Nước sạch Đắk Nông đang tắc ở đâu?

Phần lớn công trình cấp nước tập trung (CNTT) ở Đắk Nông không còn hoạt động và nguyên nhân được xác định là do khâu đầu tư, vận hành, quản lý yếu kém.

Chất lượng đầu tư kém?

Xã Trường Xuân, huyện Đắk Song là một trong những xã có nhiều công trình cấp nước tập trung (CNTT) nông thôn. Xã có 6 công trình được xây dựng bằng các nguồn vốn khác nhau do Ban Dân tộc, Sở KH-ĐT, UBND huyện là chủ đầu tư. Nhiều năm qua, cả 6 công trình này đều đã ngưng hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Đô, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho biết, các công trình này đều đã được xây dựng từ các năm 2004, 2005, 2007 được bàn giao sử dụng sau một năm xây dựng. Mức đầu tư các công trình này thấp nhất là 295 triệu đồng, cao nhất là 700 triệu đồng.

Xã Trường Xuân, huyện Đắk Song có 6 công trình cấp nước tập trung nhưng đều ngừng hoạt động

Xã Trường Xuân, huyện Đắk Song có 6 công trình cấp nước tập trung nhưng đều ngừng hoạt động

Các công trình này hiện nay đều không hoạt động, nhiều hạng mục hư hỏng, xuống cấp. Trong đó, một số công trình khi xây dựng, vị trí không phù hợp như khu vực đồi cao, nên nguồn nước khan hiếm, khu vực không đông dân cư nên nhu cầu dùng nước từ công trình không cao.

"Đây là một trong những lý do ban đầu, cộng với những hạn chế khác trong quá trình sử dụng, vận hành đã làm cho các công trình nhanh bị xuống cấp, bỏ không", ông Đô cho hay.

Cũng theo ông Đô, nhiều trường hợp khi đầu tư xây dựng, chủ đầu tư chưa xác định rõ ràng đơn vị quản lý khai thác, số hộ gia đình dùng nước.

"Việc giả định số hộ dùng nước lớn làm tăng quy mô công trình, nhưng khi đưa vào khai thác số hộ đấu nối lại ít hơn so với thiết kế ban đầu", ông Đô cho biết.

Phân tích của ông Đô là có cơ sở. Tại công trình CNTT thôn 9, xã Đắk Wil, huyện Cư Jút, có số hộ đăng ký 80 hộ, nhưng thực tế chỉ có 22 hộ sử dụng nước.

Hay công trình CNTT tiểu khu 839 và 840, xã Đắk Wil, số hộ đăng ký là 110, nhưng có 25 hộ đấu nước.

Theo ông Nguyễn Đăng Ánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, cùng với phần cứng, phần lớn công trình CNTT trên địa bàn đều có nguồn nước đầu vào là từ nước ngầm, tức là các giếng khoan.

Việc khoan thăm dò, xác định nguồn nước về trữ lượng và chất lượng chưa tốt, dẫn đến nguồn nước bị hụt sau thời gian sử dụng không lâu. Đó là chưa kể các nguyên nhân khác như khô hạn, hỏng hóc thiết bị, khiến nhiều công trình không thể sử dụng.

Công nghệ xử lý nước cũng là một hạn chế của các công trình CNTT, công nghệ đơn giản, nước bơm từ giếng lên bồn, tự chảy về hộ dân, chỉ có bộ phận lọc thô. Điều này chưa có gì bảo đảm chất lượng về nguồn nước.

Khâu quản lý, vận hành yếu

Công trình cấp nước tập trung thôn Nghĩa Thuận, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa được đầu tư xây dựng vào năm 2006. Năm 2010, công trình tiếp tục được nâng cấp, với tổng vốn cuối cùng trên 1 tỷ đồng, nhưng nay đã bỏ không.

Bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng thôn Nghĩa Thuận cho biết, công trình này trước đây được giao cho một hộ gia đình vận hành. Hộ gia đình này từng hiến đất xây dựng công trình, nên khi được bàn giao thì bà con trong bon bầu chủ hộ làm người vận hành.

