Nước Mỹ, trên những lằn ranh vô hình

Một giai đoạn tương đối kỳ lạ, khi những diễn biến từ bên ngoài lãnh thổ nối nhau tác động rõ rệt đến chính trường Mỹ, cũng như ảnh hưởng tới cả chuỗi vận động trên đường đua nóng bỏng - cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ chính thức diễn ra vào cuối năm. Với sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ được thể hiện rõ rệt trong những ngày đầu tháng 5, 'cuộc chơi quyền lực' ấy hứa hẹn sẽ trở nên vô cùng căng thẳng.

Đảng Dân chủ đi tìm "vùng tránh bão"

Đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là sẽ cân nhắc hạn chế đề cập tới các khả năng can thiệp ở nước ngoài, vào thời điểm chuẩn bị cho cuộc bầu cử tháng 11 tới - tờ Politico hé lộ, ngày 4/5.

Dẫn lời một số quan chức Nhà Trắng, Politico cho biết: Tổng thống Biden sẽ chuyển trọng tâm chiến dịch tái tranh cử sang các vấn đề trong nước, tránh xa chủ đề xung đột quân sự tại Ukraine. Động thái này là hoàn toàn dễ hiểu, bởi dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, trong đó có 61 tỷ USD dành cho Kiev, đã được thông qua, sau thời gian dài bị đóng băng. Trong nhiều tháng qua, chính quyền Tổng thống Biden đã phải chật vật nhằm thuyết phục các đối thủ đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ thỏa hiệp, để có thể thông qua gói viện trợ này.

Sinh viên Mỹ cắm trại biểu tình ủng hộ Palestine.

Sinh viên Mỹ cắm trại biểu tình ủng hộ Palestine.

Hiện tại, tình hình Ukraine "đã trở thành một vấn đề ít nổi bật hơn" đối với ông chủ Nhà Trắng. Với 61 tỷ USD viện trợ mới nhất, chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không còn cớ gì để kêu than rằng họ bị nước Mỹ "bỏ rơi" nữa, trong khi các đồng minh châu Âu cũng không còn lý do để "thoái thác" trách nhiệm (mà nước Mỹ đặt ra cho cả thế giới phương Tây) hỗ trợ Ukraine. Quan trọng hơn, khi "bút đã sa", cả các cử tri lẫn những đối thủ đảng Cộng hòa cũng sẽ tạm ngưng chỉ trích rằng chính quyền của vị đương kim tổng thống đảng Dân chủ hy sinh lợi ích của người dân Mỹ, để phục vụ một đất nước xa xôi bên kia Đại Tây Dương.

Nhưng, dĩ nhiên, để củng cố "phòng ngự" trước những biến động khó lường trên chính trường, ông Biden không nên và không thể tiếp tục mạo hiểm để câu chuyện về cuộc chiến Ukraine này được khơi lại, vào thời điểm cực kỳ nhạy cảm sắp tới. Theo một cuộc thăm dò gần đây do đài CBS News/YouGov thực hiện, 53% cử tri Mỹ ủng hộ việc gửi vũ khí và tài chính cho Ukraine, trong đó ý kiến theo từng đảng là rất khác biệt. Với các cử tri đảng Dân chủ và cử tri độc lập, tỷ lệ người ủng hộ viện trợ cho Kiev lần lượt là 74% và 50%. Trong khi đó, đa số cử tri đảng Cộng hòa (61%) tin rằng Mỹ không nên hỗ trợ quân sự cho Ukraine và 69% người ủng hộ ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump cho rằng không nên hỗ trợ quân sự cho Kiev.

Bà Jennifer Palmieri, người từng là Giám đốc truyền thông trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, phân tích: "Những vấn đề quan trọng nhất đối với thế giới không nhất thiết là những vấn đề cấp bách đối với cử tri Mỹ. Điều cực kỳ quan trọng là chúng ta đã thông qua được các khoản viện trợ Ukraine. Nhưng, đặt cạnh những gì mọi người quan tâm trong cuộc sống hằng ngày, điều đó sẽ không được ghi nhận". Đó là một lời cảnh báo quý báu, hay đúng hơn là một giới hạn. Tổng thống Biden đã đạt được điều mà ông muốn và giờ thì ông nên tạm "quên" nó đi, để tập trung vào những vấn đề thiết thực, sát sườn khác.

Cây muốn lặng, gió chẳng đừng

Song, đặt lại trọng tâm vào những vấn đề quốc nội, trong khi diễn biến thời cuộc cứ ập tới như bão tố, lại là điều nói dễ hơn làm rất nhiều.

Ngày 2/5, với 320 phiếu thuận và 91 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật chống bài Do Thái, trong bối cảnh một làn sóng biểu tình bất ổn quét qua nhiều trường đại học trên khắp nước Mỹ.

Những căng thẳng chồng chất liên quan cuộc xung đột Hamas - Israel đã bùng phát thành bạo lực ngày 1/5, khi một nhóm người biểu tình ủng hộ Israel tấn công một nhóm người ủng hộ Palestine, trong khuôn viên chi nhánh Đại học Columbia tại Los Angeles (UCLA). Vụ ẩu đả xảy ra, chỉ vài giờ sau khi cảnh sát bắt giữ một nhóm người chiếm tòa nhà ở chi nhánh Đại học Columbia tại New York và giải tán khu trại biểu tình trong khuôn viên trường này. Vụ ẩu đả kéo dài vài giờ từ 11h đêm 30/4 đến rạng sáng 1/5 (giờ Mỹ) khi cảnh sát được huy động đến hiện trường. UCLA đã phải hủy toàn bộ lịch học trong ngày 1/5 và thông báo điều tra về vụ ẩu đả giữa hai nhóm biểu tình, không loại trừ khả năng sẽ có những người bị bắt giữ hoặc cho thôi học, thôi việc.

