Nước cho sản xuất vụ Xuân: Nhiều phương án dự phòng phù hợp

Nguồn nước cho sản xuất vụ Xuân luôn là vấn đề được người dân và các cấp, ngành chức năng trong tỉnh quan tâm. Vụ Xuân năm nay, Thái Nguyên gặp không ít khó khăn về nguồn nước tưới khi dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán (thời vụ gieo cấy lúa xuân) không có mưa. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Thái Nguyên, nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có các phương án dự phòng phù hợp nên tiến độ gieo cấy vụ xuân ở Thái Nguyên không bị ảnh hưởng. Dự kiến, hết tháng 2, các địa phương cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa xuân.

Hồ Phượng Hoàng, xã Cù Vân (Đại Từ) tích trữ đủ nước đáp ứng nhu cầu cấy lúa của người dân các xã An Khánh, Cù Vân...

Hồ Phượng Hoàng, xã Cù Vân (Đại Từ) tích trữ đủ nước đáp ứng nhu cầu cấy lúa của người dân các xã An Khánh, Cù Vân...

P.V: Ông đánh giá như thế nào về tình hình cung ứng nước cho sản xuất vụ xuân năm nay trên địa bàn tỉnh?

Ông Nguyễn Văn Bắc: Vụ Xuân năm nay, Thái Nguyên có kế hoạch gieo cấy trên 28 nghìn héc-ta lúa. Khung thời vụ gieo cấy lúa xuân muộn tốt nhất tại các địa phương là cuối tháng 1 và trong tháng 2. Tuy nhiên, từ tháng 11 năm ngoái đến đầu tháng 2, Thái Nguyên hầu như không có mưa. So với mọi năm, thời gian không có mưa trong vụ Đông - Xuân ở Thái Nguyên kéo dài hơn.

Trung tuần tháng 2 trở lại đây, trên địa bàn tỉnh bắt đầu có những trận mưa rào nhẹ. Đây là một tín hiệu rất tích cực nhưng trên thực tế, nguồn nước từ các trận mưa nhỏ này không đáng kể. Do đó, việc cung ứng nước phục vụ gieo cấy lúa xuân vẫn phải trông chờ vào nguồn nước tích trữ tại hồ, đập và lấy từ các sông, suối…

P.V: Trước những tác động tiêu cực của thời tiết, chúng ta đã có phương án gì để đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ gieo cấy lúa xuân, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Bắc: Nhận diện được những diễn biến phức tạp của thời tiết trong vụ Đông - Xuân năm 2024-2025 nên ngay từ cuối mùa mưa, chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị, địa phương tích trữ nguồn nước tại các hồ chứa lớn của tỉnh. Riêng với các hồ chứa đang tổ chức thi công, sửa chữa, không đảm bảo an toàn, chỉ tích một phần nước.

Cuối năm 2024, chúng tôi đã tham mưu với tỉnh chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước trong mùa khô năm 2024-2025. Trong đó, căn cứ vào dự báo tình hình khí tượng, thủy văn, kiểm tra, đánh giá, cân đối khả năng đáp ứng nguồn nước của từng công trình đầu mối (trạm bơm, hồ đập) cho các nhu cầu dùng nước. Đồng thời, xác định cụ thể vùng có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước để các địa phương có kế hoạch bố trí lịch thời vụ phù hợp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý. Chúng tôi cũng tham mưu với tỉnh, kiên quyết không cấy cưỡng, ở những nơi không đủ nguồn nước cho suốt vụ cần phải chuyển sang cây trồng cạn, ít sử dụng nước.

P.V: Ông đánh giá ra sao về việc cấp nước tưới phục vụ sản xuất vụ Xuân tại các địa phương trong tỉnh?

Ông Nguyễn Văn Bắc: Qua nắm tình hình, chúng tôi nhận thấy, lịch cung cấp nước tưới đã được các địa phương tuyên truyền rộng rãi, công khai để người dân biết, thực hiện. Qua đó, điều hòa phân phối nước hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, có kế hoạch cụ thể; không để xảy ra tình trạng thất thoát hoặc lấy nước tràn lan gây lãng phí.

Cùng với đó, các huyện, thành đã có sự phối hợp với các đơn vị liên quan làm tốt công tác quản lý, vận hành, kiểm tra, giám sát nhằm giảm tổn thất nước trên kênh, mương. Quan tâm thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn…

Nhiều địa phương đã chủ động phối hợp trong việc tu sửa, bảo dưỡng các công trình đầu mối, các công trình bị hư hỏng do mưa lũ, nhất là các trạm bơm, đảm bảo sẵn sàng bơm, tưới nước… khi có yêu cầu.

P.V: Ông có khuyến cáo gì tới người dân khi hạn hạn vẫn có nguy cơ kéo dài như hiện nay?

Ông Nguyễn Văn Bắc: Hiện nay, lượng mưa tại Thái Nguyên không đáng kể. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hạn hán tại miền Bắc, trong đó có Thái Nguyên có thể kéo dài đến đầu vụ mùa năm nay. Tình trạng khan hiếm nguồn nước cấy, chăm bón, dưỡng lúa vẫn có thể tiếp diễn, nhất là thời kỳ khô hạn cuối tháng 3, đầu tháng 4.

Thời gian qua, các địa phương, ngành chức năng đã tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình nguồn nước tới người dân và tác động của biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến tình trạng hán hán, thiếu nước nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm trong quá trình cấy lúa, dưỡng lúa. Về phía người dân, bà con nên phối hợp với các đơn vị, quản lý, khai thác công trình thủy lợi lấy, trữ nước và sử dụng nước hiệu quả.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Tùng Lâm (Thực hiện)

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/nong-nghiep/202502/nuoc-cho-san-xuat-vu-xuan-nhieu-phuong-an-du-phong-phu-hop-a062ace/
Zalo