'Núi' tiền mặt đem về nghìn tỷ lợi nhuận cho nhóm dầu khí
Fitch Ratings dự báo Lọc hóa dầu Bình Sơn duy trì vị thế tiền mặt ròng trong 4-5 năm tới, bất chấp giả định về giá dầu đang đà giảm cùng kế hoạch đầu tư lớn.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang “vật lộn” với những khó khăn về dòng tiền, kết thúc quý II/2024, thị trường ghi nhận một loạt “ông lớn” đầu ngành hiện nắm giữ lượng tiền mặt, tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng quy mô “khủng” như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nạm (ACV), Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn FPT, Hóa chất Đức Giang, Vinamilk...
Trong danh sách này, nổi bật nhất là "họ" dầu khí với hàng loạt doanh nghiệp sở hữu hàng nghìn tỷ đồng trong két sẵn sàng phục vụ cho hoạt động kinh doanh dù đang trong giai đoạn giá dầu duy trì ở mức thấp nhất trong khoảng hơn hai năm trở lại đây (quanh mức 70 USD/thùng).
Đáng chú ý, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn thuộc nhóm doanh nghiệp có lượng tiền mặt dồi dào nhất trên sàn.
Trên thực tế, lượng tiền mặt cao được công ty duy trì và gia tăng liên tục trong những năm qua, từ mức gần 14.000 tỷ đồng năm 2020 (chiếm 25% tổng tài sản) lên 21.000 tỷ đồng và 25.000 tỷ đồng (32%) trong hai năm tiếp theo.
Trong các quý gần đây, lượng tiền mặt tăng mạnh và đạt kỷ lục lên quanh mức 40.000 tỷ đồng, tăng hơn 1.800 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm gần 50% tổng tài sản hiện có của công ty.
Đồng thời, riêng khoản tiền gửi ngân hàng này đem về cho Lọc hóa dầu Bình Sơn số lãi khoảng 640 tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng lãi ròng ghi nhận chỉ sau nửa đầu năm nay – đây là con số lợi nhuận mơ ước của nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán.
Trên thực tế, Lọc hóa dầu Bình Sơn đã duy trì vị thế gia tăng tiền mặt ròng kể từ năm tài chính 2021 cho tới nay.
Tới cuối tháng 6/2024, số dư tiền mặt khoảng 26.000 tỷ đồng và tài sản tài chính ngắn hạn là 14.000 tỷ đồng đã vượt trên tổng nợ của công ty là khoảng 15.000 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản vay vốn lưu động ngắn hạn.
Bộ đệm tài chính bền vững
Với vai trò quan trọng trong việc duy trì an ninh năng lượng quốc gia khi cung cấp khoảng 35% nhu cầu xăng dầu cho đất nước, khoản tiền mặt lớn giúp Lọc hóa dầu Bình Sơn đảm bảo tính bền vững của hoạt động kinh doanh.
Thêm nữa, lượng tiền mặt tích lũy cũng giúp hỗ trợ cho dự án nâng cấp và mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất sắp tới.
Cụ thể, Lọc hóa dầu Bình Sơn hiện đang tập trung triển khai dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất với mục tiêu tăng công suất thêm khoảng 16% từ lên 171.000 thùng/ngày trong năm 2028.
Cùng với cải thiện về hiệu suất, khả năng chế biến và tối ưu hóa sản phẩm, Lọc hóa dầu Bình Sơn có thể cải thiện khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động trong dài hạn.
Tiềm lực tài chính dồi dào góp phần giúp Lọc hóa dầu Bình Sơn được tổ chức xếp hạng hàng đầu thế giới - Fitch Ratings xếp hạng tín nhiệm mặc định dài hạn (IDR) năm thứ 2 ở mức “BB+” với “Triển vọng ổn định” trong báo cáo vừa công bố.
Theo đó, Fitch Ratings đánh giá cao tính bền vững trong bảng cân đối kế toán của công ty cùng với mối liên kết chặt chẽ với công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cũng mang lại khả năng tiếp cận nguồn vốn tốt, đặc biệt là ở thị trường trong nước.
Tổ chức xếp hạng quốc tế này dự báo Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ duy trì vị thế tiền mặt ròng trong 4-5 năm tới, bất chấp các giả định về giá dầu đang trên đà giảm cùng kế hoạch đầu tư vốn lớn khoảng 35.000 tỷ đồng để nâng cấp và mở rộng công suất nhà máy lọc dầu Dung Quất, dự kiến bắt đầu trong năm tới.
Thêm nữa, bên cạnh tiềm lực vốn dồi dào, việc mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng sẽ được tài trợ 40% bằng nợ vay và phần lớn chi phí đầu tư vốn sẽ diễn ra trong giai đoạn 2026-2028.
Trên thực tế, không chỉ Lọc hóa dầu Bình Sơn sở hữu cơ cấu vốn “khủng” trong ngành dầu khí. Một công ty khác thuộc Tập đoàn Dầu khí là Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ) cũng tăng thêm lượng lớn tiền gửi vào ngân hàng.
Cụ thể, cuối quý 2, tổng tài sản của công ty đạt hơn 15.700 tỷ đồng, trong đó lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng chiếm 9.700 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với đầu năm.
Trong khi đó, một “ông lớn” khác là Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau cũng sở hữu trong két hơn 10.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng.
Dẫn đầu về quy mô tiền mặt của các thành viên “họ” dầu khí là Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) đang nắm lượng tiền mặt kỷ lục hơn 43.900 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương gần một nửa tổng tài sản của công ty.
Dù nền lãi suất tiền gửi có xu hướng giảm dần trong thời gian qua, khoản tiền gửi ngân hàng này vẫn mang về cho PV Gas số lãi là 830 tỷ đồng chỉ sau nửa đầu năm nay.