gần gấp đôi, đạt 32%.

Trước thách thức này, Chính phủ đã triển khai nhiều dự án và chương trình hỗ trợ cấp nước sạch cho các vùng cao. Một trong những chính sách quan trọng là Chiến lược Quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm đảm bảo hơn 62 triệu người dân nông thôn có thể tiếp cận các dịch vụ nước sạch và vệ sinh được quản lý an toàn. Chiến lược quốc gia đặt ra mục tiêu đến năm 2045 như: 100% người dân nông thôn sử dụng nước sạch và hệ thống vệ sinh an toàn bền vững; 50% khu dân cư nông thôn có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt; 30% lượng nước thải sinh hoạt được xử lý; 100% các hộ gia đình và trang trại chăn nuôi được quản lý chất thải an toàn. Việc đảm bảo nước sạch và vệ sinh cho người dân nông thôn, không chỉ giúp thúc đẩy năng suất bền vững mà còn đảm bảo rằng mỗi trẻ em có cơ hội phát triển đầy đủ, từ đó góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và giảm thiểu tác động của dân số già trong tương lai.

Bên cạnh đó, Dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã được triển khai. Dự án đặt mục tiêu đạt 90% các hộ nghèo dân tộc thiểu số và các hộ nghèo người Kinh tại các xã khó khăn được tiếp cận với nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Cụ thể, người dân được hỗ trợ hệ thống nước sinh hoạt phân tán (như xây bể chứa, téc nước) và xây dựng các công trình nước tập trung cho những khu vực thiếu nước nghiêm trọng do hạn hán hoặc điều kiện địa lý khó khăn. Nhờ có sự hỗ trợ từ dự án, nhiều địa phương đã được đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa các công trình nước sạch. Đơn cử như tại tỉnh Thái Nguyên, hàng nghìn hộ nghèo đã được hỗ trợ trang bị téc chứa nước, xây bể chứa, đào giếng để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt hàng ngày. Điều này đã góp phần cải thiện chất lượng sống của người dân, đặc biệt là giúp phụ nữ giảm bớt khối lượng công việc hàng ngày.

Bên cạnh đó, các chính quyền địa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện điều kiện nước sạch cho phụ nữ vùng cao. Các dự án cấp nước được triển khai tại nhiều tỉnh như Phú Yên, Yên Bái, Lai Châu,… đã góp phần giảm bớt gánh nặng cho phụ nữ trong việc tìm kiếm nguồn nước. Tại Phú Yên, mỗi mùa khô tình trạng thiếu nước sạch trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống và kinh tế của người dân. Mặc dù tỉnh đã hỗ trợ đào giếng, nhiều nơi vẫn phải mua nước đóng chai vì nước ngầm nhiễm vôi. Thực trạng này đã thêm gánh nặng tài chính và sức lao động cho các hộ gia đình, đặc biệt là phụ nữ - những người thường chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý nguồn nước cho gia đình.

Để cải thiện, tỉnh đã đầu tư 20 tỷ đồng xây dựng hệ thống nước sạch cho hơn 400 hộ ở Suối Trai và Ea Chà Rang, với trạm bơm và hệ thống xử lý đạt chuẩn. Dự án đang tiếp tục giai đoạn 2. Thống kê tới năm 2023, Phú Yên có 86 công trình nước sạch nhưng chỉ 46% hoạt động bền vững. Đến năm 2025, tỉnh dự kiến đầu tư hơn 185 tỷ đồng để khôi phục 74 công trình và xây mới 29 công trình với tổng vốn 730 tỷ đồng, cung cấp nước sạch cho gần 58.000 hộ dân.

Cùng với đó, sự chung tay, góp sức của các tổ chức, đoàn thể và các cộng đồng cũng là yếu tố quan trọng trong “bài toán” đưa nước sạch đến với người dân vùng cao. Minh chứng như dự án “Nước sạch cho em” do Hội Phụ nữ Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I thực hiện tại tỉnh Yên Bái, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận nguồn nước sạch cho trẻ em tại các vùng khó khăn, đặc biệt là các trường học ở vùng sâu, vùng xa. Năm 2023, công trình nước sạch đầu tiên của dự án đã được khánh thành tại điểm trường Nậm Đông thuộc Trường Tiểu học & THCS Lê Hồng Phong tại thôn Nậm Đông 1. Điểm trường này nằm cách xa trung tâm xã, với 98% dân số là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn nước chủ yếu lấy từ khe núi, không đảm bảo vệ sinh. Không chỉ học sinh mà các giáo viên và người dân trong vùng cũng được hưởng lợi từ các công trình này.

