Nữ sinh tìm ra dấu ấn cá nhân giúp chinh phục học bổng toàn phần tại Hàn Quốc

Theo Khánh Vi, quá trình săn học bổng không chỉ đơn thuần là việc chuẩn bị hồ sơ mà còn là hành trình tìm kiếm và định hình bản sắc cá nhân.

Vũ Khánh Vi (sinh năm 2005) đã xuất sắc giành học bổng toàn phần tại hai trường đại học danh giá của Hàn Quốc là Đại học Yonsei và Đại học Sogang. Hiện tại, Vi đang theo học ngành Culture Media (Truyền thông văn hóa) tại khoa GLC (Global Leaders College), Đại học Yonsei.

Khoảng thời gian đắm chìm trong cảm xúc tiêu cực

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Vũ Khánh Vi chia sẻ, Vi biết đến cơ hội du học Hàn Quốc một cách khá tình cờ và có phần muộn màng. Trong những năm học lớp 10 và 11, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, em chưa từng nghĩ đến việc đi du học cũng như chưa có định hướng rõ ràng nào cho tương lai.

Tuy nhiên, bước ngoặt đã đến khi một người bạn trong quá trình tìm hiểu về các trường đại học tại Hàn Quốc đã gợi ý cho Vi rằng nên thử nộp hồ sơ vì cảm thấy bản thân Vi có đủ điều kiện để ứng tuyển.

Vốn đã yêu mến văn hóa Hàn Quốc từ lâu, khi nhận ra cơ hội được học tập tại quốc gia mà bản thân hằng mơ ước, trong đầu Khánh Vi chỉ có một suy nghĩ duy nhất “Nếu bỏ lỡ lần này, chắc chắn mình sẽ rất tiếc.” Và hành trình dài của nữ sinh này đã bắt đầu từ chính cột mốc ấy.

“Khi bạn thành tâm với mong muốn của mình, cả vũ trụ sẽ hợp sức lại để giúp bạn đạt được nó” là câu nói mà Khánh Vi sử dụng để nói về quá trình săn học bổng của bản thân. Bởi hành trình chạm tay đến những suất học bổng đối với Vi là một con đường không hề bằng phẳng, đầy thử thách và không ít chông gai.

Giống như bao bạn học sinh khác, Vi đã chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển học bổng với tất cả sự nỗ lực và quyết tâm, mong rằng có thể đạt được kết quả tốt nhất để phần nào giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình khi đi du học.

May mắn thay, Vi đã giành được học bổng 50% trong suốt 4 năm học tại Đại học Sogang cho kỳ mùa xuân năm 2023. Tuy nhiên, niềm vui chưa kéo dài bao lâu thì tin xấu lại ập đến, một thông báo bất ngờ về sự thay đổi chính sách visa của Hàn Quốc đã khiến Khánh Vi không thể hoàn tất thủ tục và đăng ký visa kịp thời. Điều này đồng nghĩa với việc cả kết quả đỗ Đại học Yonsei lẫn suất học bổng tại Đại học Sogang đều bị hủy và kế hoạch du học của Vi buộc phải tạm dừng.

 Hiện tại, Vi đang theo học ngành Culture Media (Truyền thông văn hóa) tại khoa GLC (Global Leaders College), Đại học Yonsei. Ảnh: NVCC

Hiện tại, Vi đang theo học ngành Culture Media (Truyền thông văn hóa) tại khoa GLC (Global Leaders College), Đại học Yonsei. Ảnh: NVCC

“Khi đó, em rơi vào trạng thái mất phương hướng. Mọi thứ tưởng chừng như sụp đổ trước mắt. Bao công sức, thời gian và hy vọng bỗng chốc trở thành con số không. Bản thân em đã trải qua một khoảng thời gian dài chìm trong lo âu, thất vọng và hoài nghi về khả năng của chính mình. Em từng nghĩ, có lẽ giấc mơ du học sẽ mãi mãi nằm ngoài tầm với.

