'Nước cờ' tiếp theo của OPEC để thắp sáng thị trường dầu

Trong báo cáo tháng Tám về thị trường dầu, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2024 do triển vọng nhu cầu giảm sút tại Trung Quốc.

Sự điều chỉnh này cho thấy tình hình “tiến thoái lưỡng nan” mà OPEC và các nước đồng minh, hay còn gọi là nhóm OPEC+, phải đối mặt trong kế hoạch tăng sản lượng từ tháng 10 tới đây.

Tiến thoái lưỡng nan

Trạm bơm dầu thô tại giếng dầu South Belridge ở hạt Kern, bang California (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Trạm bơm dầu thô tại giếng dầu South Belridge ở hạt Kern, bang California (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Trong báo cáo, OPEC dự đoán nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2,11 triệu thùng/ngày trong năm 2024, thấp hơn mức tăng dự báo 2,25 triệu thùng/ngày trước đó. OPEC giải thích sự điều chỉnh này là do các dữ liệu thực tế trong quý đầu tiên của năm 2024 và trong một số trường hợp là cả quý II, cũng như sự suy giảm trong các dự đoán đối với mức tăng nhu cầu dầu của Trung Quốc trong năm nay.

Đây là lần hạ dự báo năm 2024 đầu tiên của OPEC kể từ khi dự báo này được đưa ra vào tháng 7/2023, trong bối cảnh ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy nhu cầu ở Trung Quốc thấp hơn so với dự đoán, do tiêu thụ dầu diesel giảm mạnh và cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản vẫn đang kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế nước này.

Hiện có sự chênh lệch lớn trong các dự báo về tăng trưởng nhu cầu năm nay do những khác biệt trong các nhận định về Trung Quốc và tốc độ chuyển đổi năng lượng của thế giới. Trong đó, OPEC vẫn có dự báo lạc quan hơn cả so với mặt bằng chung trong ngành, cao hơn hẳn mức dự đoán của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

OPEC dự đoán mức tăng nhu cầu trong năm nay vẫn cao hơn mức trung bình 1,4 triệu thùng/ngày được ghi nhận trước đại dịch COVID-19 vào năm 2019, và nhu cầu đi lại trong mùa hè sẽ vẫn cao. Theo báo cáo, dù mùa dịch chuyển trong dịp Hè năm nay khởi đầu có phần chậm hơn so với năm ngoái, nhưng nhu cầu nhiên liệu vận tải được dự đoán vẫn sẽ cao do hoạt động giao thông đường bộ và hàng không mạnh mẽ.

Trong báo cáo, OPEC cũng hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu năm tới từ mức 1,85 triệu thùng/ngày trước đó xuống 1,78 triệu thùng/ngày, song vẫn nằm ở vùng cao trong khoảng dự báo của ngành.

OPEC+ đã cắt giảm mạnh sản lượng kể từ cuối năm 2022 để hỗ trợ thị trường, và phần lớn các mức giảm này vẫn được duy trì đến cuối năm 2025.

Đầu tháng này, OPEC+ xác nhận kế hoạch bắt đầu thu hẹp mức cắt giảm gần đây nhất là 2,2 triệu thùng/ngày từ tháng 10, nhưng có thể tạm dừng hoặc đảo ngược dự định này nếu cần. OPEC+ vẫn còn một tháng để quyết định có bắt đầu tăng sản lượng từ tháng 10 hay không, và các nguồn thạo tin cho hay nhóm này sẽ nghiên cứu số liệu trên thị trường dầu trong những tuần tới.

Tuy nhiên, báo cáo của OPEC cho thấy sản lượng thực tế đang tăng lên. OPEC+ đã bơm ra 40,9 triệu thùng/ngày trong tháng Bảy, tăng 117.000 thùng/ngày so với tháng Sáu, dẫn đầu là sự gia tăng từ Saudi Arabia.

