Nước Mỹ trước ngày bầu cử
Ngày mai, 5/11, nước Mỹ thực hiện cuộc bầu cử Tổng thống được cho là 'gay cấn nhất mọi thời đại'. Giới quan sát chính trường nước này cho rằng dù bà Harris hay ông Trump thắng cử thì nước Mỹ cũng sẽ 'đổi vận', không còn là nước Mỹ của ngày hôm qua.
Cho tới ngày 3/11, có 34% cử tri Mỹ đã bỏ phiếu sớm. Theo báo New York Times, con số đó dù lớn nhưng vẫn không đủ để dự đoán ai sẽ trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ.
Dù ngày “giao đấu trực tiếp cuối cùng” giữa bà Kamala Harris và ông Donald Trump đã đến nhưng những dự đoán kết quả vẫn cho thấy tỉ lệ sít sao giữa hai ứng cử viên. Báo The Hill dẫn dữ liệu theo dõi bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 của Đại học Florida cho thấy khả năng chiến thắng của ông Trump và bà Haris ngang nhau: 48%, tính theo phiếu phổ thông. Còn kết quả thăm dò toàn quốc do CNN/SSRS thực hiện lại cho thấy 47% chia đều cho mỗi bên. Tương tự, cuộc thăm dò do New York Times và Siena College thực hiện cũng cho ra kết quả như nhau khi cả hai ứng cử viên đều có khả năng nhận được 48,5% số phiếu bầu.
Trong khi đó, ABC News lại đưa ra con số về phiếu đại cử tri mang tính quyết định thì cả ông Trump lẫn bà Harris hiện đều chỉ có khả năng dành được từ 220 đến 230 phiếu, trong khi cần ít nhất 270 phiếu đại cử tri để thắng cử.
Xét về tương quan lực lượng giữa đảng Dân chủ (bà Kamala Harris) với đảng Cộng hòa (ông Donald Trump) thì 43 trong số 50 tiểu bang của nước Mỹ có thể đã cho thấy kết quả theo cách họ ủng hộ bên nào. Vì thế, kết quả cuối cùng sẽ thuộc về ai giành chiến thắng ở 7 tiểu bang chiến trường vốn rất dao động không rõ sẽ bầu cho ai. Con số dự báo hơn kém nhau 1-3% ở 7 tiểu bang này khiến ông Trump lẫn bà Harris “mất ăn mất ngủ”.
Trong số 7 tiểu bang chiến trường, theo trang phân tích bầu cử FiveThirtyEight nổi tiếng của chuyên gia thăm dò bầu cử Nate Silver, bà Harris đang dẫn với khoảng cách sít sao ở Michigan, Nevada và Wisconsin; trong khi ông Trump dẫn trước ở Arizona, Georgia, North Carolina và Pennsylvania.
Tổng quan về 7 tiểu bang chiến trường sẽ quyết định kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay, như sau: Tiểu bang Pennsylvania (19 phiếu đại cử tri); tiểu bang Georgia (16 phiếu đại cử tri); tiểu bang North Carolina (16 phiếu đại cử tri); tiểu bang Michigan (15 phiếu đại cử tri); tiểu bang Arizona (11 phiếu đại cử tri); tiểu bang Wisconsin (10 phiếu đại cử tri ); tiểu bang Nevada (6 phiếu đại cử tri).
Theo Hiến pháp Mỹ, mỗi tiểu bang có một số lượng đại cử tri nhất định. Với các ứng cử viên cần 270 trong số 538 phiếu đại cử tri để giành chiến thắng, các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có xu hướng được quyết định ở các bang chiến trường.
Vậy “đại cử tri” là ai trong khi lá phiếu phổ thông của cử tri không phải là chìa khóa trực tiếp mở ra cánh cửa vào Nhà Trắng?
Đại cử tri là các cá nhân được lựa chọn để đại diện cho từng tiểu bang bỏ phiếu bầu Tổng thống. Phiếu bầu của đại cử tri mới là lá phiếu trực tiếp bầu ra Tổng thống Mỹ. Mỗi tiểu bang được phân số đại cử tri bằng tổng số thượng nghị sĩ (Thượng viện) và dân biểu (Hạ viện) của bang đó. Trong khi số thượng nghị sĩ luôn cố định là 2 người đối với tất cả 50 tiểu bang và thủ đô Washington D.C thì số dân biểu mỗi bang lại thay đổi theo từng năm và phụ thuộc vào dân số bang. Ví dụ, bang California (bang đông dân nhất nước Mỹ) có dân số gần 40 triệu người được phân 52 dân biểu. Do đó, bang này sẽ có tổng cộng 54 phiếu đại cử tri (do cộng thêm 2 thượng nghị sĩ cố định). Trong khi đó, tiểu bang ít dân nhất là Wyoming chỉ có chưa đầy 580.000 người nên chỉ được phân 1 dân biểu và 3 phiếu đại cử tri.
Nếu bầu theo hình thức phổ thông đầu phiếu, số phiếu bầu tiểu bang California sở hữu sẽ gấp 67 lần số phiếu của tiểu bang Wyoming. Tuy nhiên nhờ hệ thống đại cử tri, chênh lệch này giảm còn 18 lần.
Số lượng đại cử tri của mỗi bang thay đổi qua từng kỳ bầu cử, nhưng tổng số đại cử tri toàn liên bang luôn cố định là 538 người. Bất kỳ ứng viên nào giành quá bán phiếu đại cử tri, tức ít nhất 270 phiếu, sẽ đắc cử Tổng thống.
Như đã nói, lá phiếu phổ thông của hàng trăm triệu cử tri Mỹ không trực tiếp bầu ra Tổng thống. Nhưng lá phiếu ấy đóng vai trò quyết định trong việc thành lập đại cử tri đoàn tại bang mà mình bỏ phiếu. Hầu hết các tiểu bang ở Mỹ đều theo nguyên tắc "người thắng lấy tất cả"; có nghĩa ứng viên nào giành được nhiều phiếu phổ thông hơn thì toàn bộ đại cử tri của tiểu bang đó sẽ bầu cho ứng viên đã nhận được đa số phiếu phổ thông tại đó.
Thông thường, phiếu phổ thông sẽ được biết vào đêm kết thúc bầu cử, còn phiếu đại cử tri sẽ chỉ được xác nhận sau đó sớm nhất là 3 ngày.
Phân tích dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) của Công ty cá cược Bonus Code Bets (Anh) cho rằng Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris có thể giành chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử năm nay, đánh bại cựu Tổng thống Donald Trump. Bà Harris được dự đoán giành được 276 phiếu đại cử tri, trong khi ông Trump giành 262 phiếu. Trong khi đó, nhà kinh tế Christophe Barraud - người được đánh giá là nhà dự báo hàng đầu về kinh tế Mỹ lại nghiêng về ông Trump. Còn Allan Lichtman, chuyên nghiên cứu lịch sử chính trị Hoa Kỳ, người đã dự đoán chính xác 9 trong số 10 kết quả bầu cử Tổng thống từ năm 1984, cho rằng bà Harris sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 5/11.