Hệ thống cấp nước bền vững, chống chịu biến đổi khí hậu

Các công trình nước sạch đạt chuẩn góp phần không nhỏ giúp giải quyết vấn đề nước sạch tại các vùng cao. (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh).

Các công trình nước sạch đạt chuẩn góp phần không nhỏ giúp giải quyết vấn đề nước sạch tại các vùng cao. (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh).

Biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khan hiếm nước sạch ở vùng cao. Hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng xảy ra thường xuyên hơn, làm cho nguồn nước vốn đã khan hiếm càng trở nên khó dự đoán và không ổn định. Cụ thể, tình trạng hạn hán kéo dài làm cạn kiệt các nguồn nước tự nhiên và làm giảm khả năng tiếp cận nước sạch. Tại nhiều khu vực miền núi phía Bắc, các con suối và giếng nước vốn là nguồn cung cấp chính cho cộng đồng đang dần khô cạn. Trong khi đó, lũ lụt và mưa lớn bất thường gây ra sạt lở đất, làm hỏng hạ tầng cấp nước, khiến nhiều khu vực bị cô lập và không thể tiếp cận được nguồn nước sạch.

Để giúp người dân vùng cao vượt qua những khó khăn này, Chính phủ và các doanh nghiệp, tổ chức đã tập trung vào việc xây dựng các hệ thống cấp nước bền vững, chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu. Đơn cử, nhiều xã và bản vùng cao ở tỉnh Điện Biên như Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Nhé, dù là nơi thượng nguồn của nhiều con sông, nhưng vẫn rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Trong những năm qua, các cấp chính quyền đã tận dụng nguồn lực để đầu tư vào các dự án nước sạch, giúp 62/115 xã trong tỉnh đạt tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Công ty Cổ phần Cấp nước Điện Biên liên tục nâng cấp và cải tạo các công trình trọng điểm, đồng thời lắp đặt thêm các đường ống và hệ thống bơm tăng áp để phục vụ nhiều xã vùng cao...

Đáng nói, phụ nữ vùng cao đang ngày càng phát huy vai trò chủ động hơn. Họ không chỉ đảm nhận vai trò sử dụng nước mà còn tham gia vào việc xây dựng hệ thống giếng nước và đường dẫn nước, tìm kiếm và cải thiện nguồn nước cho cộng đồng. Ngày càng nhiều phụ nữ vùng cao chủ động tham gia vào các chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Những khóa đào tạo về kỹ năng quản lý nước, xây dựng hệ thống nước sạch tại gia đình và cộng đồng giúp họ chủ động hơn trong việc đảm bảo nguồn nước. Cạnh đó, nhiều dự án tín dụng cấp nước đã được triển khai, giúp người dân có thể vay vốn để xây dựng các hệ thống nước sạch tại chỗ. Sáng kiến này giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn nước bên ngoài, tạo điều kiện cho cộng đồng tự quản lý nguồn nước của mình một cách bền vững hơn.

Các chính sách, chương trình, sáng kiến của Chính phủ, cùng với sự chung tay hành động của toàn xã hội đã mang lại nhiều thay đổi tích cực cho cuộc sống của phụ nữ và trẻ em tại các vùng khó khăn. Những nỗ lực này đã góp phần làm giảm bớt gánh nặng về nước cho phụ nữ, giúp họ có nhiều thời gian hơn để chăm sóc gia đình, cũng như tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế. Phụ nữ nhiều vùng cao ngày nay không còn phải đi bộ hàng giờ đồng hồ để tìm kiếm nước hay phải lo lắng về việc nước không đảm bảo vệ sinh cho sinh hoạt. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu bền vững trong tương lai, vẫn cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ và các dự án dài hạn nhằm đảm bảo rằng mọi người dân đều có thể tiếp cận với nguồn nước sạch. Phụ nữ cần được trao quyền tham gia vào quá trình ra quyết định về quản lý tài nguyên nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, từ đó tạo ra một cộng đồng phát triển bền vững và tự cường hơn.

Đỗ Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nuoc-sach-uoc-mo-gian-di-cua-phu-nu-vung-cao-post529049.html
Zalo