Công trình cấp nước tập trung thôn Nghĩa Thuận, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa hư hỏng nhiều hạng mục và ngừng hoạt động

Công trình cấp nước tập trung thôn Nghĩa Thuận, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa hư hỏng nhiều hạng mục và ngừng hoạt động

Người quản lý, vận hành này rất nhiệt tình, nhưng thực tế không có chuyên môn gì về máy móc, thiết bị của công trình.

Chính vì thế, việc vận hành công trình được thực hiện theo kiểu “tù mù”, chủ yếu là đóng, ngắt cầu dao điện. Qua một thời gian, những người sử dụng nước đóng tiền điện không đầy đủ, nên công trình ngừng hoạt động.

Cũng theo bà Thảo, nguồn nước ngầm ở đây không bảo đảm. Khi bơm lên, nước có màu đục nên người dân cũng không dám sử dụng vào nấu ăn, nước uống. Bà con chủ yếu lấy nước phục vụ các mục đích khác như giặt dũ, vệ sinh nhà cửa.

Hiện giếng nước của công trình vẫn được thôn tận dụng bơm nước vào bồn phục vụ việc vệ sinh tại hội trường thôn, còn bồn nước thì hư hỏng, xuống cấp.

Bà Thảo cho biết: "Công trình đã không hoạt động khoảng 10 năm nay. Hiện người dân đã sử dụng nước từ đơn vị cấp nước đô thị của TP. Gia Nghĩa".

Tương tự, công trình cấp nước tập trung ở bon Bu Dấp, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp được xây dựng cách đây 19 năm. Ông Điểu Phồn, nguyên Trưởng bon Bu Dấp là người từng được giao quản lý, vận hành công trình.

Ông Phồn cho biết, công trình chỉ hoạt động được khoảng 2 năm thì ngừng hoạt động. Nguyên nhân là do không có tiền để đóng tiền điện, nên bị cắt điện.

Nhiều năm không sử dụng, bảo dưỡng, nên nhiều hạng mục công trình như máy bơm, tủ điện, đường điện, trụ bồn, bồn bị hư hỏng xuống cấp nhanh chóng.

“Bản thân tôi dù được giao nhiệm vụ vận hành công trình, nhưng chẳng có chuyên môn gì. Tôi chỉ làm mỗi việc đơn giản là đóng, ngắt cầu dao điện”, ông Phồn cho biết

Theo báo cáo Sở NN-PTNT, hầu hết các công trình CNTT do cấp xã quản lý hoạt động kém hiệu quả hoặc không hiệu quả. Điều này là do các xã giao lại tiếp cho các thôn, bon quản lý, vận hành công trình.

Một số xã, thôn, bon thành lập tổ quản lý, vận hành, công trình nhưng hầu hết là giao cho các trưởng thôn, bon hay hộ dân nào đó đảm nhiệm.

Ngoài một số ít người có chuyên môn, hầu hết những người được giao quản lý, vận hành công trình CNTT không có chuyên môn nghiệp vụ. Họ không được đào tạo, bồi dưỡng các kỹ thuật, kỹ năng về bảo đảm an toàn, bảo dưỡng, bảo trì công trình.

Chính vì thế, khi có công trình xảy ra hư hỏng, nếu người dân không tự nguyện đóng góp kinh phí sửa chữa thì buộc dừng hoạt động. Trong khi hầu hết cấp xã không có, không bố trí được nguồn kinh phí để sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng.

Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi vận hành, quản lý công trình CNTT của các địa phương chưa sâu sát, thiếu thường xuyên, thậm chí buông lỏng. Điều này khiến nhiều công trình nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng, giá trị giảm sút trầm trọng.

Về nội dung này, ông Nguyễn Văn Đô, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, huyện Đắk Song cho biết: Thực tế khi các thôn, bon vận hành công trình thì chỉ thu tiền điện. Thế nhưng có trường hợp tiền điện không đủ trả cho bên điện lực nên phải cắt.

“Nhiều trường hợp hư hỏng không có tiền sửa nên bỏ không. Công trình cấp nước tập trung của xã thực tế là kiểu "cha chung không ai khóc"”, ông Đô thẳng thắn nhìn nhận.

