Nữ nghệ sĩ gần 30 năm chuyên trị vai đào võ

Đôi mắt biết nói, gương mặt thanh thoát, ngoài đời trông nghệ sĩ Phan Thị Thu Ba (1973) - Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) rất khác so với lúc diễn trên sân khấu. Tôi nói điều này và nhận được câu trả lời dí dỏm từ cô: 'Con mình cũng không nhận ra mình lúc diễn trên sân khấu'. Hỏi làm sao giữ được lửa nghề khi nghệ thuật sân khấu Tuồng ngày càng kén khách, câu trả lời đầy hàm xúc: 'Yêu nghề, nghề không phụ'. Và, tôi bắt gặp trong đôi mắt biết nói ấy một ánh nhìn kiên định...

Diễn viên Thu Ba trên sân khấu.

Diễn viên Thu Ba trên sân khấu.

Sinh ra trong gia đình thuần nông (quê Bình Quế, Thăng Bình, Quảng Nam), không một ai theo con đường nghệ thuật, chỉ một lần nghe anh rể làm ở xã thông tin có đoàn của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh về tuyển sinh diễn viên, cô gái Thu Ba tuổi mới đôi mươi chân lấm tay bùn liều mình lên xã thử giọng dù chẳng biết chi về Tuồng. "Hồi ấy (thập niên 80 đầu 90 thế kỷ 20 - P.V) Nhà hát hay đưa đoàn về xã mình biểu diễn lắm, xem rồi thích vậy thôi. Mỗi lần đi chăn trâu, cắt cỏ, mình cùng mấy đứa bạn thường rủ nhau bắt chước múa máy, đi quyền như trên sân khấu. Lúc đến xã thử giọng, các cô chú Nhà hát bảo hát bài gì mình thích. Sau đó, các cô chú hát một câu tuồng, biểu mình hát lại và mình thực hiện được. Thế là lọt qua vòng sơ tuyển. Đến khi ra Đà Nẵng dự vòng trung tuyển mình tá hỏa khi biết phải tranh tài cùng cả 100 người từ nhiều địa phương khác trong cả nước. Qua trung tuyển, chỉ còn lại 30 người. Hồi đó, nào đã hiểu gì về Tuồng, chỉ muốn thoát cảnh làm nông, ngày ngày "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" mà đi thi thôi. Đến lúc học mới thấm sự nhọc nhằn, vất vả khi theo nghiệp diễn Tuồng"- nghệ sĩ Thu Ba nhớ lại.

Cha mất hồi Thu Ba còn nằm trong bụng mẹ. Đất nước vừa thống nhất, đời sống còn khó khăn, cô vừa đi học, vừa đi chăn trâu, làm ruộng, rất cực. Học hết cấp 2 thì nghỉ học, đến khi được tuyển vào đoàn, cô vừa học nghề diễn hệ trung cấp tại Trường Văn hóa nghệ thuật Quảng Nam- Đà Nẵng vừa học bổ túc cấp 3. Học được vài tháng, nhiều bạn không chịu được sự vất vả cùng môi trường của cuộc sống mới, ăn uống lại kham khổ nên bỏ về quê. Ra tết của năm học đầu tiên, cả lớp rủ nhau nghỉ học. Nhà trường gửi thông báo về địa phương. Nhớ lại kỷ niệm này, Thu Ba không khỏi bùi ngùi: "Tết 1995, cả lớp 17 đứa rủ nhau nghỉ học, hết về quê đứa này, đến về quê đứa kia chơi, không chịu trở lại trường. Tuy gửi công văn về xã thông báo, nhưng nhà trường, các thầy cô không làm căng, dỗ dành chúng tôi quay về trường học. Học Tuồng rất khó, đời sống lại khó khăn nên nhiều bạn không chịu nổi, bỏ lớp, chỉ còn lại 9 người. Đoàn phải về Tiên Lãnh, Tiên Phước tuyển thêm cho đủ số lượng để dạy. Kết thúc khóa học 1994-1997, chỉ còn lại 9 bạn bám trụ với Nhà hát. Đến 2006, khóa của mình chỉ còn lại 8 bạn bám trụ đến giờ".