Tình trạng hỗn loạn cũng xảy ra tại Đại học Columbia chi nhánh New York, buộc lực lượng cảnh sát phải can thiệp, bắt nhiều người biểu tình chiếm giữ Hội trường Hamilton. Ngoài ra, sinh viên hàng chục trường đại học khác trên cả nước Mỹ đã tổ chức tuần hành hoặc cắm trại trong khuôn viên trường, nhằm phản đối cuộc xung đột ở Gaza, đồng thời yêu cầu các trường dừng hợp tác với những công ty ủng hộ Chính phủ Israel.

Những chuyến hàng viện trợ quân sự mới đã lại đến Ukraine, sau thời gian dài bị đóng băng.

Những chuyến hàng viện trợ quân sự mới đã lại đến Ukraine, sau thời gian dài bị đóng băng.

Do đó, dự luật vừa được Hạ viện thông qua - mang tên Đạo luật Nhận thức về chống bài Do Thái (do nhóm hạ nghị sĩ lưỡng đảng đề nghị, đứng đầu là Hạ nghị sĩ Mike Lawler của đảng Cộng hòa, đại diện cho bang New York và được 15 hạ nghị sĩ Dân chủ đồng bảo trợ) có thể xem là một giải pháp tình thế cấp bách được lựa chọn, để luật hóa các hành vi phản kháng của sinh viên, cũng như tạo nền tảng pháp lý cho các hoạt động trấn áp, nhằm vãn hồi trật tự. Rời Hạ viện, đạo luật đã được chuyển ngay lên Thượng viện xem xét, để Tổng thống Joe Biden có thể ký ban hành trong thời gian sớm nhất.

Nhưng, trên thực tế, định nghĩa khái niệm bài Do Thái là "nhận thức nào đó về người Do Thái, có thể được bày tỏ bằng thù ghét người Do Thái" - do Bộ Giáo dục Mỹ sử dụng định nghĩa của Liên minh Quốc tế tưởng niệm sự kiện Holocaust về chống bài Do Thái đưa ra - lại gây không ít tranh cãi, trong bối cảnh bất ổn bùng nổ tại khuôn viên các trường đại học vừa qua. Theo đó, dù chỉ phản đối chiến dịch quân sự của Israel ở Dải Gaza (chứ không mang tư tưởng thù ghét người Do Thái), bất cứ sinh viên tham gia biểu tình phản chiến nào cũng có thể bị "dán mác" là ủng hộ chủ nghĩa bài Do Thái (anti-Semitism).

Cần phải nhấn mạnh, cho đến ngày 1/5, nghĩa là trước khi bạo lực bùng phát ở UCLA, làn sóng biểu tình tại các trường đại học ở Mỹ diễn ra hầu như ôn hòa. Mặc dù hàng trăm sinh viên và nhân viên đại học khắp nước Mỹ bị bắt, nhưng tội danh chủ yếu dành cho họ là "xâm phạm cơ sở đào tạo - giáo dục". Và, theo hình ảnh được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội, cuộc ẩu đả tại UCLA bắt đầu, với việc nhóm người phản đối hoạt động cắm trại biểu tình đã xông vào tấn công người biểu tình. Trong nhóm tấn công có nhiều người đeo mặt nạ và một số người có vẻ như không phải sinh viên đã ném đồ vật, phá bỏ các hàng rào bằng gỗ và thép được dựng lên để che chắn cho khu trại. Nhóm này còn hô khẩu hiệu ủng hộ người Do Thái, khi những người biểu tình ủng hộ Palestine cố gắng chống trả.

Với đà diễn biến phức tạp của các cuộc giao tranh tại Trung Đông, không loại trừ khả năng mâu thuẫn này sẽ còn âm ỉ và sẵn sàng bùng cháy trở lại giữa lòng nước Mỹ, trong tương lai gần. Tình trạng thảm họa nhân đạo - điều không thể che đậy tại Gaza, khi đặt cạnh việc cộng đồng người Do Thái ở Mỹ "cảm thấy lo lắng cho sự an toàn của bản thân", cũng như việc Đạo luật Nhận thức về chống bài Do Thái, tạo nên một bức tranh toàn cảnh hàm chứa những đường nét bi hài.

Đến đây, có lẽ chúng ta có thể hiểu thêm hàm ý của người phát ngôn chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Kevin Munoz, khi ông nhấn mạnh: Tổng thống không cần phải lựa chọn giữa các vấn đề đối nội và đối ngoại, ông có thể quản lý thực hiện hai việc cùng một lúc. Thật ra, Tổng thống Biden khó có thể tách bạch hoàn toàn giữa "ngoại giao" và "nội trị", khi có rất nhiều vấn đề liên quan mật thiết đến cả hai khía cạnh ấy. Điều duy nhất quan trọng là chính quyền của ông sẽ xử lý các vấn đề đó như thế nào, để không đánh mất một lượng phiếu bầu đáng kể từ các tầng lớp có liên quan trong xã hội Mỹ.

Mà dễ hình dung hơn, có lẽ là làm thế nào để không tạo cơ hội cho đối thủ quen thuộc Donald Trump công kích, trong những cuộc tranh luận chuẩn bị diễn ra...

Sao Linh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/nuoc-my-tren-nhung-lan-ranh-vo-hinh-i730836/
Zalo