Nữ sinh tốt nghiệp thủ khoa Ngoại thương với điểm tuyệt đối

Nguyễn Khánh Linh, 22 tuổi, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương với với điểm GPA 4/4, điểm rèn luyện 100/100.

 Khánh Linh là sinh viên ngành Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng định hướng nghề nghiệp quốc tế. Ảnh: NVCC.

Khánh Linh là sinh viên ngành Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng định hướng nghề nghiệp quốc tế. Ảnh: NVCC.

Khánh Linh, 22 tuổi, là sinh viên ngành Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng định hướng nghề nghiệp quốc tế, Đại học Ngoại thương. Hôm 30/7, nữ sinh nhận quyết định công nhận tốt nghiệp với điểm trung bình học tập (GPA) 4/4.

Linh cũng đạt điểm rèn luyện tuyệt đối, 100/100 điểm, giành học bổng sinh viên xuất sắc 6/8 kỳ học. Nữ sinh có chứng chỉ IELTS 8.0, chứng chỉ tiếng Trung HSK 3.

“Khi biết mình là thủ khoa tốt nghiệp, mình cảm thấy rất bất ngờ vì Ngoại thương có quá nhiều sinh viên xuất sắc, nhưng đồng thời cũng rất hạnh phúc và có chút tự hào”, Khánh Linh chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Cách học để đạt điểm tuyệt đối

Linh là cựu học sinh chuyên Anh, trường THPT chuyên Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên). Năm lớp 12, nữ sinh xét tuyển sớm và đỗ vào một số trường đại học, trong đó có Đại học Ngoại thương.

“Trong một lần tham gia ngày hội tuyển sinh của trường, mình ấn tượng bởi việc tổ chức chương trình bài bản, các anh chị sinh viên rất năng động. Vì vậy, mình ‘chốt' học Ngoại thương", nữ sinh nói.

Thời điểm đó, Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng là ngành học khá mới mẻ. Linh chọn chỉ đơn giản bởi ngành học hot, cơ hội làm việc rộng mở. Dù chưa thực sự yêu thích, những học kỳ đầu tiên, Linh vẫn đạt điểm A ở mọi môn học.

“Mình thích học, thích kiến thức cơ sở ngành và thấy rất hay”, Linh cho hay.

Ban đầu, nữ sinh không đặt mục tiêu sẽ là thủ khoa đầu ra, chỉ có mục đích lấy học bổng. Thậm chí, ở năm 2 đại học, gặp nhiều môn khó, Linh không nghĩ mình sẽ đạt điểm tuyệt đối khi tốt nghiệp.

Đến năm thứ 3, khi được học 3 môn Quản lý mua hàng toàn cầu, Quản lý sản xuất, Quản lý kho và phân phối, hiểu và biết về quy trình một sản phẩm đến tay người mua, Linh mới thực sự yêu thích ngành học này.

Nữ sinh nói cách học của mình rất đơn giản, cốt lõi là đi học đầy đủ, tập trung lắng nghe và ghi lại những nội dung quan trọng. Linh nhận ra trong suốt kỳ học, giảng viên vẫn thường nhắc lại các kiến thức căn bản rồi mới tiếp tục kiến thức nâng cao. Nữ sinh lưu ý điều này để nhớ bài giảng ngay trên lớp. Nhờ cách học này, cuối kỳ, Linh không mất nhiều thời gian ôn tập.

Trong khi đó, để đạt điểm rèn luyện tuyệt đối, cùng với việc học, từ năm nhất, Khánh Linh tích cực tham gia các hoạt động của lớp, khoa, trường, tham gia các câu lạc bộ, hoạt động tình nguyện…

 Khánh Linh (hàng ghế ngồi, bên trái) từng làm trưởng Ban Nhân sự, CLB Kinh doanh quốc tế - IBC FTU. Ảnh: NVCC.

Khánh Linh (hàng ghế ngồi, bên trái) từng làm trưởng Ban Nhân sự, CLB Kinh doanh quốc tế - IBC FTU. Ảnh: NVCC.

Ngoài học tập, Linh cũng tham gia nghiên cứu khoa học. Nữ sinh là đồng tác giả 2 bài báo khoa học đăng trong kỷ yếu hội thảo quốc tế, đồng tác giả một bài báo đăng trên Tạp chí Tài chính, trưởng nhóm tác giả 2 bài báo đăng trên tạp chí nghiên cứu của Đại học Ngoại thương, đoạt giải khuyến khích cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2022.

Nữ sinh nói việc khó nhất khi làm nghiên cứu là phát hiện đề tài và nghiên cứu của mình sẽ đóng góp được gì cho xã hội. Sau đó là tổng hợp thông tin, số liệu và định hướng viết.

