Nước đi tính toán của Iran và sự 'bao dung' của Qatar
Theo giới quan sát, không phải ngẫu nhiên Iran chọn trả đũa cuộc tấn công của Mỹ bằng cách nã tên lửa vào Căn cứ Không quân Al-Udeid ở Qatar và điều này có liên quan thế nào đến thỏa thuận ngừng bắn Iran-Israel?
Chưa đầy 48 giờ sau khi Mỹ không kích các cơ sở hạt nhân của Iran trong “Chiến dịch Nhát búa lúc nửa đêm”, Tehran đã phát động cuộc trả đũa.
Vào ngày 23-6, Iran đã phóng tên lửa tầm ngắn và trung vào Căn cứ Không quân Al-Udeid ở Qatar. Đây là nơi có trụ sở chỉ huy của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM).
Bộ Ngoại giao Qatar đã lên án cuộc tấn công của Iran vào Al-Udeid, khẳng định rằng hệ thống phòng không của Qatar “đã ngăn chặn cuộc tấn công và đánh chặn thành công các tên lửa của Iran" đồng thời kêu gọi các bên trở lại đàm phán.
Ngay sau khi Iran phát động cuộc tấn công bằng tên lửa vào Qatar, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảm ơn Tehran vì đã “thông báo sớm” về cuộc không kích vào Al-Udeid. Không lâu sau đó, ông Trump công bố một thỏa thuận ngừng bắn Iran-Israel do Mỹ và Qatar làm trung gian.
Loạt diễn biến trên cho thấy mối quan hệ đan xen lợi ích giữa Mỹ, Israel, Iran và các nước Vùng Vịnh.
Tại sao là Qatar?
Một câu hỏi đáng chú ý được đặt ra là với việc quân đội Mỹ hiện diện dày đặc khắp khu vực, tại sao Iran lại quyết định tấn công một căn cứ ở Qatar?
Theo TS Andreas Krieg tại Khoa Nghiên cứu Quốc phòng thuộc ĐH King’s College London (Anh), việc chọn Al-Udeid làm mục tiêu là cách Iran gửi đi một thông điệp mạnh mẽ.
“Tấn công một quốc gia vùng Vịnh, đặc biệt là Qatar, bằng tên lửa, hơn nữa đó còn là nơi đặt chỉ huy của CENTCOM, là một phản ứng nằm ở khoảng giữa trong nấc thang leo thang xung đột” - ông Krieg nói với tờ The New Arab.

Căn cứ không quân Al-Udeid của Mỹ ở Qatar. Ảnh: BRENDAN SMIALOWSKI/AFP
Vị chuyên gia cho rằng ban lãnh đạo Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đang phát đi một thông điệp mạnh mẽ: “Lần tới, Iran sẽ sẵn sàng tấn công các căn cứ và lợi ích của Mỹ ở vùng Vịnh – khu vực mà trước đây Tehran vẫn tránh đụng đến, đặc biệt ở Qatar”.
Theo ông Krieg, cuộc tấn công bằng tên lửa vào Al-Udeid là cách Iran tái lập năng lực răn đe.
Khi được hỏi vì sao Iran không chọn tấn công các mục tiêu khác ngoài Qatar, TS Steven Wright tại ĐH Hamad Bin Khalifa (Qatar) cho rằng đây là một hành động mang tính chính trị có chủ đích.
Việc Iran đáp trả “Chiến dịch Nhát búa lúc nửa đêm” của Mỹ là điều tất yếu. Khi lựa chọn mục tiêu, không nơi nào mang tính biểu tượng cao hơn CENTCOM - căn cứ đầu não của Mỹ ở khu vực.
“Đòn đáp trả này mang tính biểu tượng nhiều hơn là nhằm gây thiệt hại thật sự, vì nếu gây thương vong lớn chắc chắn tình hình sẽ leo thang nghiêm trọng với các nước vùng Vịnh. Điều Iran cần lúc này là một hành động táo bạo để xoa dịu làn sóng đòi trả đũa từ trong nước” - ông Wright nhận định.
“Thụy Sĩ của Trung Đông”
Dù Qatar hoàn toàn có lý do để thất vọng khi Iran nã tên lửa vào căn cứ Al-Udeid và sự kiện này chắc chắn sẽ để lại dư chấn tâm lý với người dân vương quốc này, nhưng theo TS Krieg, “người Qatar sẽ muốn tận dụng cơ hội này để mở ra một lối thoát và tạo tiền đề cho ổn định”.
“Qatar không phải là quốc gia có xu hướng leo thang căng thẳng. Văn hóa chiến lược của họ luôn ưu tiên đối thoại hơn là đối đầu, và điều này sẽ không thay đổi. Vì vậy, xét về tổng thể, đây vẫn là một tín hiệu tích cực” - ông Krieg nói.
Dù vụ tấn công bằng tên lửa vi phạm chủ quyền Qatar, nhưng sự kiện lại càng làm nổi bật vai trò của Doha như một trung gian hòa giải hiệu quả trong khu vực.
Trong một khu vực vốn tràn ngập đối đầu, Qatar đã xây dựng được vị thế hiếm có: một bên có thể đối thoại với tất cả các phía, kể cả Iran, mà không bị ràng buộc bởi bất kỳ liên minh địa chính trị nào.
Đòn đáp trả có tính toán của Iran không khiến Qatar thay đổi lập trường, mà ngược lại càng cho thấy Doha đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn khu vực rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng hơn.
