Nữ thạc sĩ người Việt chia sẻ tại sự kiện toàn cầu về giáo dục khởi nghiệp
Trong khuôn khổ hội nghị UNESCO-APEID, thạc sĩ Lê An Na có bài phát biểu với chủ đề: 'Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp: Tình hình và bối cảnh tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục đại học và cao đẳng'. Thạc sĩ Lê An Na cũng là đại diện duy nhất đến từ Việt Nam tham gia phát biểu tại sự kiện này.
Hội nghị UNESCO-APEID lần thứ 10 về giáo dục khởi nghiệp với chủ đề "Tương lai của thanh niên và giáo dục khởi nghiệp" diễn ra từ ngày 9-12/10 tại Đại học Alfraganus, Tashkent, Uzbekistan. Hội nghị thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo, nhà giáo dục, nhà hoạch định chính sách, doanh nhân và nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới.
Trong bài phát biểu của mình, thạc sĩ Lê An Na tập trung vào việc chia sẻ những thách thức, cơ hội và các sáng kiến đã được thực hiện nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong giáo dục Việt Nam.
Theo bà, chưa bao giờ phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam lại trở nên phát triển như bây giờ với sự vào cuộc của hầu hết các Bộ ban ngành, đoàn thể, địa phương. Để phát triển được phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thanh niên và trí thức, Việt Nam có chính sách đặc biệt riêng. Nhà nước hiểu được rằng thanh niên đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sẽ bắt đầu từ tầng lớp sinh viên các trường đại học và cao đẳng. Chính vì vậy nhiều chính sách được ban hành nhằm khuyến khích sự sáng tạo, đặc biệt là các tài năng trẻ từ các trường đại học, viện nghiên cứu, cũng như có chính sách đặc biệt để hỗ trợ họ phát triển ý tưởng sáng tạo trở thành sản phẩm thương mại hóa.
Cũng theo bà, việc phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm Nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp và các trường đại học với sự tham gia của sinh viên, giảng viên sẽ là một phương thức phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam một cách toàn diện.
Để thực hiện điều này thì vai trò tiên phong của các trường đại học thực hiện sứ mệnh đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp nhằm cung cấp cho xã hội những nhân tố được trang bị tư duy và kỹ năng cần thiết cùng các kết quả nghiên cứu mang tính ứng dụng giải quyết các bài toán cụ thể cho thị trường, mang lại giá trị cho xã hội phải được chú trọng hơn bao giờ hết.
Trong bài phát biểu của mình, thạc sĩ Lê An Na cũng chỉ ra hướng đi cho giáo dục khởi nghiệp tại Việt Nam. Bà cho rằng việc đổi mới chương trình đào tạo tại các trường đại học là rất cần thiết. Chương trình học cần được thiết kế lại để tích hợp các hoạt động thực hành, như dự án thực tế và các buổi thực tập, nhằm cung cấp cho sinh viên những kinh nghiệm thực tiễn và kiến thức áp dụng được trong môi trường khởi nghiệp. Các cơ sở giáo dục cần chủ động kết nối với các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sinh viên trải nghiệm thực tế qua các hoạt động ngoại khóa.
Việc xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn thiện cần được chú trọng. Các cơ quan chính phủ và tổ chức tài chính phải tập trung vào việc đầu tư vào hạ tầng cần thiết cho khởi nghiệp hơn nữa, bao gồm các trung tâm ươm tạo và các quỹ đầu tư mạo hiểm. Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư mạo hiểm đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn cho các startup, giúp họ có nguồn lực tài chính để phát triển và mở rộng quy mô hoạt động.
Cuối cùng, việc thay đổi nhận thức xã hội và xây dựng văn hóa khởi nghiệp là một yếu tố không thể thiếu. Điều này không chỉ tạo ra một môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp mà còn giúp xây dựng một nền văn hóa khởi nghiệp mạnh mẽ và bền vững trong cộng đồng.
Hội nghị UNESCO-APEID lần thứ 10 về giáo dục khởi nghiệp được tổ chức bởi Mạng lưới giáo dục khởi nghiệp UNESCO (EE-Net). Đây là sự kiện thường niên được tổ chức với mục đích thúc đẩy phát triển tinh thần khởi nghiệp, tư duy sáng tạo, đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường và công nghệ thông qua các sáng kiến do thanh niên lãnh đạo. Qua nhiều hoạt động và nhiều kênh khác nhau, EE-Net đã và đang tiếp tục tạo cơ hội cho các bên tham gia thảo luận, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm.
Hội nghị lần này tập trung vào bốn chủ đề chính gồm: chính sách của Chính phủ và các hoạt động, chương trình hành động, vận động hiệu quả cho giáo dục khởi nghiệp dành cho thanh thiếu niên; tính ứng dụng thực tế tốt nhất từ các sáng kiến giáo dục khởi nghiệp; khởi nghiệp do thanh niên lãnh đạo để giải quyết các vấn đề đổi mới xã hội, môi trường và công nghệ; xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ tinh thần khởi nghiệp của thanh thiếu niên.
Thạc sĩ Lê An Na là một chuyên gia, đang hoàn thành luận án tiến sĩ về văn hóa và giao tiếp liên văn hóa, đồng thời là Phó Giám đốc Tổ chức kết nối và phát triển nguồn nhân lực văn hóa và giáo dục Việt Nam (ORCCED). Bà cũng là giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng là nhà sáng lập Học viện phong thái và nghi thức Việt Nam – Protocol Academy Vietnam - PAVI.