Pháp: Nguy cơ hỗn loạn hàng không do đình công

Hàng trăm chuyến bay đã bị hủy, đặc biệt tại sân bay lớn thứ ba của Pháp là Nice, một nửa số chuyến bay đã bị hủy.

Hành khách đợi chờ tại sân bay Orly ở ngoại ô Paris, Pháp khi các chuyến bay bị hủy do đình công ngày 25/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Hành khách đợi chờ tại sân bay Orly ở ngoại ô Paris, Pháp khi các chuyến bay bị hủy do đình công ngày 25/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Hơn 30.000 hành khách tại châu Âu đã bị ảnh hưởng trong ngày 3/7 khi các nhân viên kiểm soát không lưu của Pháp bắt đầu cuộc đình công kéo dài hai ngày nhằm phản đối tình trạng thiếu nhân lực và quản lý yếu kém. Tình hình này diễn ra trong bối cảnh mùa nghỉ Hè cao điểm bắt đầu.

Hàng trăm chuyến bay đã bị hủy, đặc biệt tại sân bay lớn thứ ba của Pháp là Nice, một nửa số chuyến bay đã bị hủy. Tại 2 sân bay Charles de Gaulle và Orly của thủ đô Paris, tỷ lệ này là khoảng 25%. Các sân bay ở phía Nam nước Pháp như ở thành phố Lyon, Marseille và Montpellier cũng buộc phải cắt giảm 30% chuyến bay. Mức độ gián đoạn dự kiến còn nghiêm trọng hơn trong ngày 4/7, thời điểm sát kỳ nghỉ của học sinh. Do đó, Cơ quan Hàng không dân dụng Pháp (DGAC) đã yêu cầu các sân bay ở thủ đô Paris và sân bay ở thị trấn Beauvais thuộc miền Bắc nước này cắt giảm tới 40% số chuyến bay trong ngày 4/7.

Không chỉ Pháp, hoạt động hàng không tại Tây Âu cũng bị ảnh hưởng. Ryanair, hãng hàng không lớn nhất châu Âu, thông báo đã phải hủy 170 chuyến bay trong ngày 3/7, ảnh hưởng đến 30.000 hành khách. Ryanair cho biết phần lớn hành khách bị ảnh hưởng không khởi hành từ hoặc bay đến Pháp, mà chỉ là bay qua không phận nước này.

Giám đốc điều hành (CEO) của Ryanair, ông Michael O'Leary gọi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen có hành động khẩn cấp để bảo vệ các chuyến bay quá cảnh cũng như đưa ra những cải cách cần thiết.

Cuộc đình công này do nghiệp đoàn lớn thứ hai và thứ ba của Pháp là UNSA-ICNA và USAC-CGT tiến hành. Các nghiệp đoàn đã yêu cầu cải thiện điều kiện làm việc, tăng cường nhân lực, đồng thời lên tiếng về tình trạng hệ thống kỹ thuật lỗi thời và các phương thức quản lý “không phù hợp với yêu cầu an toàn và ổn định”. Tuy nhiên, nghiệp đoàn lớn nhất của Pháp là SNCTA đã không tham gia đình công.

Theo Hiệp hội hàng không châu Âu (A4E) - hiệp hội hàng không lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) và đại diện cho 70% lưu lượng hàng không châu Âu, hành động đình công là “không thể chấp nhận”.

Nguyễn Hà/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/phap-nguy-co-ho-n-loa-n-ha-ng-khong-do-di-nh-cong/379245.html
Zalo