'Nước rút' không chạy mù quáng: Bí quyết để về đích của các thủ khoa

Giai đoạn 'nước rút' trước kỳ thi tốt nghiệp THPT hay xét tuyển đại học luôn là khoảng thời gian áp lực nhất, dễ khiến sĩ tử rơi vào trạng thái học dồn, học vội. Nhưng theo kinh nghiệm của những thủ khoa đã từng trải qua, đây không phải lúc để chạy theo số lượng, mà là thời điểm để học có chiến lược, ôn có chọn lọc và giữ sức bền.

Chiến lược từ sớm, bứt phá về sau

Nguyễn Trường Giang - thủ khoa ngành Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng, trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, để học hiệu quả, điều tiên quyết là phải xác định rõ mục tiêu học tập từ đầu. Với Giang, giai đoạn “nước rút” không phải lúc để hoảng hốt bổ sung những mảng kiến thức chưa rõ, mà là cơ hội để hệ thống lại toàn bộ hành trình đã đi qua.

Trường Giang chia sẻ: “Học từ sớm giúp mình có nền tảng chắc, khi vào giai đoạn ôn cấp tốc sẽ không bị hoảng. Từng kiến thức nhỏ mình đều nắm chắc nên khi làm đề mới dễ phát hiện lỗi và nâng cao năng lực thật sự”.

Nguyễn Trường Giang.

Nguyễn Trường Giang.

Trong quá trình ôn tập, Giang đặc biệt coi trọng việc luyện đề. Với Giang, luyện đề không phải để “lấp thời gian”, mà là cách để hiểu sâu kiến thức và rèn kỹ năng xử lý tình huống.

Giữ vững tâm lý

Với Trần Phạm Kỳ Lân – thủ khoa toàn khóa Phân hiệu Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tại TP. HCM (28,4 điểm khối A), bí quyết vượt qua giai đoạn cam go lại nằm ở chỗ: Không để bản thân rơi vào trạng thái hoảng loạn. Trong áp lực, Lân chọn cách giữ nhịp sinh hoạt ổn định, học vừa đủ và ngủ đúng giờ.

"Giai đoạn này rất dễ bị căng thẳng, lo lắng không soạn đủ bài hoặc ôn sai nội dung. Vì vậy, trong thời gian ôn thi gấp rút, mình chú trọng giữ vững tinh thần, dành đủ thời gian nghỉ ngơi, tránh học đến khuya mới đi ngủ vì như vậy không tốt cho sức khỏe. Mình cố gắng ngủ sớm, dậy sớm để đảm bảo sức khỏe tốt nhất, đồng thời bổ sung thêm các loại trái cây để có đủ năng lượng. Mình cũng dành chút thời gian cho bản thân thư giãn, tránh gồng mình quá sức”, Lân chia sẻ.

Trần Phạm Kỳ Lân.

Trần Phạm Kỳ Lân.

Không học đến kiệt sức, Lân duy trì việc dậy sớm ôn bài trong trạng thái đầu óc tỉnh táo, kết hợp vận động nhẹ nhàng và giữ thói quen thư giãn cuối ngày. Chính việc duy trì tinh thần thoải mái giúp Lân không “đuối sức” ở giai đoạn quyết định – điều tưởng nhỏ nhưng lại là yếu tố then chốt để giữ vững phong độ trong kỳ thi.

Phương pháp 3 “đúng”

Đinh Thị Viên - thủ khoa đầu vào khoa Kinh tế, trường ĐH Phạm Văn Đồng lựa chọn một chiến lược ba chữ “đúng” trong giai đoạn nước rút: Học đúng phần, làm đúng cách và nghỉ đúng thời điểm. Viên bày tỏ: “Không phải cứ ôn nhiều là tốt. Mình chỉ ôn lại phần hay được chọn làm đề thi và những phần mình hay sai. Cái nào chắc rồi thì chỉ lướt qua, đỡ mất thời gian”.

Đinh Thị Viên (trái) - thủ khoa đầu vào khoa Kinh tế, trường ĐH Phạm Văn Đồng.

Đinh Thị Viên (trái) - thủ khoa đầu vào khoa Kinh tế, trường ĐH Phạm Văn Đồng.

Khi luyện đề, Viên luôn giữ thói quen phân tích kỹ từng lỗi sai, ghi chú lại những phần cần cải thiện trong một cuốn sổ riêng. Nhờ đó, cô không bị lặp lại lỗi và tiến bộ rõ rệt sau mỗi đề.

Đặc biệt, Viên rất quan tâm dành thời gian nghỉ ngơi: “Thi không phải chạy nước rút một mạch. Nếu không nạp năng lượng, bạn sẽ kiệt sức trước khi kịp tới đích”, Viên bày tỏ.

Vỉnh Dỳ - Chung Quỳnh

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nuoc-rut-khong-chay-mu-quang-bi-quyet-de-ve-dich-cua-cac-thu-khoa-post1745801.tpo
Zalo