Các nghiên cứu của Linh thiên về xuất nhập khẩu và nông sản. Sau mỗi lần hoàn thiện nghiên cứu, Linh học được khối lượng kiến thức khổng lồ, điều này cũng giúp ích cho nữ sinh trong quá trình học trên lớp.

Có việc làm chính thức từ năm 4 đại học

Tháng 11/2023, giữ học kỳ 1 của năm thứ 4, Linh hoàn thành các môn học ở trường, chỉ còn khóa luận tốt nghiệp. Nhận thấy có nhiều thời gian trống, nữ sinh bắt đầu tìm hiểu các doanh nghiệp, chỉnh sửa CV và ứng tuyển vào vị trí nhân viên chính thức thay vì thực tập sinh.

“Mình muốn đặt bản thân vào thách thức, áp lực lớn để học hỏi. Việc làm nhân viên chính thức cũng giúp mình được đào tạo nghiêm túc, khắt khe hơn”, Linh nói.

Gửi CV đến 20 doanh nghiệp, nhưng chỉ 2 đơn vị hồi âm. Không có nhiều sự lựa chọn và xác định học hỏi là chính, Linh nhanh chóng nhận lời mời làm việc ở công ty phỏng vấn đầu tiên.

Những tháng đầu đi làm, Linh rơi vào trạng thái căng thẳng, cảm thấy khác biệt so với đi học. Trước đó, dù đã đi thực tập 5 tuần, nhưng khi được làm ở vị trí chính thức, tiếp cận trực tiếp với các công đoạn, Linh mới thực sự va chạm thực tế.

Trong những tuần đầu tiên, nữ sinh được giao nhiệm vụ tổng hợp báo giá. Dù đã rất cố gắng, nhưng khi gửi tới phòng kinh doanh, Linh nhận phản hồi có nhiều sai sót, khiến báo giá bị lệch. May mắn, nữ sinh được anh chị đi trước kiểm tra lại và hỗ trợ, hậu quả chưa có gì nghiêm trọng.

 Cuối tháng 6, Linh hoàn thành và bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp, đạt 9,5 điểm. Ảnh: NVCC.

Cuối tháng 6, Linh hoàn thành và bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp, đạt 9,5 điểm. Ảnh: NVCC.

“Mình cảm thấy áy náy, có lỗi dù không bị phạt hay trách mắng. Nhiều thứ mình phải học lại từ đầu, tự nhủ phải cẩn thận, tỉ mỉ hơn”, nữ sinh nói.

Tháng 4-5/2024 là giai đoạn Linh cảm thấy căng thẳng nhất. Thời điểm này, nữ sinh ngày đi làm (cao điểm đấu thầu), tối về ôn thi chứng chỉ IELTS, đồng thời làm khóa luận tốt nghiệp. Trong vòng 2 tháng, Linh tăng cân mất kiểm soát do stress. Để cân bằng lại, nữ sinh chia nhỏ thời gian biểu và sắp xếp lại thứ tự ưu tiên.

Cuối tháng 6, Linh hoàn thành và bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp với đề tài về quản trị mua hàng, đạt 9,5 điểm. Trước đó vài tuần, nữ sinh cũng thi đạt 8.0 IELTS.

Đạt được những kết quả này, Khánh Linh cho hay người truyền cảm hứng nhất cho cô là bố - một người kiên trì, bền bỉ ngay cả trong những việc nhỏ nhất.

“Hồi năm nhất, khi mình đoạt học bổng, bố nói ‘việc học như đạp xe lên dốc, con đang có bước đà tốt, nếu tiếp tục duy trì, con sẽ không tốn nhiều sức; nhưng nếu để mất đà, muốn bắt đầu lại sẽ khó khăn và cần nỗ lực rất nhiều’. Nhờ lời khuyên đó, mình đã vượt qua mọi thứ", thủ khoa Ngoại thương nhớ lại lời khuyên của bố.

Nhìn lại 4 năm đại học, Linh nói vẫn còn một số tiếc nuối vì chưa đạt được thành tựu đáng nhớ, như tham gia các cuộc thi sinh viên, có nghiên cứu đạt thứ bậc cao hơn.

“Dù vậy, danh hiệu thủ khoa tốt nghiệp vẫn luôn là dấu mốc đặc biệt. Mình tự hào vì bản thân đã không ngừng nỗ lực”, Linh chia sẻ thời gian tới, cô sẽ duy trì công việc hiện tại để biết mình cần gì, sau đó sẽ quyết định việc học lên các bậc học cao hơn.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nu-sinh-tot-nghiep-thu-khoa-ngoai-thuong-voi-diem-tuyet-doi-post1491370.html
Zalo