Ông Đô cũng cho rằng, không thể hết lỗi cho đội ngũ quản lý vận hành công trình CNTT. Bởi điều kiện, năng lực của họ là như thế. Vai trò của cấp ủy, chính quyền xã là chưa cao, chưa làm tốt việc kiểm tra, theo dõi hoạt động công trình, nên mới xảy ra thực trạng buồn như trên.

Liên quan đến nội dung này, ông Hoàng Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, có nhiều nguyên nhân làm cho nhiều công trình CNTT ở Đắk Nông không phát huy hiệu quả.

Trong đó, nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến đó là các chủ đầu tư chưa xây dựng, định hình được mô hình quản lý, vận hành phù hợp sau khi công trình được bàn giao.

“Hư hỏng thì không có kinh phí sửa chữa. Tài sản thì tài sản chung nên khó mà có được trách nhiệm cao. Điều này dẫn đến công trình hư hỏng nhanh chóng”, ông Nghĩa khẳng định.

Đồ họa: Nguyễn Hiền

Đồ họa: Nguyễn Hiền

Cũng theo ông Nghĩa, các chủ quản lý, vận hành công trình CNTT ở Đắk Nông thời gian qua chưa xây dựng được phương án giá nước cho công trình.

Hầu hết họ dựa vào các quy định thu theo giá nước tạm thời trên cơ sở thảo thuận với người dân. Họ không có phương án giá nước, nên không thể có vốn để bảo dưỡng, sửa chữa, dẫn đến hư hỏng, xuống cấp nhanh chóng.

Thiếu tính pháp lý

Từ năm 2021, UBND tỉnh Đắk Nông đã có các quyết định về giao các công trình CNTT cho Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông quản lý, vận hành.

Theo đó, UBND tỉnh giao cho công ty này quản lý, vận hành 95 công trình CNTT. Trong đó, 59 công trình đang hoạt động, còn lại đã

Nói về những tồn tại của các công trình CNTT trước khi nhận bàn giao, ông Nguyễn Thừa Anh, Giám đốc công ty cho biết: Ngoài những vấn đề nêu trên, không ít chủ đầu tư, đơn vị được giao quản lý công trình không làm tốt việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến đầu tư, xây dựng theo quy định.

ngưng hoạt động khi đơn vị tiếp nhận.

Điều này dẫn đến việc khó hoàn thiện hồ sơ, thủ tục hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao công trình.

Đất nhiều công trình cấp nước tập trung ở Đắk Nông là do người dân hiến, không có hồ sơ liên quan

Đất nhiều công trình cấp nước tập trung ở Đắk Nông là do người dân hiến, không có hồ sơ liên quan

Đa số đất xây dựng công trình CNTT được người dân địa phương hiến tặng. Nhưng theo ông Anh, hầu như không có giấy tờ liên quan thể hiện sự hiến đất của người dân mà chủ yếu là thỏa thuận miệng giữa các bên khi đầu tư xây dựng công trình.

Một số công trình xây dựng trên phần đất của nhà văn hóa thôn, bon, UBND xã phường, thị trấn, trường học và chưa xác định được ranh giới cụ thể, các thủ tục về đất công trình theo quy định.

Ông Nguyễn Thừa Anh cho rằng, từ những hạn chế, bất cập trên, có thể cho thấy, nước sạch cho người dân Đắk Nông đã và đang tắc từ nhiều phía.

Để phát huy những giá trị còn lại, làm tốt hơn ở những công trình đang hoạt động, cần phải có tinh thần, trách nhiệm chung của cả cộng đồng.

Trong đó, trước hết là vai trò của cơ quan chủ quản, chủ đầu tư, tập thể, cá nhân đứng đầu tổ chức được giao quản lý, vận hành công trình. Người dân cũng cần có những hành động cụ thể để bảo vệ, giữ gìn tài sản chung.

"Có như thế nguồn lực đầu tư về công trình cấp nước tập trung mới phát huy tác dụng bền vững, góp phần nâng cao đời sống của cư dân nông thôn", ông Anh cho biết.

Trần Thị Thoan

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/nuoc-sach-dak-nong-dang-tac-o-dau-220634.html
Zalo