Nữ tiểu thương thời công nghệ số

Hòa mình vào dòng chảy chuyển đổi số, nhiều nữ tiểu thương trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã và đang bắt nhịp, chuyển đổi cách thức kinh doanh bằng việc tăng cường ứng dụng công nghệ, nền tảng số.

 Nhờ kinh doanh qua kênh online, quán trà của chị Nguyễn Thị Thùy Dung, tổ 1 phường sông Cầu (TP. Bắc Kạn) được nhiều khách hàng biết đến.

Nhờ kinh doanh qua kênh online, quán trà của chị Nguyễn Thị Thùy Dung, tổ 1 phường sông Cầu (TP. Bắc Kạn) được nhiều khách hàng biết đến.

Khai thác hiệu quả nền tảng số

Hiện nay việc phát triển mạnh mẽ của các nền tảng số như Facebook, Zalo, TikTok, Youtube… đã giúp cho nhiều người thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh. Trong đó, việc tăng cường ứng dụng công nghệ số là một giải pháp được nhiều nữ tiểu thương trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn lựa chọn để thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

Nhiều năm “lăn lộn” với đủ nghề, chị Nguyễn Thị Thùy Dung, trú ở tổ 1 phường Sông Cầu (thành phố Bắc Kạn) gặp không ít thất bại trong kinh doanh vì nhiều nguyên nhân, trong đó chi phí cho thuê mặt bằng, địa điểm, nhân công nhiều khiến kinh doanh không có lãi. Vài năm trở lại đây, khi các nền tảng số phát triển mạnh mẽ, lượng người tương tác, giao lưu, kết bạn trên các nền tảng mạng xã hội ngày càng nhiều. Nhận thấy đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh doanh online, chị Dung đã nhanh chóng chuyển đổi cách thức kinh doanh, mở cửa hàng buôn bán các mặt hàng nông sản, nước giặt và đồ ăn uống tại nhà và chủ yếu bán qua mạng xã hội.

Để có kiến thức kinh doanh trong lĩnh vực này, chị Dung đã tham gia khóa học ngắn ngày, lên mạng tìm hiểu về cách đăng bài quảng bá sản phẩm, cách xây dựng thương hiệu trang cá nhân Facebook sao cho thu hút. Đồng thời chị còn thực hiện quay những video về sản phẩm để đăng lên trang Facebook cá nhân để tăng sự tương tác, có những video thu hút từ 4.000 đến 5.000 lượt người xem. Đây là cơ hội để chị kết nối, tiếp cận với nhiều bạn bè, khách hàng đến với cửa hàng của mình. Đối với mặt hàng đồ ăn uống, mỗi ngày chị ship khoảng 100 cốc, 50 cái bánh mì thông qua hình thức đặt hàng trên mạng xã hội.

Chị Nguyễn Thị Thùy Dung chia sẻ: Nền tảng mạng xã hội Facebook cá nhân được ví là “chợ online”, ở đây mình có thể kết nối, trao đổi với nhiều người, nhiều khách hàng và quảng cáo sản phẩm hiệu quả nhất. Nếu biết cách khai thác một cách hiệu quả nền tảng này thì sẽ không mất chi phí cho việc thuê địa điểm, mặt bằng. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, kết nối mạng là tôi đã có thể giao dịch, trao đổi nhận đơn và chuyển hàng cho khách hằng ngày.

Với chị Nguyễn Thị Mai, tiểu thương kinh doanh hoa quả tại chợ Quang Sơn, phường Sông Cầu (thành phố Bắc Kạn) nền tảng số đã mang lại nhiều tiện ích cho hoạt động kinh doanh, buôn bán. Bên cạnh việc đăng bài về các sản phẩm, chị còn quay video về trang trại trồng cây ăn quả của gia đình, từ khâu canh tác đến thu hoạch và đăng tải trên trang Facebook cá nhân, có video thu hút khoảng 5.000 lượt người xem. Với lượng tương tác lớn như vậy, khách hàng biết đến cửa hàng hoa quả của chị nhiều hơn.

Chị Nguyễn Thị Mai cho hay: Trước đây khi chưa có ứng dụng nền tảng mạng xã hội, tôi chỉ bán hàng cho những khách quen thuộc gần quanh khu vực sinh sống. Nay nhờ sự phát triển của mạng xã hội, nhiều khách hàng đã tìm đến đặt mua hoa quả mỗi khi tôi đăng bài trên trang cá nhân. Đặc biệt, với những video quay trực tiếp cây ăn quả tại trang trại của gia đình giúp cho khách hàng yên tâm hơn về nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm.

Cần có sự đồng hành của các cấp Hội LHPN

Nhu cầu mua sắm online trở thành thói quen không thể thiếu của người tiêu dùng. Điều này bắt buộc các tiểu thương trên địa bàn tỉnh phải thay đổi, tiếp cận và ứng dụng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh, buôn bán. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ số của các nữ tiểu thương trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt với những nữ tiểu thương lớn tuổi gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận, cũng như ứng dụng công nghệ đúng cách.

Chị Nguyễn Thị Mai, tiểu thương chợ Quang Sơn bày tỏ: Tôi mong các cấp, ngành tổ chức lớp tập huấn để nâng cao kiến thức và kỹ năng trong kinh doanh cho các nữ tiểu thương về thương mại điện tử, livestream bán hàng; hướng dẫn về kỹ năng kinh doanh đăng trên các trang mạng xã hội.

Tham gia kinh tế số, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ tại địa phương. Vì vậy, chị em tiểu thương mong muốn thời gian tới sẽ được sự quan tâm của các cấp Hội LHPN trong tỉnh, các cấp, ngành trong việc tổ chức các hoạt động tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ nữ tiểu thương chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh./.

Hà Thanh

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/nu-tieu-thuong-thoi-cong-nghe-so-post65159.html
Zalo