Nữ nghệ sĩ gen Z lan tỏa Ví Giặm trên không gian số

Là nghệ sĩ trẻ có vinh dự được tham gia biểu diễn mở màn 3 chương trình lớn trong dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025), nhưng ít ai biết Hà Quỳnh Như lại là một trong số ít nghệ sĩ Gen Z lặng lẽ, nỗ lực lan tỏa điệu Ví Giặm quê hương mình trên không gian số.

Hà Quỳnh Như tại chương trình “Người là Hồ Chí Minh”. (Ảnh: NVCC)

Hà Quỳnh Như tại chương trình “Người là Hồ Chí Minh”. (Ảnh: NVCC)

Sự kiện biểu diễn mở màn 3 chương trình lớn trong dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là kỷ niệm đẹp và không bao giờ quên trong cuộc đời làm nghề của Hà Quỳnh Như.

Mở đầu là chương trình Lễ khai mạc Lễ hội Làng Sen 2025 và khánh thành tượng đài Bác Hồ về thăm quê (ngày 15/5). Hai ngày sau, vào tối 17/5, nữ nghệ sĩ tiếp tục xuất hiện trong chương trình đặc biệt “Cất cánh” của Đài Truyền hình Việt Nam với chủ đề “Tháng 5 ở lại”.

Tiếp đó, nữ ca sĩ lại đảm nhận vai trò hát mở màn đêm nghệ thuật đặc biệt “Người là Hồ Chí Minh” vào tối 18/5, diễn ra trang trọng ngay tại Quảng trường Ba Đình - trước Lăng Chủ tịch.

Đó không chỉ là niềm vinh dự của một nghệ sĩ trẻ mà còn thể hiện sự ghi nhận của giới chuyên môn đối với hành trình nghiêm túc, tâm huyết và đầy cảm xúc mà Hà Quỳnh Như đang theo đuổi với dòng nhạc dân gian, đặc biệt là dân ca Ví Giặm.

Chia sẻ về cảm xúc khi được hát mở màn liên tiếp 3 chương trình lớn, Hà Quỳnh Như nói: “Em cảm thấy vinh dự, tự hào và… rất run. Đặc biệt là trong chương trình “Người là Hồ Chí Minh” tại Quảng trường Ba Đình, nơi các bác lãnh đạo chăm chú theo dõi từng tiết mục. Nhưng sự thiêng liêng ấy lại chính là nguồn động lực lớn để em thể hiện bằng tất cả tình cảm của mình. Chính niềm vinh dự và tự hào quá lớn đã giúp em xua tan mọi áp lực để hát tốt hơn”.

Không chỉ gây ấn tượng bằng 3 lần mở màn đáng nhớ, Hà Quỳnh Như còn để lại dấu ấn qua sự lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội sau các chương trình. Cô nhận được hàng loạt tin nhắn, lời chúc từ khán giả trong nước lẫn kiều bào từ Mỹ, Nhật Bản, cùng những đoạn video chia sẻ cảm xúc về các tiết mục. “Em thực sự rất hạnh phúc, khó ngủ được vì mọi người đón nhận nồng nhiệt quá”, cô xúc động nói.

Hà Quỳnh Như (giữa) cùng các nghệ sĩ tại chương trình “Người là Hồ Chí Minh”.

Hà Quỳnh Như (giữa) cùng các nghệ sĩ tại chương trình “Người là Hồ Chí Minh”.

Không giấu niềm tự hào với dòng dân ca Ví Giặm quê hương, Hà Quỳnh Như tin rằng sức hút của thể loại này đến từ sự trữ tình, lãng mạn và tính gắn kết văn hóa. “Là một người trẻ, em luôn chú trọng việc làm mới, phát triển dân ca để phù hợp với thời đại số, để khán giả trẻ tiếp cận dễ hơn”, cô nói.

Và hơn hết, Hà Quỳnh Như mong muốn khi nhắc đến tên mình, khán giả sẽ nghĩ ngay đến Ví Giặm - loại hình nghệ thuật dân gian mà cô say mê, tự hào và đang miệt mài theo đuổi.

Hà Quỳnh Như đến với làn điệu Ví Giặm chính là nhờ người mẹ của mình. Từ nhỏ, khi mới chỉ khoảng 3-4 tuổi, Như đã được mẹ đưa đi khắp các xã xem văn nghệ, mẹ cũng tham gia hát dân ca với các cô trong đội văn nghệ xã. Khi đó, Hà Quỳnh Như còn nói chưa sõi nhưng đã thuộc các làn điệu dân ca. Năm 5 tuổi cô đã hát được bài “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”.

Từ nhiều năm nay, Hà Quỳnh Như vẫn âm thầm nỗ lực đưa các clip trình diễn Ví Giặm của mình lên các nền tảng mạng xã hội. Những nỗ lực này đã đem lại kết quả, Ví Giặm qua giọng ca của Hà Quỳnh Như đã lan tỏa rất mạnh trên các nền tảng YouTube, Facebook, Tiktok. Chỉ tính riêng bài “Đêm nghe hát câu đò đưa nhớ Bác”, sau 1 ngày đăng tải trên Facebook cá nhân của Hà Quỳnh Như đã đạt mốc hơn 3 triệu lượt xem, gần 1 triệu lượt xem trên Tiktok Hà Quỳnh Như, gần 400k trên Tiktok của VTV, chưa kể trên các trang của nhiều đơn vị, fan hâm mộ khác…

Hà Quỳnh Như sinh năm 2004 tại Yên Thành, Nghệ An. Cô nổi danh từ khi tham gia và đạt giải Ba chương trình “Thần tượng tương lai” mùa đầu tiên. Năm 2018, cô giành ngôi Quán quân “Giọng hát Việt nhí”. Hiện cô là sinh viên thanh nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

NGỌC LINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nu-nghe-si-gen-z-lan-toa-vi-giam-tren-khong-gian-so-post881261.html
Zalo