Nghệ sĩ Thu Ba tâm sự, hồi đó ra Đà Nẵng học tuy đã ở tuổi 20 nhưng do ở quê nên còn "khờ lắm", cứ "nhớ nhà, nhớ má, khóc miết". Lại thêm chưa định hình được Tuồng như thế nào, năm đầu chủ yếu học đại cương, môn phụ nhiều nên lắm lúc nản. May mắn, trong quá trình học, cô và các bạn được các thầy cô là những nghệ sĩ gạo cội, yêu thương, rút ruột truyền dạy với tâm nguyện mong có trò giỏi nối nghề. Cô chia sẻ: "Chính nhờ sự chỉ dạy tận tình, dốc hết tâm huyết, vốn liếng nghề của các thầy cô mà mình đã bám trụ đến giờ…".

Diễn viên Thu Ba cùng chồng.

Diễn viên Thu Ba cùng chồng.

Vào nghề khi nghệ thuật sân khấu truyền thống Tuồng đang ở trong bối cảnh chung vãng khách, để có tiền nuôi hai con trai, phụng dưỡng mẹ già yếu và bám trụ với nghề, vợ chồng cô (chồng là NSƯT Nguyễn Tấn Đông, cưới năm 2000, bạn học cùng khóa, cùng công tác tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh) đã phải làm đủ nghề. Cô thì nuôi heo (giai đoạn đầu, lúc còn ở nhà thuê), còn chồng ngoài thời gian biểu diễn, tập tuồng, kiêm luôn nghề "thợ đụng", từ chạy xe ôm, làm thợ điện, trang trí cho các quán cà phê. "Việc chi cũng làm miễn chính đáng, lương thiện, để lấy ngắn nuôi dài"- cô thổ lộ. Sau 2 năm ở nhà thuê, nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của đoàn thể, nhà hát, vợ chồng cô mua được mảnh đất trả góp. "Hồi cưới, 2 vợ chồng chỉ có 500 ngàn đồng, nhờ Công Đoàn, Nhà hát mới tổ chức được. Lúc làm nhà cũng vậy, làm hết 25 triệu nhưng vợ chồng chỉ có đâu 1 triệu đồng, còn lại vay theo chế độ đời sống công chức, rồi trả dần. Nhờ có Công Đoàn, tổ chức đoàn thể của Nhà hát giúp đỡ, hỗ trợ, vợ chồng mình mới giữ bám trụ, nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật sân khấu Tuồng đến hôm nay. Nghề này hay lắm nha, khi Tổ nghiệp đã chọn mình rồi, thì mình có bỏ cũng không được. Tổ nghiệp đã chọn thì sẽ đãi ngộ mình thôi. "Yêu nghề, nghề không phụ" thiệt chẳng sai"- nghệ sĩ Thu Ba rút ruột chia sẻ thêm. Chẳng hiểu có phải do Tổ nghiệp đã chọn vai cho không mà trong suốt gần 30 năm theo nghề, cô chỉ chuyên "trị" vai đào võ và vai bà già. "Mặt mình hình như diễn vai đào độc, đào lẳng không được sao ấy, chỉ hợp với vai đào võ, vai bà lão thôi"- Thu Ba bật cười khi nói điều này…

Nghe nghệ sĩ Thu Ba trải lòng mà thấy thương sao đời nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ gắn bó với nghệ thuật sân khấu truyền thống Tuồng…Càng thương hơn khi được biết, suốt gần 30 năm theo nghiệp diễn, miệt mài lao động nghệ thuật như con tằm rút ruột nhả tơ, ở tuổi ngũ tuần, cô vẫn chưa được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT).

Qua NSƯT Trần Ngọc Tuấn- Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, được biết, tại Liên hoan các trích đoạn sân khấu toàn quốc diễn ra tháng 5 - 2023, nghệ sĩ Thu Ba vinh dự đoạt HCV (Nhà hát Tuồng đạt 5 huy chương gồm: 2 HCV, 3 HCB tại Liên hoan này). Với chiếc HCV này, hy vọng nghệ sĩ Thu Ba hội đủ điều kiện làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT, phần thưởng hoàn toàn xứng đáng cho những nỗ lực không mệt mỏi, cùng tình yêu, niềm đam mê mà cô đã dành cho nghệ thuật sân khấu Tuồng gần 30 năm qua.

Khánh Yên

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nu-nghe-si-gan-30-nam-chuyen-tri-vai-dao-vo-post299209.html
Zalo