Thế nhưng, nhờ vào sự động viên không ngừng từ gia đình, thầy cô và bạn bè, em đã quyết định thử lại một lần nữa với một tia hy vọng “Biết đâu những chuyện không thành là do ông trời đang cố gắng bảo vệ mình.” Giữa vô vàn lo âu, em đã chọn tin tưởng, chọn đứng dậy từ thất bại để bắt đầu lại hành trình ấy.

Có lẽ, khoảng thời gian bắt đầu lại là giai đoạn giàu cảm xúc nhất trong cả hành trình săn học bổng. Bởi khi đó, em làm mọi thứ như thể không còn gì để mất, không sợ hãi, không chùn bước”, Vi chia sẻ.

Ngày nhận được thông báo học bổng từ cả hai trường đại học, Khánh Vi không giấu được sự bất ngờ và xúc động bởi nữ sinh hiểu rằng từng giây phút đã trải qua đều mang ý nghĩa riêng, không gì là lãng phí.

Điều quý giá nhất mà Khánh Vi nhận được chính là sự trưởng thành, vượt qua được giới hạn của chính mình, khám phá ra nhiều điều chưa từng biết về bản thân và học cách kiên cường hơn qua từng ngày.

Săn học bổng là quá trình tìm kiếm bản sắc riêng của chính mình

Hiện tại, Vi đang theo học ngành Culture Media (Truyền thông văn hóa) tại khoa GLC (Global Leaders College) tại Đại học Yonsei. Từ khi học cấp 3, nhờ việc tham gia các hoạt động ngoại khóa mà Vi nhận ra được lĩnh vực mà mình quan tâm và muốn được học hỏi nhiều hơn là truyền thông. Hơn nữa, do mục tiêu khi lựa chọn học truyền thông tại Hàn Quốc là được trải nghiệm, thử sức với nhiều thứ nhất có thể để tìm được điểm mạnh của mình. Vì vậy, Vi đã lựa chọn ngành học này tại Đại học Yonsei.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm giành học bổng, đối với Khánh Vi, quá trình săn học bổng không chỉ đơn thuần là việc chuẩn bị hồ sơ mà còn là hành trình tìm kiếm và định hình bản sắc cá nhân. Hồ sơ du học không chỉ là nơi liệt kê thành tích mà còn là bản phác họa chân thực nhất về con người ứng viên để giúp hội đồng tuyển sinh hiểu bạn là ai, có gì nổi bật và lý do tại sao bạn xứng đáng với cơ hội ấy.

Chính vì vậy, giữa vô số hồ sơ có thành tích ấn tượng nhưng đôi khi lại mang màu sắc giống nhau thì bài luận cá nhân hay portfolio (tài liệu tổng hợp toàn bộ dự án mà ứng viên đã từng tham gia thực hiện) chính là cơ hội để thí sinh tạo nên sự khác biệt.

Theo nữ sinh, một bài luận hiệu quả không cần quá dài dòng, điều quan trọng là tạo được điểm nhấn. Hãy cho hội đồng tuyển sinh thấy bạn là ai, bạn giỏi điều gì và bạn sẽ đóng góp như thế nào cho môi trường học tập tại ngôi trường mà bạn lựa chọn. Sự liên kết chặt chẽ trong nội dung và tính chân thực trong cách thể hiện sẽ khiến bài luận trở nên thuyết phục và đáng nhớ hơn rất nhiều.

Một yếu tố quan trọng không kém chính là hoạt động ngoại khóa. Khánh Vi từng lo lắng vì bản thân bắt đầu hành trình du học khá muộn, không có nhiều thời gian để chuẩn bị các hoạt động bài bản như một số bạn khác. Tuy nhiên, sau cùng, nữ sinh đã nhận ra giá trị cốt lõi của câu nói “chất lượng hơn số lượng.” Những hoạt động được đưa vào hồ sơ nên là chuỗi hoạt động có liên kết với nhau, phản ánh rõ nét cá tính, sở thích, định hướng phát triển và lĩnh vực mà thí sinh thực sự đam mê.

Do đó, nếu có thể bắt đầu sớm với một kế hoạch cụ thể và sự chuẩn bị có định hướng, quá trình săn học bổng sẽ trở nên hiệu quả và “đúng chất” hơn rất nhiều.