Báo cáo của OPEC dự báo nhu cầu đối với dầu thô của OPEC+ ở mức 43,8 triệu thùng/ngày trong quý IV, về lý thuyết sẽ tạo dư địa cho nhóm này tăng sản lượng. Tuy nhiên, các dự báo khác lại cho thấy ít dư địa hơn. IEA dự báo tăng trưởng nhu cầu thấp hơn nhiều so với OPEC là 970.000 thùng/ngày trong năm 2024.

Triển vọng kém sáng

Tuần trước, giá dầu đã chạm mức thấp nhất trong năm, gần 75 USD/thùng, do lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc và khả năng suy thoái kinh tế Mỹ. Sau báo cáo của OPEC, giá dầu ổn định ở mức trên 80 USD/thùng.

Ngân hàng Citigroup mới đây nhận định giá dầu thô có thể phục hồi sau đợt bán tháo gần đây, nhưng ngân hàng này vẫn tin rằng “vàng đen” có ít triển vọng tăng giá trong trung và dài hạn.

Trong một báo cáo mới đây, các nhà phân tích của Citigroup cho rằng giá dầu Brent Biển Bắc có thể tăng lên mức từ 80-85 USD/thùng, như những gì đang diễn ra, do rủi ro địa chính trị gia tăng ở Trung Đông và Bắc Phi, cũng như khả năng gián đoạn nguồn cung liên quan đến bão. Citi cho rằng đợt bán tháo đầu tháng Tám có thể đã quá đà và cho rằng hoạt động bán khống có thể xảy ra nếu giá dầu phục hồi.

Báo cáo lưu ý rằng tháng Tám thường là “tháng ghi nhận nhu cầu dầu cao nhất”, với mức tiêu thụ có thể cao hơn mức trung bình trong giai đoạn 2015-2019 khoảng 1 triệu thùng/ngày. Citigroup dự đoán nhu cầu dầu sẽ vượt nguồn cung khoảng 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng này.

Báo cáo cũng đề cập đến sự sụt giảm 300.000 thùng/ngày trong sản lượng từ mỏ dầu El Sharara ở Libya trong thời gian gần đây, và cho biết tình hình bất ổn tiếp diễn ở nước này có thể khiến tình trạng gián đoạn kéo dài hơn.

Citi xác định cảng xuất khẩu ở đảo Kharg của Iran là rủi ro lớn nhất đối với nguồn cung ở Trung Đông, vì Israel có thể nhắm mục tiêu vào cơ sở này, vốn được xem là “gót chân Asin” trong cơ sở hạ tầng dầu của Iran. Cơ sở này xử lý 90% lượng dầu xuất khẩu hơn 1,8 triệu thùng/ngày của Iran. Cảng này có khả năng vận chuyển cao hơn nhiều nếu các lệnh trừng phạt được nới lỏng.

Dù đã cân nhắc những nguy cơ này, nhưng các nhà phân tích của Citi cho biết, họ tin rằng giá dầu thô sẽ đi xuống trong 6-18 tháng tới. Ngân hàng này dự đoán giá dầu Brent trung bình sẽ ở mức 60 USD/thùng vào năm 2025, do đà tăng nhu cầu chững lại trong khi công suất của OPEC+ dư thừa lớn. Citi cũng cho rằng thị trường dầu sẽ dư thừa nguồn cung ngay cả khi OPEC+ gia hạn tất cả các mức cắt giảm sản lượng đã được áp dụng vào năm ngoái cho đến hết năm 2025.

Hơn nữa, Citi dự báo tình trạng “thặng dư nguồn cung dầu thô rất lớn” nếu OPEC+ tiến hành kế hoạch thu hẹp mức giảm sản lượng 2,5 triệu thùng/ngày bắt đầu từ ngày 1/10, hoặc nếu suy thoái kinh tế ở Mỹ xảy ra “sớm hơn hoặc sâu hơn và/hoặc kéo dài hơn” so với dự đoán của ngân hàng này.

Khánh Ly/TTXVN (Tổng hợp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nuoc-co-tiep-theo-cua-opec-de-thap-sang-thi-truong-dau-20240813160807973.htm
Zalo