“Qatar đang nắm bắt cơ hội, như một ‘Thụy Sĩ của Trung Đông’, để chuyển hóa xung đột thành ngừng bắn. Họ chấp nhận bỏ qua tổn thương để làm trung gian giữa Iran và Mỹ” - TS Krieg nhận định.
Với bối cảnh hiện tại, quan hệ giữa Doha và Tehran khó rạn nứt chỉ vì sự việc này dù Qatar không hài lòng khi Iran chọn Al-Udeid làm mục tiêu.
“Vì không có thương vong, Qatar có thể tiếp tục thúc đẩy hạ nhiệt và tạo lối thoát cho Iran – quốc gia không muốn xung đột leo thang nhưng cần thể hiện sức mạnh. Cả hai nước đều muốn giải quyết vụ việc và không bên nào muốn căng thẳng ảnh hưởng đến các lợi ích kinh tế chung tại mỏ khí đốt North Dome/South Pars” - theo TS Wright.
Sự ủng hộ của vùng Vịnh dành cho Qatar
Sau vụ Iran tấn công tên lửa vào căn cứ Al-Udeid, các nước còn lại trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã đồng loạt lên tiếng ủng hộ Qatar.

Các tên lửa của Iran tấn công Qatar ngày 23-6. Ảnh: AL JAZEERA
Bahrain khẳng định “hoàn toàn ủng hộ” Doha, đồng thời bày tỏ “sự đoàn kết tuyệt đối với Nhà nước Qatar anh em”.
Kuwait lên án mạnh mẽ vụ tấn công, gọi đây là “hành vi vi phạm trắng trợn chủ quyền và không phận của Qatar, đồng thời đi ngược lại luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc”, gây nguy cơ đối với “hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực”.
Oman tuyên bố “kiên quyết phản đối mọi hành động đe dọa an ninh khu vực hoặc xâm phạm chủ quyền và sự ổn định của các quốc gia trong khu vực”, đồng thời đánh giá cao “sự khôn khéo của Qatar trong việc kiểm soát hệ lụy từ căng thẳng leo thang” và bày tỏ “sự đoàn kết tuyệt đối” với Doha.
Saudi Arabia cũng lên án “hành động gây hấn của Iran nhằm vào Qatar anh em”, cho rằng đây là “sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và các nguyên tắc láng giềng tốt, là hành vi hoàn toàn không thể chấp nhận được và không thể biện minh dưới bất kỳ hình thức nào”.
Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng chỉ trích IRGC vì “nhắm vào căn cứ Al-Udeid ở Qatar”. UAE nhấn mạnh quan điểm phản đối “mọi cuộc tấn công đe dọa an ninh và an toàn của Qatar, cũng như gây tổn hại đến an ninh và ổn định của khu vực”.
Tuy nhiên TS Wright dự báo các nước GCC tiếp theo sẽ chuyển hướng sang thúc đẩy hạ nhiệt căng thẳng và hướng tới hòa giải lâu dài trong khu vực.
“Việc lên án ban đầu là cần thiết về mặt ngoại giao để bảo vệ nguyên tắc chủ quyền. Tuy nhiên, theo tôi, động lực quan trọng hơn chính là sự kêu gọi thống nhất nhằm giảm leo thang và điều này bắt nguồn từ tính toán thực tế về kinh tế. Các nước vùng Vịnh đang đặt cược tương lai vào các dự án cải tổ quốc gia quy mô lớn, và mọi thành công đều phụ thuộc vào sự ổn định khu vực” - ông Wright nhận định.
Một con đường hòa bình phía trước?
Sau vụ tấn công tên lửa, Tổng thống Trump đã thuyết phục thành công Israel và Iran đồng ý một thỏa thuận ngừng bắn.
Hiện chưa rõ liệu thỏa thuận ngừng bắn Iran-Israel có thể kéo dài hay chỉ là khoảng lặng ngắn trước một cuộc chiến dai dẳng và phức tạp. Tất cả các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh đều có lợi ích to lớn trong việc duy trì ngừng bắn và hy vọng đây sẽ là nền tảng cho nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng giữa Tel Aviv và Tehran.
Với vai trò trung gian nổi bật giúp Tổng thống Trump đạt được thỏa thuận ngừng bắn Iran-Israel, Qatar đã tạo tiền đề để các nước khác trong khu vực – bao gồm Oman, Iraq, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và UAE – có thể tiếp sức mở lại kênh đối thoại giữa Washington và Tehran.
Là quốc gia ký kết Hiệp định Abraham, UAE được đánh giá có vị thế đặc biệt trong việc đóng vai trò cầu nối giữa Israel và Iran.
TS Mira Al Hussein tại Trung tâm Alwaleed thuộc ĐH Edinburgh (Scotland), nhận định rằng sự đối đầu giữa liên minh Mỹ - Israel với Iran mở ra cơ hội để các nước Ả Rập vùng Vịnh thể hiện với chính quyền Mỹ rằng họ là những đồng minh điềm tĩnh, đáng tin cậy và ổn định.
“Để thị trường toàn cầu phát triển, thế giới cần những nhân tố có khả năng ngoại giao, biết giữ hòa khí với láng giềng và linh hoạt dung hòa lợi ích giữa các cường quốc mới nổi ở cả phương Đông lẫn phương Tây. Đó chính là điều mà vùng Vịnh đang thể hiện” - bà Al Hussein nêu ý kiến.