Chia sẻ thêm về việc thi TOPIK (kỳ thi kiểm tra năng lực tiếng Hàn) đối với những bạn đang có nguyện vọng sử dụng chứng chỉ này để apply học bổng, Khánh Vi gửi gắm: “Đừng quá lo lắng hay e ngại khi quyết định đăng ký thi. Ngay cả khi bạn chỉ đạt TOPIK 1 hoặc TOPIK 2, điều đó vẫn đủ để thể hiện cho hội đồng tuyển sinh thấy rằng bạn đang nghiêm túc trong quá trình học tiếng Hàn và đã có sự chuẩn bị nhất định cho việc du học tại Hàn Quốc”

Bản thân Khánh Vi là một minh chứng rõ ràng, dù chỉ nộp bằng TOPIK 2 khi ứng tuyển vào Đại học Yonsei, nữ sinh vẫn may mắn nhận được học bổng từ một trong những trường đại học uy tín tại Hàn Quốc. Điều đó cho thấy rằng hội đồng tuyển sinh không chỉ nhìn vào cấp độ tiếng Hàn mà còn đánh giá cả quá trình và tiềm năng phát triển của mỗi ứng viên.

Một lời khuyên khác mà Khánh Vi muốn nhắn nhủ đến các bạn đang học tiếng Hàn là hãy cố gắng học đều tất cả các kỹ năng nghe, đọc và viết. Việc chỉ tập trung vào kỹ năng mà bản thân cảm thấy mạnh có thể dẫn đến sự mất cân đối trong điểm số và khi bước vào kỳ thi, sự chênh lệch rõ rệt giữa các kỹ năng có thể ảnh hưởng đáng kể đến tổng điểm cũng như chất lượng của hồ sơ.

Với những bạn trẻ đang mong muốn du học, đặc biệt là tại Hàn Quốc, Khánh Vi cho rằng Hàn Quốc là một quốc gia có nhiều nét tương đồng với Việt Nam về văn hóa cũng như đời sống. Vì vậy các bạn học sinh, sinh viên không cần quá lo lắng hay bất an trước khi bắt đầu hành trình du học tại đây. Tuy nhiên, theo nữ sinh, yếu tố then chốt giúp quá trình thích nghi diễn ra nhanh chóng và thuận lợi chính là khả năng tiếng Hàn.

Do không có định hướng sớm và bắt đầu học tiếng Hàn muộn, Vi đã từng rất lo lắng khi chuẩn bị cho cuộc sống du học tại Hàn Quốc, dù khi ấy đã đạt trình độ TOPIK 4, với nữ sinh, việc học ngoại ngữ là một hành trình không có điểm dừng.

Việc sống trong một môi trường sử dụng hoàn toàn tiếng Hàn chắc chắn sẽ giúp người học tiến bộ nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu có thể chuẩn bị trước thật kỹ, đặc biệt là về mặt ngôn ngữ thì cuộc sống du học tại Hàn Quốc sẽ trở nên “dễ thở” và hiệu quả hơn rất nhiều.

Nữ sinh cũng chia sẻ rằng, tiếng Hàn sử dụng trong đời sống thực tế sẽ có phần khác biệt so với trong sách vở, vì vậy cảm giác bỡ ngỡ hay thậm chí là “sốc ngôn ngữ” là điều hoàn toàn bình thường. Quan trọng là hãy cố gắng vượt qua giai đoạn đó với một tinh thần chủ động và cầu tiến.

“Hãy thật sự kiên trì, bền bỉ và vững tin vào chính mình. Đôi khi, những điều không thành không hẳn là thất bại mà có thể là cách ông trời đang bảo vệ bạn khỏi một điều chưa phù hợp, để rồi sau đó trao cho bạn những cơ hội xứng đáng hơn”, Vi nhắn nhủ.

Thu Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nu-sinh-tim-ra-dau-an-ca-nhan-giup-chinh-phuc-hoc-bong-toan-phan-tai-han-quoc-post250433.gd
Zalo